Phát huy vai trò chủ thể bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và môi trường ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế có 86 Chi Hội nghề cá (CHNC) cơ sở với trên 7.000 hội viên, trong đó có 50 CHNC hoạt động trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, có 49 chi hội nghề cá được trao quyền khai thác thủy sản với diện tích hơn 17.000 ha, chiếm gần 73% diện tích mặt nước đầm phá và 3 chi hội nghề cá biển được giao quyền quản lý mặt nước vùng biển gần bờ. Hoạt động sinh kế của hội viên gắn liền với hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng bờ ven biển.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha, được biết đến không chỉ là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, với hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động, thực vật mà còn là nơi sinh sống của hơn 300.000 người dân, chiếm 30% dân số tỉnh Thừa Thiên Huế. Đời sống đại bộ phận dân cư này gắn liền với việc khai thác trực tiếp nguồn tài nguyên trên đầm phá này. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác hệ đầm phá này thiếu bền vững. Điều này là nguyên nhân chính làm suy thoái các nguồn tài nguyên, đe dọa tính đa dạng sinh học, gây ô nhiểm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trên đầm phá. Đặc biệt, trong thời gian gần lại đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng càng kiệt, số lượng, chủng loại tôm cá các loài trên đầm phá giảm đáng kể, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân có sinh kế gắn liền với hoạt động đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản trên đầm phá. Có nhiều nguyên nhân được xác định dẫn đến tình trạng trên, trong đó, con người là nguyên nhân trực tiếp, do nhu cầu cuộc sống mà ngư dân tham gia đánh bắt, khai thác ngày càng gia tăng số lượng người hoạt động, số lượng ngư cụ đánh bắt ngày càng nhiều, chủ yếu là các loại ngư cụ hiện đại hoặc mang tính khái thác hủy diệt… đã làm giảm nguồn lợi thủy sản các loài. Bên cạnh, các ngư cụ khai thác hủy diệt vẫn được nhiều hô dân sử dụng, hoạt động nuôi trồng thủy sản ồ ạt, đặc biệt còn do ảnh hưởng của thủy lưu, tác động của biến đổi khí hậu, trực tiếp là ô nhiễm môi trường đã làm cho nhiều hệ sinh thái dưới nước cũng như các loài trên cạn quý hiếm đang có nguy cơ bị dần biến mất.

Vấn đề đặt ra, ai sẽ là chủ thể quản lý, sử dụng và khai thác đầm phá Tam Giang – Cầu Hai bền vững nhất. Chủ thể đó sẽ không ai khác là những người được thụ hưởng nguồn lợi trực tiếp từ đầm phá mang lại, thì chính họ là người có động lực cao nhất, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải bảo vệ nguồn tài nguyên trên đầm phá và chính là bảo vệ quyền lợi của chính mình: đó là ngư dân, là hội viên hội nghề cá được tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ từ Hội nghề các tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt đến mức báo động và ô nhiễm môi trường đầm phá và nguồn lực của địa phương hữu hạn, từ năm  2010 đến nay, Hội nghề cá đã phối hợp với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng, các dự án đang thực hiện trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và phát huy vai trò người dân trực tiếp tham gia quản lý, sử dụng và khai thác hệ đầm phá, đã xây dựng các khu bảo vệ thủy sản bảo vệ nghiêm ngặt; đồng thời tiến hành quy hoạch, giải tỏa, sắp xếp nò sáo trên toàn vùng đầm phá, trao quyền quản lý mặt nước cho các chi hội nghề cá nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Được sự thúc đẩy của các tổ chức thông qua hoạt động dự án, sự ủng hộ và hưởng ứng tham gia của người dân, sự tham gia phối hợp của các ban ngành liên quan, đến nay trên toàn vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã có 23 khu bảo vệ thủy sản hơn 614 ha, và gắn liền với việc trao quyền khai thác mặt nước với diện tích trên 17.000, chiếm 73% diện tích đầm phá cho 47 chi hội nghề cá.

Thông qua việc trao quyền KTTS được thực hiện trong hơn 10 năm qua, các chi hội nghề cá và ngư dân tham đã trực tiếp xây dựng, bảo vệ quản lý các khu bảo vệ thủy sản nghiêm ngặt và một số hoạt động bảo vệ môi trường khác thì nguồn lợi thủy sản, môi trường đầm phá được cải thiện, Mô hình này đã tạo ra lợi ích cho cộng đồng từ việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài nguyên đầm phá và phát huy hiệu quả. Thừa Thiên Huế là một trong những mô hình điển hình thực hiện tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và sinh kế của cộng đồng vùng đầm phá – Mô hình đồng quản lý nguồn tài nguyên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Theo Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh – ông Nguyễn Lương Hiến cho biết: từ năm 2009, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập thí điểm khu Bảo vệ thủy sản Cồn Chìm tại xã Vinh Giang thì đến nay, toàn tỉnh có 23 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích là 614,2 hecta chiếm 2,79% diện tích đầm phá và được phân bố trên 5 huyện (Phú Lộc 10, Phú Vang 7, Quảng Điền 4, thị xã Hương Trà 1 và Phong Điền 1). Trong đó, có 18 khu bảo vệ thủy sản đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện các trụ mốc ranh giới, pano 3 mặt, biển hiệu. Còn lại 5 khu mới được thành lập năm 2016 sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng. Đây là kết quả của sự nỗ lực phối hợp của chính quyền, ban ngành địa phương và cộng đồng ngư dân, nhưng trong đó có vai trò hết sức quan trọng của hội nghề cá và cần tiếp tục phát huy. Từ một số thông tin từ ngư dân và các nghiên cứu cho thấy hoạt động xây dựng các khu bảo vệ thủy sản đã góp phần gìn giữ các loài thủy sản trên hệ đầm phá có nguy cơ cạn kiệt, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các hệ sinh thái đã và đang dần biến mất.

Để vai trò của ngư dân, của Hội nghề cá tiếp tục được khẳng định và phát huy là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là tổ chức nòng cốt của những người làm nghề cá và chủ thể bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Theo ông Nguyễn Lương Hiền: để tiếp tục phát huy hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên trên đầm phá, đồng thời bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi này, cần có sự phối hợp chung tay của cả cộng đồng, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức hội viên, người dân và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường đầm phá chính là bảo vệ lợi ích của mỗi một thành viên cộng đồng; tăng cường sự phối hợp các ban, ngành địa phương với chi hội nghề cá, ngư dân trong việc quản lý và huy động các nguồn lực xã hội phục vụ quản lý đầm phá và nhà nước cần phân bổ nguồn kinh kinh phí từ ngân sách cho hoạt động quản lý này.

Phương thức “Đồng quản lý” đã góp phần phát huy tối đa vai trò của cộng đồng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và sinh kế của ngư dân vùng đầm phá, cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng kết quả này trên toàn vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai để đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành khu vực mang ý nghĩa cả về sinh thái, xã hội, kinh tế của địa phương và khu vực.

ThS. Hồ Thành

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: