PGS.TS Trần Thị Thu Hà: Nhà khoa học bạn của nhà nông

Là giảng viên tại khoa Nông học – Trường ĐH Nông Lâm Huế có bề dày trên 20 năm nghiên cứu và giảng dạy, với đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã chọn và nghiên cứu sâu lĩnh vực “Vi sinh vật ứng dụng” và đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cho nhiều loại cây trồng, được ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất và mạng lại hiệu quả cao.

Những nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thu Hà được xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, gắn liền với sản xuất và được người sản xuất luôn đón nhận. Kết quả nghiên cứu đó không những giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng mà còn góp phần giảm thiểu việc sử dụng phân, thuốc hóa học độc hại trong nông nghiệp, những loại thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người bằng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã nghiên cứu, chủ trì nhiều các công trình có thể kể đến đó là: Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ nhóm bệnh héo rũ hại lạc do nấm tại Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) trên cây hồ tiêu; Nghiên cứu sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học từ xạ khuẩn Streptomyces, nấm Trichoderma để phòng chống bệnh thán thư, héo xanh trên cây ớt (Capsium frutescens) tại khu vực Nam Trung Bộ.  PGS.TS Trần Thị Thu Hà còn là chủ nhiệm các đề tài do quỹ Nafosted tài trợ, như: Xác định, phân tích Aspergillus flavus và aflatoxin từ đất trồng lạc, lạc và phòng trừ bằng tác nhân sinh học tại Nghệ An (2013-2014); Nâng cao giá trị dinh dưỡng của các nguồn phế phụ phẩm công nghiệp thông qua sự lên men vi sinh vật để làm thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu kết hợp Trichoderma và Pseudomonas phòng trừ bệnh thối trắng (S. rolfssi) và thối đen cổ rễ (As. niger) hại lạc ở khu vực miền Trung…và thực hiện hiều đề tài cơ sở, cấp Bộ trọng điểm, cấp Nhà nước và cấp tỉnh khác đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Kết quả của các công trình nghiên cứu là các chế phẩm sinh học hữu ích, như: chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu; chế phẩm sinh học Bokashi – Trichoderma phòng trừ tuyến trùng trên cây hồ tiêu, Chế phẩm sinh học từ xạ khuẩn Steptomyces & nấm Trichoderma để  phòng chống bệnh thán thư, héo xanh trên cây ớt, cà chua  ở khu vực miền Trung; Sản phẩm sinh học men đa vi sinh thủy phân cá phế thải làm phân bón cho cây trồng (Công tác với TS. Nguyễn Hiền Trang và cộng sự) và Chế phẩm sinh học TP (Trichoderma – Pseudomonas) phòng trừ bệnh héo rũ hại lạc (Công tác với TS. Hoàng Thị Hồng Quế và cộng sự),…

Trong đó, chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng bệnh chết nhanh trên cây Hồ tiêu và Sản phẩm Bokashi – Trichoderma phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu là chế phẩm được áp dụng rộng rãi và đã được thương mại hóa.

Chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng bệnh chết nhanh trên cây Hồ tiêu là một trong những nghiên cứu ứng dụng đáng chú ý của PGS.TS Trần Thị Thu Hà và cộng sự, sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas Putida phòng trừ bệnh chết nhanh (phytophthtora capsici) trên cây hồ tiêu. Giải pháp này dùng vi khuẩn ức chế vi khuẩn, sử dụng Pseudomonas trong rễ cây tiêu – là vi khuẩn có khả năng ức chế nấm gây bệnh chết nhanh Phytophthora Capsici để phòng bệnh cho cây tiêu. Được xem là giải pháp đột phá cho kết quả rất cao (giảm tỷ lệ cây chết vì bệnh từ 15 đến 30%, tăng tỷ lệ cây sống khi dùng chế phẩm này xử lý hom tiêu giống lên đến trên 90%, cao hơn rất nhiều lần so với các phương pháp khác. việc ứng dụng kết quả nghiên cứu này tại khu vực miền Trung, Tây nguyên đã góp phần giúp người dân giải quyết được vấn đề then chốt, đó là phòng ngừa bệnh chết nhanh trên cây tiêu một cách hiệu quả, chi phí cực thấp và bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu ứng dụng khả quan đó đã mở đường cho việc thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường. Công ty CP phân bón Bình Điền – Mekong với trường ĐH Nông Lâm Huế đã ký kết hợp tác để đưa chế phẩm này vào sản xuất với quy mô lớn”.

Sản phẩm Bokashi – Trichoderma phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu, cùng với chế phẩm Pseudomonas Putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu do nấm thì chế phẩm Bokashi-Trichoderma chủ yếu phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu – bệnh chết chậm ở cây hồ tiêu. Nghiên cứu này dựa trên cơ sở khoa học về kỹ thuật ủ phân hữu cơ “Bokashi” của Nhật, sử dụng các chất thải hữu cơ nông nghiệp sẵn có ở địa phương, từ rác hữu cơ, rơm rạ, trấu, trấu hun, phân trâu, bò và lợn,.. nên có ý nghĩa về mặt môi trường. Góp phần giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ, tận dụng theo hướng có ích trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân có thể tự sản xuất phân tại chỗ bằng các nguồn vật liệu sẵn có tại địa phương như: phân gia súc, gia cầm, rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp, phân xanh… theo qui trình kỹ thuật ủ lên men của Nhật Bản và bổ sung chủng nấm Trichoderma asperellum SH16. Đây là chủng nấm có khả năng tiết enzyme ngoại bào (Chitinase và cellulase) để phân hủy vách tế bào chitin của tuyến trùng và trứng tuyến trùng làm giảm mật số tuyến trùng trong đất và rễ cây hồ tiêu. Sản phẩm này đã được chuyển giao kỹ thuật giúp người dân các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Vũng Tàu, Đắk Lắk…nhằm giúp người dân canh tác nông, lâm nghiệp bền vững.

PGS. TS.Trần Thị Thu Hà chia sẽ: Đối với một nhà khoa học như mình thì đó là niềm vui rất lớn bởi điều đó cho thấy những kết quả nghiên cứu đã đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con. Các kết quả nghiên đã được chuyển giao kỹ thuật đến người nông dân thông qua tập huấn, hội thảo đầu bờ, các phóng sự truyền hình, …và đã trở thành người bạn thân thiết và người tư vấn kỹ thuật cho bà con từ lúc nào không hay. Cũng từ đó, nhiều nông dân và các ban, ngành biết đến và gọi PGS. TS.Trần Thị Thu Hà với các tên trìu mến “Bạn của nhà nông”.

PGS. TS.Trần Thị Thu Hà trao đổi kỹ thuật với người dân tại hiện trường

Chính những giải pháp kỹ thuật và sản phẩm sinh học hữu ích từ khát vọng nghiên cứu, sáng chế ra các giải pháp sinh học bảo vệ cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất cùng với niềm đam mê nghiện cứu khoa học, PGS. TS.Trần Thị Thu Hà đã được Tổng Liên đoàn Lao động vinh danh “ Tự hào trí tuệ Việt Nam năm 2016”; Giải nhất – Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII; Giải Ba – Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Trí Huế

Người cập nhật: Hồ Thành

Các bài viết khác: