18/08/2009

Ba bản Tuyên ngôn Độc lập ở ba thời điểm lịch sử

Được vua Lý Nhân Tông giao quyền nhiếp chính, gửi gắm công việc xã tắc và trước âm mưu xâm lược ngày càng lộ rõ của nhà Tống, năm 1075, Lý Thường Kiệt đề xuất chủ trương, chiến lược sáng suốt Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc và tổ chức cuộc hành quân lớn vào căn cứ hậu cần mà nhà Tống đã chuẩn bị sẵn cho cuộc xâm lăng Đại Việt.

Để đón trước những cuộc tiến công của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã tổ chức phòng tuyến sông Cầu với thế trận liên hoàn bao gồm nhiều đồn lũy kiên cố. Năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy đã bị chặn lại trước phòng tuyến này. Cũng chính tại đây, tương truyền Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ bốn câu bằng chữ Hán do ông sáng tác để cổ vũ tướng sĩ:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lổ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.

Tạm dịch:

Sông núi nước Nam, vua Nam

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Nghe thơ, tướng sĩ ta đều phấn chấn. Bên kia sông Cầu, quân nhà Tống hoang mang, dao động,¦rồi giặc Tống bị đại bại ở vùng biển Quảng Ninh.

Bài thơ khẳng định sự tồn tại khách quan của nước Nam với tư cách một nước độc lập, có chủ quyền, có lãnh thổ riêng biệt, đồng thời đanh thép cảnh cáo quân giặc sẽ bị bại vong, nếu cố tình xâm phạm nước Nam.

Ý thơ được phát triển theo một lập luận chặt chẽ, đơn giản, minh bạch như một chân lý và được diễn đạt bằng ngôn từ nghiêm trang, đĩnh đạc như lời tuyên ngôn.

Bài thơ có sức ngân vang muôn đời vì nó đã dùng văn chương phát biểu một vấn đề cơ bản nhất, thời sự nhất của vận mệnh đất nước thời đại bấy giờ.

Gần 10 thế kỷ đã trôi qua, bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta.

Vào cuối năm Đinh Mùi, tức khoảng đầu năm 1428, khi quân Minh buộc phải rút khỏi đất nước ta, Nguyễn Trãi viết Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai. Đó là bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo¦

Viết về tội ác tày trời của giặc Ngô (tức giặc Minh), Nguyễn Trãi bày tỏ lòng xót thương vô hạn những người dân vô tội:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế

Gây binh kết oán, trải hai mươi năm

Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi

Người bị ép xuống biển, còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng

Kẻ bị đem vào núi, đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.

Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng,

Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt

Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ

Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.

Ba cuộc kháng chiến quân Nguyên (1254 – 1285 – 1287) và cuộc kháng chiến chống quân Minh (1406) đã làm cho vua quan, những bậc anh tài nước ta phát hiện ra quy luật về sức mạnh của nhân dân. Dựa vào dân, phát huy sức lực và trí tuệ của dân thì sẽ chiến thắng được kẻ thù. Trong bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nhận thức hai mặt đối lập của mâu thuẫn, đại nghĩa và hung tàn, sức mạnh của trí tuệ con người, của trí nhân.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt lúc nào cũng có

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy trí nhân để thay cường bạo.

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập nói trên do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, đánh dấu thời kỳ hoàn thành cách mạng dân tộc, độc lập và dân chủ tự do của nhân dân. Tự do cho con người, bác ái và bình đẳng, đó là từ ngữ đẹp chứa đựng một nội dung nhân văn lớn mà loài người hằng mơ ước. Đó cũng chính là nội dung lớn của triết học nhân văn thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo đã nhận thức một cách khoa học cuộc cách mạng của dân tộc mình. Người đã nhận rõ phạm trù cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Do đó, chúng ta có thể hiểu, Người đánh giá cao cuộc cách mạng tư sản Mỹ. Tuyên ngôn mở ra một thời đại mới của lịch sử Việt Nam. Lịch sử nước ta đẹp đẽ và đầy truyền thống nhân văn. Chúng ta đã từng sẵn sàng chu cấp cho kẻ thù rút khỏi nước ta đi bộ thì ta cho ngựa, đi thủy thì ta cấp thuyền.

Chúng ta tuân theo thứ triết học nhân văn của phương Đông, đồng thời có tính nhân loại. Đó là thế ứng xử chung Cái ta không muốn, ắt người chẳng ưa (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Triết lý của đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương nguyên tắc đạo đức ấy.

Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945 như lời tuyên án chế độ thực dân trong ngày phán xử cuối cùng. Mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, đó là cái muốn của nhân dân Mỹ đấu tranh cho lẽ sống của mình. Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là nguyện vọng của quần chúng bình dân trong cuộc cách mạng Pháp đấu tranh vì lẽ sống của mình.

64 năm trôi qua, Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945 của Việt nam với tư tưởng nhân văn Á – Âu – Mỹ, dòng hợp lưu trí tuệ của nhân loại với Việt Nam, trở thành sức mạnh trí tuệ đầy sức thuyết phục, thành vũ khí đấu tranh, buộc ngay cả kẻ thù chỉ cần một chút lương tri cũng phải thừa nhận.                                         

Chính Luận  

(1) (2) Bản dịch của Bùi Văn Nguyên – Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X – XVII – NXB Văn hóa – 1962.

 

[ In trang ]    [ Đóng lại ]