28/09/2012

Phụ cấp công vụ: thiếu thống nhất, thừa tâm tư

Hiện nay, Nhà nước có chế độ phụ cấp công vụ 25% thu nhập theo hệ số lương cho cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Đảng, Tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng vũ trang (Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012). Đảng còn có chế độ thu hút riêng cho cán bộ, công chức của Đảng và các Đoàn thể với mức 30% (Thông báo số 13-TB/TW ngày 28/3/2011 của Bộ Chính trị). Tổng phụ cấp của các cơ quan đảng, đoàn thể là 55%. Còn các đơn vị sự nghiệp (thuộc ngành giáo dục, Y tế và một số ngành khác) từ trước đến nay vẫn có chế độ phụ cấp theo chuyên ngành, từ 1-3 loại phụ cấp với mức 25-70% thu nhập theo hệ số lương.

Trong bối cảnh tiền lương còn thấp, giá cả lạm phát, việc đảng và nhà nước có chế độ phụ cấp như trên đã có tác dụng động viên cán bộ, công chức, viên chức yên tâm, phấn khởi. Tuy nhiên, riêng cán bộ, chuyên viên, nhân viên  Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật lại rất tâm tư. Việc vận dụng thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ, chuyên viên, nhân viên Liên hiệp hội Trung ương và các địa phương rất khác nhau. Trên thực tế, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã được Bộ Tài chính cấp kinh phí cho việc chi trả phụ cấp công vụ 25% đối với lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên công tác tại Cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam kể từ tháng 5 năm 2012. Chỉ trên dưới 10 tỉnh (Thái Bình, Yên Bái, Quảng Ngãi và một số tỉnh phía Nam), cán bộ, chuyên viên công tác tại Liên hiệp hội đã được hưởng chế độ phụ cấp công vụ 25%. Một số tỉnh giải quyết chế độ phụ cấp riêng cho cán bộ lãnh đạo trong biên chế Liên hiệp hội và các hội đặc thù. Có một số tỉnh lại chỉ giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho số cán bộ được điều động, luân chuyển từ cơ quan Đảng, Nhà nước đến Liên hiệp hội và Hội đặc thù, không giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho số cán bộ trưởng thành tại chỗ. Còn lại phần lớn các tỉnh chưa giải quyết chế độ phụ cấp cho bất cứ đối tượng nào làm việc tại Liên hiệp hội, mà đang cân nhắc vận dụng tuỳ từng tỉnh.

Sỡ dĩ có tình trạng trên là do cách hiểu khác nhau về Nghị định 34 của Chính phủ. Nghị định 34 có một số điểm rích rắc bắc cầu sang Nghị định khác.  Theo Nghị định 34, đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp công vụ bao gồm đối tượng tại điều 12 của Nghị định 06/2010: Đó là công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Nhưng lại không bao gồm đối tượng tại điều 11 của nghị định 06/2010: Công chức là lãnh đạo (trưởng phó) của đơn vị sự nghiệp công. Hiểu rộng ra, đương nhiên không bao gồm viên chức (chuyên viên, nhân viên) các đơn vị sự nghiệp công.

Những địa phương chỉ giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho riêng lãnh đạo Liên hiệp hội được điều động, luân chuyển từ cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể sang là do đã đồng nhất Liên hiệp hội vào nhóm các tổ chức chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ( Điều 12 của NĐ 06). Còn những địa phương không giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho bất cứ cán bộ, chuyên viên, nhân viên nào của Liên hiệp hội là do đã coi Liên hiệp hội là đơn vị sự nghiệp công lập( Điều 11 của NĐ 06).

Những tỉnh giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho tất cả  cán bộ, chuyên viên, nhân viên công tác tại Liên hiệp hội là do đã hiểu Liên hiệp hội là tổ chức chính trị xã hội, không thuộc nhóm các tổ chức chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cũng không thuộc tổ chức sự nghiệp công lập. Cách hiểu và vận dung của các tỉnh này dựa vào các căn cứ sau đây:

– Liên hiệp hội là tổ chức chính trị – xã hội( của giới trí thức Khoa học và Công nghệ). Tuy Nhà nước chưa kịp thể chế hoá, nhưng điều đó đã được xác định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước: Chỉ thị 42/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, Thông báo số 1445-CV/VPTW ngày 08/9/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng, thông báo ý kiến Ban Bí thư về Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật; Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 12/5/2011 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Công văn  số 243/BNV-TCPCP ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn điều lệ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, quyết định của UBND tỉnh, thành phố  phê chuẩn Điều lệ của Liên hiệp hội cấp tỉnh, thành phố. Quyết định của UBND nhiều tỉnh  quy định các  hội đặc thù ở địa phương, cũng đã  ghi: Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh là tổ chức chính trị – xã hội.

– Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật đúng là hiện đang hưởng biên chế sự nghiệp, nhưng về tính chất tổ chức thì liên hiệp hội không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Theo điều 11 của Nghi định 06,  Đơn vị sự nghiệp công lập là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật….Được hiểu, đó là các Trung tâm, Viện, Bệnh viện, cơ  sở đào tạo,v.v…có tư cách pháp nhân- có con dấu, tài khoản….Chức năng, nhiệm vụ chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được ghi trong quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền là thuộc dịch vụ công. Còn Liên hiệp hội là do UBND tỉnh cho phép thành lập chứ UBND tỉnh không trực tiếp quyết định thành lập; Liên hiệp hội hoạt động theo Điều lệ chứ không theo quyết định của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ như các đơn vị sự nghiệp khác. Chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp hội cũng không phải là dịch vụ công, mà thực hiện nhiều nhiệm vụ do đảng và nhà nước giao (tập hợp, vận động phát triển các hội thành viên, thực hiện công tác trí vận, tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Hội thi thanh thiếu niên nhi đồng, giải thưởng khoa học, Tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tham mưu tư vấn, đề xuất kiến nghị với đảng và nhà nước những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, trí thức….Lương bộ máy của Liên hiệp hội là do ngân sách cấp. Các nguồn kinh phí khác phục vụ cho các hoạt động chuyên môn nói trên chủ yếu là để chi cho các Hội đồng, Ban tổ chức, các chuyên gia, cộng tác viên và chế độ công tác phí, xăng xe…, chứ không có nguồn để bổ sung quỹ lương cho cán bộ, chuyên viên.

Liên hiệp hội được Đảng  xác định là tổ chức chính trị xã hội, nhưng chính thức nhà nước chưa thể chế hoá. Liên hiệp hội không phải là tổ chức sự nghiệp công lập, nhưng lại hưởng biên chế sự nghiệp. Quả vấn đề không đơn giản, không dễ dàng thống nhất về chế độ chính sách. Nhưng  có một điểm rất quan trọng cần được chú ý.  Các hội đặc thù (theo quyết định 68/QĐ-TTg ngày ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ) thì có nhiều, trong đó có 3 tổ chức được xác định  là tổ chức chính trị xã hội (Liên hiệp các hội KH&KT, Hội các tổ chức hữu nghị, Hội Liên hiệp thanh niên). Nhưng duy nhất Liên hiệp các hội KH&KT được Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng xác định tại Chỉ thị 42/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, Thông báo số 1445-CV/VPTW ngày 08/9/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng, thông báo ý kiến Ban Bí thư về Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật:  Là tổ chức chính trị xã hội, được nhà nước cấp ngân sách và tạo điều kiện mọi mặt như các tổ chức chính trị xã hội khác (Các tổ chức chính trị xã hội khác ở đây là tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên CSHCM, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh). Theo chúng tôi, đây là  căn cứ  để  giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho cán bộ, chuyên viên Liên hiệp hội. Như vậy cũng là hợp lý, hợp tình.  Tuy nhiên, biên chế của Liên hiệp hội đang do nhà nước quản lý, nên chế độ phụ cấp công vụ 25% là hợp lý.

Khác với phụ cấp trách nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, phụ cấp công vụ là phụ cấp đại trà cho các đối tượng trong đơn vị thuộc diện được hưởng phụ cấp. Nếu chỉ giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho số lãnh đạo được điều động, luân chuyển từ cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể sang Liên hiệp hội thì chưa chắc đã có lợi chung cho Liên hiệp hội. Mâu thuẫn sẽ nảy sinh khi những người phấn đấu trưởng thành tại chỗ, có công lao hơn, vất vả hơn lại không được khuyến khích, đãi ngộ, nhất là khi người trưởng thành tại chỗ (xuất xứ  từ các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ, trường đại học…) giữ vị trí cấp trưởng. Đã giải quyết phụ cấp công vụ mà chỉ giải quyết riêng cho lãnh đạo cũng  không  hợp tình, hợp lý và cũng không có lợi chung. Vì nhiều chuyên viên cũng bỏ công sức và trí lực không kém lãnh đạo, thậm chí có không ít trường hợp còn làm việc nhiều hơn. Hiện nay, theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Hệ thống tổ chức Liên hiệp hội đang được kiện toàn, thành lập thêm các ban chuyên môn (Văn phòng,  Ban tư vấn phản biện và khoa học công nghệ, Ban tuyên truyền phổ biến kiến thức…). Hiện nay biên chế của các Liên hiệp hội cấp tỉnh mới có 3-5 biên chế. Để phát huy tốt chức năng nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới thì Liên hiệp hội cần được bổ sung thêm biên chế. Nếu chế độ chính sách kém hơn nhiều các nơi khác (nơi mà họ đang công tác) thì rất khó thu hút người có trình độ, năng lực, tâm huyết về làm việc tại Liên hiệp hội.

Đương nhiên, sẽ dễ hiểu và dễ thống nhất giải quyết chế độ phụ cấp công vụ hơn nếu Nghị định 34 được bổ sung đối tượng. Đối tượng bổ sung là  “lãnh đạo, chuyên viên làm việc tại các tổ chức  được tổ chức Đảng có thẩm quyền  xác định là tổ chức chính trị xã hội, được nhà nước cấp ngân sách và tạo điều kiện hoạt động như các tổ chức chính trị xã hội khác”.( Trước mắt, chỉ có Liên hiệp hội là thuộc đối tượng này). Nếu được như vậy thì mọi chuyện đều rõ ràng.



Phan Đức Ngữ (vusta.vn)

[ In trang ]    [ Đóng lại ]