PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân, Nhà khoa học đam mê nghiên cứu, sáng tạo

Nói về PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân, ai cũng biết đó là một nhà khoa học nữ với nhiều công trình nghiên cứu đi tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và trên cả nước.

Sinh năm 1960, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân là một trong số ít giảng viên của Đại học Huế được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thú y tại Viện Thú y Matxcơva năm 1986. Tám năm sau là thực tập sinh tại Đại học Obihiro, Nhật Bản. Từ năm 1996-2000, chị là nghiên cứu sinh của Đại học Gifu, một trong những trường đại học nổi tiếng đào tạo về Thú y, thuộc Đại Obihiro của Nhật Bản.

 

PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân

Ít người biết rằng, ban đầu chị từng là sinh viên Y khoa, là một trong những sinh viên ưu tú được chọn đi du học ở Cộng hòa liên bang Xô Viết, niềm ao ước của rất nhiều người lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với chị lúc đó lại là nỗi buồn, vì đang là sinh viên trường Y, bỗng dưng lại được cử đi học Thú y. “Nhưng rồi chính các thầy giáo Nga lại đem đến cho mình sự tự tin. Ngay trong buổi khai giảng, trước 300 sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau, các thầy giáo Nga đã khẳng định, đi theo ngành Thú y, các trò đừng nghĩ rằng chỉ để chữa bệnh cho các loại động vật gia súc, mà các trò đang đi theo một con đường rất cao quí khác, đó là tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, qua đó bảo vệ khỏe cho cộng đồng. Nỗi buồn của tôi đã nhanh chóng bị xóa mất, thay vào đó là niềm hân hoan đi theo con đường mới”. PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân nhớ lại.

Những năm tháng ở Nga cũng là thời gian Đinh Thị Bích Lân thấu hiểu rằng, thành tựu của khoa học chính là động lực để phát triển đất nước. Vì vậy chị nung nấu phải học thật tốt để trở thành một nhà khoa học giỏi, góp phần xây dựng đất nước khi trở về.

Năm 40 tuổi, tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại Đại học Gifu Nhật Bản, vừa làm giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y của trường Đại học Nông lâm Huế, TS. Đinh Thị Bích Lân bắt đầu hết mình cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Từ những năm đầu tiên của thập niên 2010, nhiều người đã rất quen thuộc với hình ảnh cặp vợ chồng giảng viên trẻ của trường Đại học Nông lâm Huế Đinh Thị Bích Lân và Phùng Thăng Long miệt mài và gần như dốc sức mình cho những nghiên cứu về các giống lợn lai nạc máu ngoại. Tranh thủ những nguồn vốn từ nhà nước cũng có, tự bỏ tiền túi cũng có, ròng rã gần 10 năm trời, cụm công trình nghiên cứu “Lai tạo và hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất các tổ hợp lợn lai ¾ máu ngoại mới có năng suất và tỉ lệ nạc cao” của thầy Long và cô Lân đã thu được những thành công đáng ghi nhận, góp phần phục vụ phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụm công trình này đã được trao giải B, Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011, sau đó đã được chuyển giao đến các hộ nông dân cũng như nhiều trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh lân cận, đem lại hiệu quả kinh tế tốt cho các hộ chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Năm 2007, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường & Công nghệ sinh học Đại học Huế, phụ trách mảng Công nghệ sinh học. Cũng trong năm này, chị được phong học hàm Phó Giáo sư. Viện này sau đó được tách làm đôi. PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân được phân công làm Phó giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ Đại học Huế. Từ năm 2014, chị được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế khi đơn vị này được tách ra hoạt động độc lập.

Tính từ năm 2008 đến nay, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài, công trình nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có những đề tài lớn cấp nhà nước, cấp Bộ trọng điểm. Có hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài. Chị cũng là tác giả của 2 giáo trình phục vụ đào tạo ngành Thú y tại các trường đại học nông lâm trên cả nước. Nhiều công trình nghiên cứu của chị được đánh giá cao bởi tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế – kỹ thuật – xã hội và khả năng ứng dụng, trong đó nhiều công trình đạt giải nhất của Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ và Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế như: Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma ở người và gia súc (giải nhất giải thưởng năm 2012); Lai tạo, sử dụng các tổ hợp Lợn lai ½ và ¼ giống Meishan (VCN-MS15) nâng cao sản xuất đàn thịt lợn ở Thừa Thiên Huế; và mới đây nhất, công trình “­Nghiên cứu tạo kháng nguyên bám dính tái tổ hợp để sản xuất KIT chẩn đoán và vắc xin phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn” của chị đã đạt giải nhất Giải thưởng năm 2016…

 

PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân nhận giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, 2016

Tại Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế, tiếp tục phát triển các đề tài đã được nghiệm thu, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân cùng các cộng sự ở đây cũng đã sản xuất thành công các sản phẩm khoa học khác như KIT chẩn đoán nhanh các bệnh lây nhiễm khác ở gia súc, gia cầm; hay sản phẩm kháng thể phòng trị bệnh cầu trùng ở gà, bệnh tiêu chảy do Ecoli ở lợn, bệnh Cryptosporidium parvum ở bò; văcxin tái tổ hợp phòng trị bệnh Ecoli ở lợn.

Dù ở cương vị nào, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình, vừa tham gia công tác đào tạo sau đại học ở trường đại học Nông lâm, vừa làm quản lý ở Viện và không ngừng theo đuổi những công trình nghiên cứu khoa học mới ở lĩnh vực Miễn dịch học và Vắcxin. 

Ở tuổi 56, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân đang ở độ tuổi chín muồi trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Một điều thú vị là không dừng lại ở lĩnh vực thú y, nhà khoa học còn rất hứng thú với các nghiên cứu về các loại cây trồng với mong muốn tạo ra được những sản phẩm sạch, có chất lượng cao phục vụ xã hội. Trong những khoảnh vườn nhỏ tại Viện Công nghệ sinh học, luôn có những diện tích cho việc nghiên cứu thử nghiệm này, và chị cũng đã có những thành công nhất định như sản xuất rau mầm, xà lách, các loại cà chua Nhật Bản, đậu bắp, thanh long ruột đỏ, hay mô hình trồng rau thích ứng với biến đổi khí hậu. Một vài sản phẩm đã được thị trường đón nhận.Bằng niềm đam mê và mong muốn được cống hiến. Đinh Thị Bích Lân đã khẳng định được bản lĩnh nhà khoa học của mình, mà không phải ai, dù có đầy đủ điều kiện thuận lợi cũng có thể làm được. Và chị vẫn còn nhiều trăn trở, vẫn nỗ lực hết mình cho con đường khoa học mà chị đã chọn./.

Doãn Quan

 

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: