15/11/2014

Nuôi Chồn hương hướng đi mới cho người chăn nuôi

Với đặc thù miền núi, trong nhiều năm trở lại đây huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào thí điểm thành công nhiều mô hình nuôi động vật hoang dã như: nuôi nhím, heo rừng… Mô hình nuôi chồn hương đang hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao, cần nhân rộng để nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

Mô hình nuôi chồn hương đang hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao

Với mục tiêu chung là nâng cao đời sống cho người nông dân, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế…Năm 2012 huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành nuôi thử nghiệm Chồn hương sinh sản theo mô hình hộ gia đình. Sau 2 năm nuôi và theo dõi, cả 4 cặp Chồn hương của 2 gia đình đều tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh và đã sinh sản thành công 2 lứa với 20 con. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì số lượng sinh sản và trọng lượng của Chồn giống và con đều đạt yêu cầu đề ra. Ông Bùi Quang Tý, ở thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế chia sẽ: “Mô hình nuôi chồn hương sinh sản ở gia đình chúng tôi đến nay được 24 tháng, bước đầu có 4 con, 2 đực, 2 cái. Đến nay, sinh sản được 8 con 4 đực, 4 cái, hiện nay con con đang theo mẹ 3 đàn, mỗi đàn 3 con. Dự kiến mở rộng mô hình này để bảo đảm đủ con giống cung cấp trên địa bàn huyện”.

Chồn hương là loại động vật có vú, sống hoang dã, ăn tạp, tìm thức ăn vào ban đêm, nhưng dễ nuôi, ít bị bệnh, ít tốn công chăm sóc. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi tối và sáng dậy dùng nước để rửa chuồng trại. Bình thường thì chúng ăn thịt và quả tươi. Có thể cho ăn cháo trắng, chuối trái, lâu lâu cho ăn dặm cá và thịt tươi để chồn sung sức sinh sản. Ngoài việc cho ăn đầy đủ, tránh thức ăn ôi thiu, thỉnh thoảng phải cho phơi chuồng dưới nắng để tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo chuồng luôn khô ráo, thoáng mát. Chồn là động vật hoang dã nên rất ít bị bệnh, tương đối dễ nuôi. Tuy nhiên cũng do nguồn gốc hoang dã nên chúng rất nhạy cảm với việc thay đổi môi trường sống, và các bệnh phổ biến nhất là về tiêu hóa. Ông Trần Ngọc Thân, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế cho biết: “Mô hình chồn hương mới mẻ, bước đầu đưa vào nuôi cũng có nhiều khó khăn. Thứ nhất là về kỹ thuật, mình chưa nắm chắc lắm. Thời gian tới, gia đình cố gắng tập trung nâng cao kỹ thuật, hai nữa là đầu tư về thức ăn, kỹ thuật để tiếp tục thực hiện mô hình”.

Qua thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, mô hình nuôi Chồn hương đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao và mang tính ổn định. Tính theo giá thị trường hiện nay, 1 kg Chồn hương giống hoặc thương phẩm có giá khoảng 1 triệu đồng. Việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế là rất cần thiết, góp phần rất lớn trong việc bảo vệ, phát triển loại động vật hoang dã này. Đây sẽ là hướng đi mới, giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Văn Phúc – Tiến Dũng 

[ In trang ]    [ Đóng lại ]