Phát huy nguồn lực trí tuệ, xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững (12/03/2008)

Với vị trí và đặc điểm riêng của mình, từ rất lâu Thừa Thiên Huế là nơi có điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng và hội tụ trí thức. Đặc biệt, quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Thừa Thiên Huế đã ra sức xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, trở thành nơi tiêu biểu cho tiềm năng trí tuệ của đất nước qua các thời kỳ.

 

Khi Phú Xuân trở thành thủ phủ của xứ Đàng Trong, sau đó là Kinh đô của đất nước thời nhà Nguyễn, cùng với trí thức tại chỗ, trí thức nhiều nơi tụ hội về làm việc, học tập ngày càng nhiều và nhiều người đã nổi danh. Trong cuốn Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã dành một phần năm trang sách để nói về danh nhân Phú Xuân, với những tên tuổi: Nguyễn Cư Trinh, Ngô Quý Lân, Trần Văn Kỷ, Đoàn Hữu Trưng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Lộ Trạch,…Đó là những người tài đức, có chí khí, đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng và bảo vệ bờ cõi, lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, văn hóa, kiến trúc, y học,…Những năm đầu thế kỷ XX, trí thức có mặt trong các phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến; trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào đất kinh thành. Trong giai đoạn cách mạng 1930-1945, trí thức Thừa Thiên Huế với tên tuổi của: Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều – Nguyễn Khoa Văn,Tố Hữu, Nguyễn Khánh Toàn,…đã làm nòng cốt trong việc lãnh đạo, phát triển, dẫn dắt phong trào cách mạng giành được chính quyền về tay nhân dân. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước (6/1/1946), nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của Thừa Thiên Huế trúng cử đại biểu Quốc hội như Đoàn Trọng Truyến, Hoàng Anh, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Kinh Chi, Trần Hữu Dục, Tôn Quang Phiệt, Tôn Thất Tùng,…Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lực lượng học sinh, trí thức đã có mặt từ đầu cuộc kháng chiến đến ngày đất nước thống nhất, sát cánh cùng tiểu thương, thợ thuyền,…phản đối chế độ độc tài, bắt bớ, đàn áp của Mỹ-Ngụy. Phong trào đòi hòa bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thu hút nhiều trí thức ở Thừa Thiên Huế tham gia như BS. Lê Khắc Quyến, GS. Tôn Thất Dương Kỵ, ông Võ Đình Cường, BS. Thân Trọng Phước, nhà báo Phạm Bá Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba,…Trong vùng bị tạm chiếm, nhiều trí thức đã tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, có mặt ở hầu hết các cuộc đấu tranh chính trị với nhiều hình thức. 

 

Từ năm 1975 đến nay, trong lòng đất nước Việt Nam thống nhất, đội ngũ trí thức được đào tạo trước ngày giải phóng từng tham gia phong trào cách mạng chống Mỹ cứu nước và những “trí thức công nông” trưởng thành trong đấu tranh, được thử thách, rèn luyện, bồi dưỡng tích lũy kiến thức, cùng với con em Thừa Thiên Huế được học tập ở miền Bắc, ở nước ngoài trở về quê hương, đã phát huy vai trò của mình trong việc khắc phục di hại chiến tranh, xây dựng các phong trào văn hóa, phát triển giáo dục -đào tạo. Trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ trí thức phát triển nhanh. Hơn 20 năm qua, các thế hệ trí thức của tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị và  nâng cao trí tuệ và sức lãnh đạo của Đảng; phát triển kinh tế, giáo dục; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại, xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu; đi đầu trong phong trào tiến quân vào khoa học – công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cùng giai cấp công nhân, nông dân, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển đi lên.

 

Từ rất lâu, Marx đã viết: Giới tự nhiên không tạo ra cả xe hơi lẫn xe lửa, cả đường sắt lẫn điện tín…, mọi cái đó đều là sản phẩm lao động của con người có tri thức, là sức mạnh đã được vật chất hóa của tri thức. Ngày nay, nhân loại đang từng ngày từng giờ chứng kiến sự biến đổi nhanh chóng, lớn lao trên tất cả các lĩnh vực mà xuất phát điểm là trí tuệ con người. Trí tuệ đã và đang trở thành nguồn tài nguyên quí giá nhất trong mọi tài nguyên, là động lực của tăng trưởng kinh tế, với sự ra đời của nền kinh tế tri thức.

 

Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức càng quan trọng hơn bao giờ hết. Tự hào với các bậc hiền tài đi trước, tự hào vì hiện nay Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức mạnh nhất ở miền Trung, trong đó có gần 400 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học. Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, với mục tiêu “phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế sớm ra khỏi tỉnh kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển mạnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh nhà ngang tầm về chất lượng, đồng bộ về số lượng, cơ cấu ngành nghề, vùng miền, độ tuổi. Phát huy tiềm lực về đào tạo nhân tài, thiết thực nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của quê hương trong thời kỳ mới.

 

Thiết thực phát huy tiềm lực trí tuệ, các cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp tùy theo đặc điểm của ngành, của địa phương, đơn vị xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo, bố trí, tuyển dụng cán bộ với tinh thần trọng dụng người tài đức. Trong yêu cầu mới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thật tỉnh cần chú trọng củng cố, kiện toàn các Hội thành viên, nâng cao chất lượng hoạt động theo đúng tinh thần của hội chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ;   tập trung tư duy đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo của đội ngũ trí thức trong tỉnh, nhất là những người có học hàm, học vị cao, những chuyên gia đầu ngành của Trung tâm Văn hóa, khoa học, Trung tâm Giáo dục, đào tạo, Trung tâm Y tế chuyên sâu trong việc nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện xã hội, giúp tỉnh xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; tham mưu cho tỉnh đề ra chính sách đào tạo, thu hút nhân tài cho vùng sâu, vùng xa, cho các lĩnh vực kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh; thu hút trí thức Việt kiều về đóng góp cho tỉnh nhà.

 

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế hãy tiếp tục phát huy cao độ sức sáng tạo, tham gia tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho tỉnh đề ra kế hoạch, xây dựng dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá tiến bộ khoa học – công nghệ tiên tiến, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Sáng tạo ra nhiều công trình nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Tích cực thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đi tiên phong trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, truyền bá tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần xây dựng đời sống tinh thần cao đẹp của nhân dân.  

 

Tin tưởng rằng, trong sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của đội ngũ trí thức, nguồn lực trí tuệ được phát huy, là cơ sở để phát huy các tiềm năng thế mạnh của Thừa Thiên Huế, là động lực thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế của tỉnh nhà trong thời kỳ mới.

                                                            Hồ Xuân Mãn – UVBCH Trung ương Đảng

                                                                      Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế

Nguồn:  

Các bài viết khác: