Phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Trong những năm qua, nghề nuôi tôm trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước thăng trầm, nhiều hộ nuôi đã trở nên khá giả và giàu có, nhưng cũng có không ít hộ nuôi gặp phải khó khăn, thua lỗ do dịch bệnh. Để giúp người nuôi nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhằm hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh tôm xảy ra, sau đây Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế phổ biến một số nội dung trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi như sau:

1. Đối với các cơ sở nuôi chưa có dịch bệnh xảy ra

– Thực hiện đầy đủ các bước từ vệ sinh, tẩy dọn ao, bón vôi, phơi ao, cấp và xử lý nước,… đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi.

– Chọn mua tôm giống thả nuôi tại các cơ sở sản xuất và cung ứng giống có uy tín, tôm giống phải được kiểm dịch và xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR không nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Đốm trắng, Đầu vàng, Taura; không mua tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc để đưa vào thả nuôi.

– Trong quá trình nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu không bình thường của tôm. Kiểm tra chặt chẽ thức ăn, thuốc thú y về chủng loại và hạn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm cấm, sản phẩm quá hạn; bảo quản thức ăn, thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát.

2. Đối với các cơ sở nuôi bị bệnh

* Đối với hình thức nuôi chuyên tôm:

– Khi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh phải báo cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thú y cơ sở), chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả; tiến hành đóng cống, không xả nước ao ra ngoài môi trường, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh (Mẫu tôm được xét nghiệm miễn phí và trả lời kết quả (qua điện thoại) không quá 24h kể từ khi nhận mẫu và gửi phiếu trả lời kết quả xét nghiệm sau đó). Đồng thời thông báo cho Chi hội nghề cá, tổ nuôi trồng thủy sản (nếu có), các chủ hộ nuôi tôm xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch.

– Trường hợp tôm nuôi nhiễm các bệnh thông thường tùy vào tình hình thực tế từng ao nuôi để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả (cần báo cán bộ Thú y kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý).   

– Tôm nuôi bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Đốm trắng, Đầu vàng, Taura, Hội chứng gan tụy,… hay tôm có hiện tượng chết nhanh, nhiều thì chủ cơ sở nuôi phải thực hiện:

+ Không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài;

+ Không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường;

+ Không sử dụng thủy sản mắc bệnh làm giống, làm thức ăn tươi sống cho thủy sản khác;

+ Rải vôi hoặc Chlorine quanh bờ ao, mái bên trong của ao;

+ Đánh dấu ao tôm bị bệnh bằng cách khoanh vùng bằng lưới, cắm cờ ở góc ao,…;

+ Xử lý:

Trường hợp tôm đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch nhưng không được để tôm và nước rơi vãi ra vùng nuôi, sau đó xử lý nước ao bằng Chlorine với nồng độ 30g/m3 (30ppm). Sau 7-10 ngày mới được tháo nước ra. Phơi ao và cải tạo kỹ trước khi thả nuôi trở lại. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ bằng Chlorine với nồng độ 200g/m3.

Trường hợp tôm còn nhỏ xử lý tiêu hủy bằng Chlorine với nồng độ 30g/m3. Sau khi xử lý vớt xác tôm để chôn, đốt, không để xác tôm rơi vãi ra vùng nuôi. Sau 7-10 ngày mới được tháo nước ra. Phơi ao và cải tạo kỹ trước khi thả nuôi trở lại. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ bằng Chlorine với nồng độ 200g/m3.

* Riêng đối với những ao nuôi xen ghép tôm, cua, cá: xử lý như nuôi chuyên tôm nhưng nồng độ Chlorine thấp hơn, dùng từ 5-10g/m3. Chỉ cấp thêm nước khi cần thiết, hạn chế xả nước ra môi trường bên ngoài.

3. Đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở trong vùng có dịch

– Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi thủy sản.

– Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

– Không thả mới hoặc thả bổ sung thủy sản trong thời gian công bố dịch.

– Không thay nước trong thời gian có dịch, chỉ cấp thêm nước khi thấy cần thiết.

– Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm thủy sản mắc bệnh và áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời.

– Hạn chế người ra vào khu vực nuôi khi không có nhiệm vụ.

 

Nguyễn Hữu Thông

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: