18/09/2012

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bờ biển và giải pháp ứng phó

Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển và hệ thống các đảo với đặc trưng địa hình, khí hậu, sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú. Phần lớn dân cư Việt Nam tập trung tại các vùng đất thấp trên các châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các đô thị ven biển. Ðó là những khu vực đã và đang phát triển nhanh chóng với các khu kinh tế trọng điểm và các trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch, dịch vụ trên dải đất giàu di sản thiên nhiên, văn hóa và lịch sử. Ðây cũng là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, khu vực ven biển tập trung ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng đặc thù, các công trình xây dựng cùng với các hoạt động kinh tế sôi động. Do nằm tại miền giáp ranh giữa biển, lục địa và khí quyển, đới ven biển luôn tiềm ẩn nguy cơ tổn thương cao do tác động của quá trình biến động khí hậu và biến đổi khí hậu dài hạn. Trong tương lai, quá trình phát triển bền vững đới bờ cần được xem xét khả năng chống chịu đối với hàng loạt những thách thức và các hiện tượng cực đoan của khí hậu. Cần phải xác định các khu vực dễ bị tổn thương, đánh giá phạm vi, khả năng thích ứng và các phương án thích ứng đối với các hiện tượng cực đoan, bao gồm bão, mực nước dâng trong bão, ngập lụt…

Hướng tới các phương án và kế hoạch phát triển bền vững, nhất là đối với các đô thị và khu công nghiệp ven biển, theo chúng tôi một số vấn đề cơ bản sau đây cần được các cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết. Trước hết, cần hoàn thiện phân tích không gian và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án cơ sở hạ tầng cơ bản; thứ hai, cần đánh giá khả năng tổn thương đới bờ và đô thị đối với biến đổi khí hậu, đặc biệt liên quan các hiện tượng cực đoan; thứ ba, cần xác định các cấu trúc và vật liệu trong xây dựng công trình và cơ sở hạ tầng có thể chống chịu lũ lụt, nước dâng bão và gió bão.

Các bãi biển và cơ sở hạ tầng ven biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cư dân cũng như khách du lịch trên cả phương diện cảnh quan lẫn kinh tế. Phần lớn đới bờ còn mang ý nghĩa sống còn do có các cơ sở hạ tầng chủ yếu như đê, kè, đường giao thông, bến cảng, hệ thống cống, cáp điện, viễn thông… Ngoài ra, nhiều khu vực ven biển còn có ý nghĩa hết sức quan trọng về di sản và lịch sử.

Hiểu và đánh giá trước được những biến đổi của đới bờ do các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý cũng như quy hoạch dài hạn đới bờ, đồng thời phục vụ việc đánh giá tính tối ưu của các giải pháp ứng phó với các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn tại các khu vực khác nhau của bờ biển.

Những yếu tố cơ bản liên quan biến đổi bờ có thể bao gồm: mực nước biển dâng, mực nước dâng do bão, sóng và các hoạt động của con người. Hoạt động của con người gây tác động mạnh mẽ đến các hiện tượng xói lở bờ biển và ngập lụt. Các công trình bảo vệ bờ biển có thể ngăn chặn xói lở tại một khu vực nhưng có thể dẫn đến xói lở ở khu vực khác do làm thay đổi chế độ sóng, dòng chảy và vận chuyển bùn cát. Việc khai khẩn các vùng đất ven biển và cửa sông có thể làm suy giảm khả năng chống chịu tự nhiên của môi trường trước tác động của mực nước biển dâng.

Những tác động chủ yếu của mực nước biển dâng có thể bao gồm các dạng sau. Trước hết là sự thay đổi của các đặc trưng thủy lực và chế độ triều tại cửa sông; biến đổi mực nước biên lũ từ phía biển. Hiện tượng lùi và xói bãi, suy giảm tiện nghi bãi theo thời gian ở những khu vực có công trình bảo vệ. Gia tăng khả năng ngập lụt, thiệt hại do bão, tăng cao mực nước tràn và tổn thất đối với cơ sở hạ tầng ven biển, hiện tượng hạ thấp mặt bãi có tác động xấu đến công năng của các công trình. Hiện tượng di chuyển vào phía đất liền của đường mép nước triều có thể dẫn đến sự gia tăng độ mặn trong nước mặt và nước ngầm. Cuối cùng, sự nâng cao của mặt nước sẽ làm suy giảm khả năng thoát nước tự nhiên, yêu cầu thay đổi chế độ quản lý nước tại các cửa hồ và đầm phá liên kết với biển.

Hệ quả về khía cạnh kinh tế quan trọng nhất do mực nước biển dâng có thể liên quan sự gia tăng ngập lụt và các thiệt hại do bão. Bên cạnh tác động trực tiếp do mực nước lũ tăng tương đương giá trị mực nước biển dâng, quá trình ngập hệ thống công trình nổi và ngầm sâu hơn và thường xuyên hơn dẫn đến yêu cầu nâng cao công suất hệ thống bơm thoát nước tại những khu vực nguy hiểm.

Biến đổi mực nước cũng như điều kiện sóng có thể dẫn đến biến đổi bãi biển theo các quá trình xói lở khác nhau: lùi vào phía bờ, xói đáy và tăng độ dốc. Cả hai hiện tượng xói và tăng độ dốc bãi biển sẽ gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu cùng với mực nước biển dâng, biến đổi của sóng và mực nước cực trị. Các nhà khoa học cho rằng bãi biển sẽ sâu hơn với mức trung bình 1 mm/năm trong trường hợp mực nước biển dâng 1 mm/năm.

Quá trình lùi và suy giảm tiện nghi bãi biển, sự gia tăng khả năng ngập lụt từ biển đều dẫn đến sự suy giảm công năng của các công trình bảo vệ bờ. Tuy biến đổi khí hậu là quá trình quy mô lớn toàn cầu, song các tác động đến đới bờ biển lại mang tính khu vực, tại những nơi có công trình bảo vệ đều quan trắc thấy hiện tượng gia tăng của độ dốc bãi. Cùng với sự gia tăng độ sâu nước trong đới gần bờ sẽ dẫn đến sự gia tăng của năng lượng sóng vào bờ và đến tác động mạnh hơn lên bãi biển và các công trình bảo vệ.

Vấn đề mấu chốt đối với chiến lược phát triển bền vững cần dựa trên cơ sở quản lý rủi ro ngập lụt và các giải pháp liên quan xói lở đới bờ. Trên cơ sở đánh giá các rủi ro liên quan những quá trình trong đới bờ, đưa ra được lộ trình dài hạn giảm thiểu các rủi ro đối với con người và môi trường theo hướng bền vững. Việc đưa các dự báo mực nước biển dâng vào tính toán thiết kế cần được chú ý thông qua các biến đổi do tác động đến công trình bờ.

Trên cơ sở các kết quả đánh giá mực nước biển dâng đến năm 2100 theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật năm 2012 và hiện trạng biến động bờ biển Việt Nam, cần triển khai các hướng nghiên cứu ưu tiên, tiến tới thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá các ảnh hưởng của mực nước biển dâng lên dải ven biển, trước hết là các bãi biển và cơ sở hạ tầng liên quan tại các tỉnh ven biển có nguy cơ cao. Những tác động chính của mực nước biển dâng sẽ được chú trọng nghiên cứu bao gồm: gia tăng nguy cơ ngập lụt và suy giảm khả năng chống chịu của các cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ biển và cửa sông, sự suy giảm diện tích và tiện ích của các bãi tắm, hiện tượng xâm nhập mặn và suy thoái các hệ sinh thái.

 

ÐINH VĂN ƯU – Trường ÐH KH Tự nhiên, Ðại học Quốc gia Hà Nội

(Báo Nhân Dân số ra ngày 18/9/2012)

 

[ In trang ]    [ Đóng lại ]