Phát triển hội khoa học, kỹ thuật cấp huyện: Bài học từ huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị (04/12/2012)

Hội Khoa học, kỹ thuật huyện Triệu Phong (hội) là một trong 5 hội khoa học, kỹ thuật cấp huyện của tỉnh Quảng Trị được đánh giá là hội có nhiều hoạt động khởi sắc, được lãnh đạo huyện tin cậy, đánh giá cao, dù chỉ mới qua 3 năm thành lập (2009).

Tại một buổi làm việc do Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Quảng Trị và Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, ngày 27/11, tại Văn phòng huyện ủy Triệu Phong, anh Lê Cảnh Biên, Chủ tịch Hội cho chúng tôi biết: “Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, Hội đã tham gia ý kiến góp ý (thực chất là phản biện xã hội, đã được nói theo cách giảm nhẹ) 13 đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 13 xã trong huyện. Ý kiến của Hội đã góp phần quan trọng làm cho các đề án quy hoạch từ chỗ còn quá nhiều khiếm khuyết trở nên hoàn thiện, có tính khả thi cao, được lãnh đạo huyện và nhà tư vấn rất đồng tình”. Cũng theo anh Biên, lãnh đạo huyện đã tin cậy, giao việc cho Hội nhiều hơn. Ngoài phản biện xã hội các đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện còn giao cho Hội tham gia góp ý kiến bằng văn bản cho toàn bộ các dự thảo kế hoạch 5 năm, 10 năm, các chương trình, dự án của huyện.

Khi được hỏi làm thế nào có được điều này, anh Biên chia sẻ: “Hội đã làm tốt công tác phản biện xã hội với chất lượng cao”. Để thực hiện phản biện xã hội, Hội đã khơi dậy được ý thức trách nhiệm, sự nhiệt tình và khai thác được vốn kiến thức của trí thức trong huyện. “Cũng con người đó, khi tham gia hội nghị lấy ý kiến do huyện trực tiếp tổ chức, họ chỉ nói phải chăng để không mất lòng cấp trên, nên ý kiến không nhiều, không khách quan, còn khi Hội tổ chức lấy ý kiến thì anh em tham gia một cách tích cực, hết mình, giám nói thẳng, một cách khách quan, có chất lượng hơn hẳn. Chính vì vậy, báo cáo phản biện của Hội có chiều sâu, có tính khoa học, chất lượng cao”, theo lời anh Biên.

Còn khi được hỏi về yếu tố nào quyết định việc ra đời, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, anh Phan Công Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội cho hay: “Có hai yếu tố quyết định sự ra đời của Hội. Thứ nhất là, sự tác động mạnh mẽ của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Quảng Trị. Thứ hai là, lãnh đạo huyện đã nhận thức được vai trò của Hội nói riêng, trí thức khoa học, công nghệ nói chung. Chứ lúc đầu, trí thức khoa học, công nghệ mình chưa tự nhận thấy được vai trò, vị trí của mình đâu”.

Từ sự nhận thức được vai trò, vị trí của Hội, lại thấy sau khi thành lập, Hội có hoạt động thiết thực có hiệu quả, tập hợp được trí thức tham gia nhiều ý kiến tâm huyết có chất lượng cho đề án, dự án, chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nên huyện, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động. Ở Quảng Trị, phụ cấp trách nhiệm của Chủ tịch hội đặc thù cấp huyện là 1,8, Phó Chủ tịch là 1,6 mức lương cơ bản, dù người đó là cán bộ đương chức, đang đảm nhiệm một chức danh gì đi nữa. Ngoài việc giao nhiều việc cho Hội, huyện Triệu Phong còn cấp cho Hội 5 triệu đồng mỗi năm. Tuy số tiền không bao nhiêu, nhưng cũng đủ để Hội chi phí hành chính, tem thư. Cái được lớn hơn, đó là sự tin tưởng của lãnh đạo huyện đối với Hội.

Anh Thanh còn cho biết thêm, thành lập được Hội đã khó, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội còn khó hơn. Để Hội duy trì và đẩy mạnh các hoạt động, người cán bộ, nhất là người đứng đầu Hội, cần phải có năng lực, uy tín đối với trí thức và cán bộ lãnh đạo huyện, có khả năng tập hợp, đoàn kết trí thức bằng cả tấm lòng và tâm huyết của mình. Người cán bộ hội còn đòi hỏi phải có sức khỏe và thời gian dành cho Hội. Ở Hội Khoa học, kỹ thuật huyện Triệu Phong, toàn bộ 13 ủy viên ban Chấp hành đều là những người hội đủ các điều kiện trên. Chẳng những thế, họ còn là những người có chức, có quyền trong bộ máy lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cấp huyện. Anh Biên, Chủ tịch Hội, hiện đang là Trưởng ban Ban Dân vận huyện ủy. Anh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực, đang là phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Triệu Phong. Mặc dù mọi người đều làm việc cho Hội theo chế độ kiêm nhiệm, nhưng bù lại họ đã tranh thủ được điều kiện nhân lực, thiết bị và cơ sở vật chất của cơ quan, nơi mình đang công tác cho hoạt động Hội một cách hợp lý, được lãnh đạo huyện đồng tình. Một lợi thế khác của Hội là Hội được công nhận tà một tổ chức có tính chất chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của huyện ủy, được huyện ủy quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi.

Anh Thanh còn bật mí: định mức phụ cấp dành cho Chủ tịch và hai phó Chủ tịch đã được anh em “nhường cơm, sẻ áo” cho các anh trong Ban Chấp hành. Ngoài ra, làm gì thì làm, Hội cũng dành giụm được một khoản tiền để cuối năm chi cho mỗi ủy viên Ban Chấp hành một triệu đồng để động viên tinh thần.

 

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Quế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: