Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm Khoa học Công nghệ của cả nước

Ngày 15/11/2011, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, có thể nói, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN;) đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả đáng mừng. Tại bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại một số kết quả nổi bật đó, để một lần nữa khẳng định hoạt động KH&CN; đang góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN; trong tương lai.

 Phát triển tiềm lực và nhân lực KH&CN

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở KH&CN đã tham mưu nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định số 1104/QĐ-UBND ngày 20/6/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước (giai đoạn từ nay đến năm 2020); Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 13/5/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế việc phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước”…

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, ngành KH&CN đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN nhằm tạo sự chuyển biến mới trên bước đường xây dựng một Thừa Thiên Huế thành trung tâm KH&CN của cả nước. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều đề án thành lập các tổ chức KH&CN và cơ sở hạ tầng KH&CN như: đề án thành lập và xây dựng “Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (Theo quy hoạch của Chính phủ), đề án “Xây dựng Khu công nghệ cao”, đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước”; đề án “Xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung tại Đại học Huế”… Ngoài ra, Viện Tài nguyên, Môi trường và phát triển bền vững tại Huế đã được nâng cấp thành Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung; Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học-Đại học Huế đã nâng cấp thành 2 viện là Viện Tài nguyên và Môi trường và Viện Công nghệ Sinh học.

Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoạt động bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh tổ chức nghiên cứu khoa học, đưa khoa học vào cuộc sống, đầu tư ứng dụng công nghệ mới góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong những năm qua, sự hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Đại học Huế đã thực sự phát triển đúng hướng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đó cũng là một trong những tiền đề quan trọng trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước.

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có một hệ thống các tổ chức KH&CN mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực, có đội ngũ nhân lực KH&CN khá hùng hậu…,Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực vẫn thiếu các chuyên gia giỏi, kinh nghiệm. Về cơ sở vật chất – kỹ thuật, điều kiện và môi trường làm việc cho đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao còn chưa đồng bộ, nên chưa phát huy được nguồn lực này để tạo ra các kết quả mang tính đột phá nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đang có những kế hoạch, định hướng đào tạo trong thời gian tiếp theo để đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Mặt khác đội ngũ nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN còn khá mỏng, chưa được đào tạo bài bản (gần 60 cán bộ viên chức, công chức của Sở KH&CN; ở cấp cơ sở chỉ mới có một cán bộ (phó phòng) và một chuyên viên kiêm nhiệm đảm nhận công việc này tại các phòng công thương hoặc kinh tế; các sở ban, ngành thì chỉ cử 01 cán bộ kiêm nhiệm…) nên hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy trong thời gian qua, Sở KH&CN đã đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về KH&CN cho cán bộ quản lý các cấp.

Một số thành tựu về hoạt động KH&CN nổi bật

Song song với việc đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, ngành KH&CN tỉnh đã tập trung triển khai nghiên cứu khoa học thông qua việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án các cấp (trung bình 22 đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp nhà nước mỗi năm). Điều đáng nói, đó là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được thực hiện theo đặt hàng nhằm giải quyết các vấn đề xuất phát từ nhu cầu thực tế, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung vào chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Các nhiệm vụ được triển khai với sự phối hợp giữa Sở KH&CN và các sở, ban, ngành ở địa phương, các tổ chức KH&CN, các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị ứng dụng ngày càng quan tâm chặt chẽ. Có thể kể đến các đề tài, dự án nổi bật giai đoạn từ năm 2011-2014: Dự án Nông thôn miền núi do trung ương ủy quyền địa phương quản lý “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất một số cây trồng nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ở miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới chủ trì thực hiện. Kết quả của dự án là đã tăng hiệu quả sản xuất một số loài cây trồng chủ yếu, xây dựng các mô hình nhân giống, sản xuất và chế biến cà phê quy mô nông hộ; mô hình sản xuất chuối tiêu Hồng; mô hình sản xuất khoai lang rau cho đồng bào dân tộc miền núi A Lưới, góp phần ổn định thêm việc làm, tăng năng suất cây trồng và thu nhập cho người dân tại vùng triển khai dự án, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn và miền núi một cách bền vững. Hay dự án “Ứng dụng kỹ thuật phù hợp xây dựng mô hình ương giống tại chỗ và nuôi xen ghép một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang chủ trì thực hiện, đã ứng dụng kỹ thuật ương giống tại chỗ, phát triển mô hình nuôi xen ghép một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đối với các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, có thể kế đến một số đề tài nổi bật như “Nghiên cứu đánh giá các điều kiện phát triển công nghệ cao và đề xuất mô hình khu công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế”, do Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Bộ KH&CN chủ trì thực hiện; “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Hà Nội chủ trì thực hiện; “Đánh giá nguồn lực và đề xuất giải pháp cải thiện sinh kế bền vững cho các hộ nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao”, do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng chủ trì thực hiện; “Đánh giá thực trạng các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập” do Đại học Đà Nẵng chủ trì thực hiện; “Thử nghiệm chế phẩm sinh học Trichoderma và sản phẩm phosphonate phòng trừ bệnh chảy gôm trên cây bưởi Thanh trà của Thừa Thiên Huế” do Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.

   Về lĩnh vực khoa học tự nhiên và môi trường có thể kể đến đề tài “Đánh giá sự biến động của dòng chảy và môi trường nếu loại bỏ một số cống đập trên vùng hạ du khi có các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trên dòng chính” do Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; “Đánh giá sức tải môi trường vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì thực hiện …

Thay lời kết

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 15/11/2011 về “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, có thể nói rằng, đến nay, ngành KH&CN của tỉnh nhà đang có những bước đột phá và tăng tốc cho những năm tiếp theo. Nghị quyết đã tạo cơ hội phát triển cho ngành KH&CN của tỉnh nhà, từ đó tiếp tục định hướng việc ứng dụng, hỗ trợ cho quá trình lựa chọn, tiếp thu, cải tiến các công nghệ tiên tiến, tiến tới sáng tạo công nghệ đặc thù, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…, từng bước hiện đại hóa các ngành kinh tế kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Và một vấn đề không kém phần qua trọng, đó là hoàn thiện hệ thống thiết chế KH&CN, cũng như xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN, mở rộng liên kế và tăng cường hợp tác về KH&CN, tập trung chỉ đạo các lĩnh vực ưu tiên… Có như vậy, hoạt động KH&CN của tỉnh Thừa Thiên Huế mới có thể tạo bước đột phá trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm KH&CN trong tương lai không xa.

  Bài và ảnh: Vỹ Khang

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: