13/11/2017

Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Sính: Truyền nhân nghề đúc đồng truyền thống Huế

Với những thành tích về sáng tạo, sáng chế và cải tiến kỹ thuật đúc đồng truyền thống Huế, nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm đúc đồng phục vụ xã hội, Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Sính – truyền nhân nghề đúc đồng truyền thống Huế vừa được công nhân là nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ I, năm 2017 và được tôn vinh tại buổi gặp mặt 18 nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu vừa qua.

Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Sính là truyền nhân của nghề đúc đồng truyền thống xứ Huế được biết đến bởi đôi tay tài hoa, điêu luyện và trí óc sáng tạo hơn người.  Ông được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghề đúc đồng nhiều thế hệ. Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Sính là người tiếp tục phát triển nghề và nâng tầm nghề đúc đồng của Huế lên tầm cao mới, không những tạo tiếng vang trong nước mà danh tiếng còn được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Những thành tích sáng tạo, sáng chế của “Truyền nhân nghề đúc đồng truyền thống Huế” được biết đến, đó là người có một tâm nhiệt huyết vô cùng với nghề cùng với một kho báu kỹ thuật, kinh nghiệm và những bí quyết về nghề đúc đồng truyền thống sống. Ông người tiên phong, có nhiều cải tiến nghề đúc đồng tuyền thống Huế. Trong quá trình 60 năm nghề, ông đã cải tiến lò nấu đồng từ công suất 50 kg lên 3500kg và cải tiến lò nấu nhôm bằng lò nằm tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu; cải tiến khuôn đúc truyền thống và hiện đại để rút ngắn thời gian, nhân công lao động, tăng năng suất và giảm giá thành. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính đã dày công tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật điều chỉnh âm thanh của chuông đồng các loại theo yêu cầu và phù hợp với thị hiếu của khách hàng các vùng miền. Bằng đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh, óc thẩm mỹ và niềm đam mê sáng tạo, ông đã tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị cao, nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như: tượng Bác Tôn ở An Giang, tượng bán thân Bác Hồ ở Nam Đàn, Nghệ An, chuông Cõi Niết Bàn ở Vũng Tàu… Nhưng nổi tiếng nhất là quả chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, đúc cho chùa Bái Đính (Ninh Bình) với trọng lượng 36 tấn đồng.

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh cùng tập thể đồng nghiệp đúc thành công quả chuông lớn nhất Đông Nam Á

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính chia sẻ: Có nhiều lý do mà tôi đã theo nghề từ năm 17 tuổi. Thời điểm đó, nghề đúc đồng truyền thống Huế vẫn có nhiều nhược điểm, muốn giữ gìn và phát triển nghề, tui đã không ngừng ra Bắc vào Nam đến các cơ sở đúc đồng nổi tiếng học hỏi thêm để làm sao cải tiến phương pháp đúc đồ đồng.

Phát huy giá trị và nâng tầm nghề đúc đồng truyền thống, từ những sáng kiến, cải tiến của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính thành công đã được ông chia sẻ giúp cải tiến, nâng năng suất, chất lượng và hiệu quả nghề đúc đồng tại địa phương. Từ đó, góp phần dịch chuyển từ chủ yếu đúc đồng thủ công các sản phẩm thờ cúng, gia dụng sang đồ đồng mỹ nghệ để phục vụ cho du lịch; đa dạng mẫu mã, sản phẩm đúc đồng phục vụ nhu cầu xã hội. Ông tâm sự thêm: không chỉ chuyên sản xuất, cung cấp dòng sản phẩm thờ cúng trong đời sống hằng ngày mà dòng sản phẩm chuông dùng trong chùa, đại lễ: Chuông, Khánh, Bia ghi công,..; dòng sản phẩm trang trí, nghệ thuật  như tượng đài danh nhân, tượng nghệ thuật,…được ra đời, có như vậy nghề đúc đồng không chỉ là nghề truyền thống nữa mà còn là nghề để người thợ có thể thoát nghèo và tiếng đến làm giàu thì mới giữ gìn và bảo tồn nghề của cha ông được.

Chính những giá trị đã đem lại cho xã hội và gia đình, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính đã được trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng tinh thần, đó là: Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (2016), Nghệ nhân Ưu tú (2010), Nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên Huế (2007); Nghệ nhân Dân gian (2003); Danh hiệu Bàn tay vàng do Bộ Công nghiệp nhẹ (1988), và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trí Huế

[ In trang ]    [ Đóng lại ]