Nước ngoài ồ ạt mua máy xử lí rác Việt Nam sản xuất

Hơn 25 năm nghiên cứu với chi phí gần 30 triệu USD, kĩ sư Việt Nam hợp tác với Mỹ phát minh thành công máy xử lí rác thải tạo ra điện, ga, khí đốt…

Xe đưa rác vào máy để đốt

Bán nhà… lấy tiền nghiên cứu

Sản phẩm do các kỹ sư Việt Nam phối hợp với một số kỹ sư Mỹ thuộc Công ty H-T Giang San (tập đoàn Nghê Tử) nghiên cứu, được vận hành tại huyện Đức Hòa, Long An. Máy xử lí được mọi loại rác có độ ẩm lên đến 70% mà không cần phân loại tại nguồn. Rác sau khi đốt tạo thành than sinh học dùng để nấu nướng và cải tạo đất.

Theo kỹ sư Huỳnh Văn Hòa, năm 1990, thời điểm các nước công nghiệp trên thế giới đang trên đà phát triển nên cần lượng xăng dầu, khí đốt rất lớn, dẫn đến việc thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Còn ở Việt Nam, giá xăng dầu tăng cao, nhiều ngư dân không đủ tiền mua nhiên liệu dự trữ cho những đợt ra khơi dài ngày. Qua đó, kỹ sư Lưu Văn Châu, chuyên nguyên cứu về năng lượng, góp ý rằng ông Hòa và kỹ sư Trần Phi Phụng nên gác lại mọi việc để cùng ông nghiên cứu máy sản xuất khí H2 để thay thế xăng dầu.

Gần 5 năm mày mò, ba người phát minh thành công máy sản xuất khí H2, nguồn nguyên liệu chính nước để điện giải thành khí H2. “Đứa con” đầu đời này đã ngốn hết hơn 8 tỷ đồng. Lần lượt những tài sản có giá trị mà họ tích góp lần lượt ra đi.

Những tưởng thành công được đón nhận, nhưng khi đưa ra áp dụng, bao nhiêu công sức của nhóm bị lãng quên.

Theo ông Hòa, thời gian đầu đưa vào áp dụng trên tàu, thuyền, được nhiều người ủng hộ, mọi người cứ nghĩ mình thành công. Nhưng sau một thời gian, các tài công đi biển tẩy chay mà không đưa ra lí do cụ thể. Tìm hiểu ra mới biết, các tài công khi sử dụng máy phát điện tái tạo khí H2 không “rút ruột” được xăng dầu của chủ tàu để trục lợi. Chính điều này khiến việc ứng dụng máy sản xuất khí H2 bị phá sản.

Máy đốt rác hiện đại nhất thế giới “made in Viet Nam”

Năm 1995, ô nhiễm môi trường từ rác thải tràn lan. Không những ở các nước phát triển, mà ở Việt Nam, tình trạng này là bài toán nan giải cho các nhà nghiên cứu môi trường. Thời điểm này, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đưa vào vận hành máy xử lí rác thải bằng nhiệt và hơi nước. Theo ông Châu: “Sử dụng hơi nước biến thành nhiệt xử lí rác thải thì xả ra khói ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống người dân”. “Bộ tam” kĩ sư bật ra ý tưởng phải làm sao sản xuất ra máy xử lí rác thải mà không tạo ra khói, không ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.

Cuối năm đó, gần nhà ông Hòa ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng là nơi thường xuyên tập kết rác nên ông Hòa và ông Phụng dùng rác ở bãi này để nghiên cứu, còn ông Châu qua Mỹ tìm nhà đầu tư và cùng một số kĩ sư Mỹ gốc Việt nghiên cứu về vi sinh… Họ chuyển các công trình này về cho ông Hòa, ông Phụng xây dựng mô hình máy xử lí rác thải hoàn chỉnh.

Máy xử lí rác thải này được nhóm kĩ sư vận hành theo công thức: Rác thải đốt với nhiệt độ cao để lấy khí Metan (CH4) kết hợp với khí H2 tạo nên khí Metan hóa, sau đó lấy khí này kết hợp với chất xúc tác tạo nên khí DMI. Theo ông Hòa, công thức này các nước sản xuất máy xử lí rác thải trên thế giới đều biết nhưng họ không áp dụng vì giá thành mua khí H2 từ các công ty dầu mỏ quá cao. Với công thức trên, đến năm 2005, nhóm kĩ sư do ông Hòa đứng đầu nghiên cứu thành công máy xử lý rác thải tạo ra điện, ga, khí đốt và phân sinh học dùng để cải tạo đất…

Theo ông Hòa, vào những ngày cuối năm 2006, lần đầu đưa rác vào đốt, thấy ngọn ga của rác, công ty vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Để kiểm tra chất lượng của máy, nhóm kĩ sư cho máy hoạt động hết công suất từ ngày 26 âm lịch đến thời khắc giao thừa năm đó mới cho ngừng.

Để bảo vệ công trình hàng chục năm trời nghiên cứu, cả nhóm đăng kí bản quyền tại Việt Nam và Mỹ, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất. Qua những lần biểu diễn tại một số tỉnh thành trong nước, các nhà đầu tư, kĩ sư nhiều nước yêu cầu hợp tác sản xuất nhưng nhóm kĩ sư phát minh kiên quyết từ chối, vì muốn đặt công ty sản xuất ở Việt Nam để cống hiến cho người dân nước mình.

Sau khi nhóm trình diễn tại Long An trước sự chứng kiến của lãnh sự quán, kĩ sư, công ty môi trường…nhiều nước trên thế giới, đại diện Philippines kí hợp đồng mua 12 máy, công suất 400 tấn/ngày, Mỹ mua 1 máy, xử lí 300 tấn/ngày. “Tôi vừa nhận lời mời của lãnh đạo Campuchia và Lào yêu cầu qua khảo sát để hợp tác xử lý các bãi rác ở nước này vào tháng 10 sắp tới. Đại sứ quán Nigeria và các nước châu Phi vừa đến xem và soạn thảo hợp đồng kí kết mua hàng chục máy công suất lớn nhỏ khác nhau. Còn trong nước, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Long An, Kiên Giang, Quảng Ngãi và đảo ngọc Phú Quốc cũng đã kí hợp đồng mua”, ông Hòa cho biết.

 

                                                                                                              Theo tienphong.vn

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: