17/10/2012

Hoạt động tác nghiệp của nhà báo cần được xem là hoạt động thi hành công vụ

Hoạt động tác nghiệp của nhà báo cần được xem như là hoạt động thi hành công vụ. Theo đó thì những hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo có thể coi là cản trở người thi hành công vụ. Đó là ý kiến phát biểu của bà Hà Kim Chi – Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khi đề cập tới những hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí tại hội thảo “Khuôn khổ pháp lý báo chí phòng chống tham nhũng: Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 15/10/2012 tại Hà Nội.

Hôi thảo được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý, đại diện các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan thanh tra, tư pháp. . .

Hội thảo diễn ra trong thời điểm chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 22/10/2012 trong đó sẽ thảo luận việc sửa đổi, bổ sung và xem xét thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi do Chính phủ trình. Dự thảo có một số điều quan trọng quy định về nghĩa vụ của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng. Cụ thể, khoản 4 Điều 101 của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Quy định này mâu thuẫn với Luật Báo chí bởi theo Điều 7 của Luật Báo chí, phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc Chánh án Toà án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng (chỉ được truy nguồn tin để phục vụ việc truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tôi danh rơi vào khung hình phạt từ 7 năm từ giam trở lên). Việc bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc tối quan trọng cần được đảm bảo trong hoạt động báo chí. Bảo vệ nguồn tin chính là việc xây dựng sự tin cậy giữa nguồn tin và cơ quan báo chí. Nếu có sự tin cậy của nguồn tin đồng nghĩa với việc uy tín của tờ báo sẽ tăng lên và tờ báo đó mới có khả năng cạnh tranh trong thời đại ngày nay. Niềm tin ấy, không phải trong một sớm một chiều có thể có được mà nó được xây dựng trong một quá trình lâu dài với thông tin được phản ánh đầy đủ, trung thực, không bị hiểu một cách sai lệch, không làm ảnh hưởng đến nguồn tin.

Bên cạnh đó, điều khoản này chưa quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền là những cơ quan nào. Theo Luật Báo chí các cơ quan có thẩm quyền ở đây là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án Nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Điều này nếu không quy định rõ sẽ có rất nhiều các cơ quan tự cho mình là có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin. Cùng với đó cũng cần quy định rõ loại thông tin tài liệu mà cơ quan báo chí cung cấp là những thông tin về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hay nguồn tin mà dựa vào đó báo chí phát hiện vấn đề. Đây chính là rào cản ảnh hưởng đến hoạt động tác nghiệp của báo chí.

Nội dung khoản 4 Điều 101, tác động sâu tới hoạt động chuyên môn của báo chí nhưng đối tượng điều chỉnh trực tiếp của dự luật là những người làm nghề báo lại chưa được cơ quan soạn thảo dự luật lấy ý kiến. Điều đó có nghĩa là cơ quan soạn thảo chưa tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 3/6/2008.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý, các nhà báo đã thảo luật về tác động của Dự thảo đối với người tố cáo, với hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng nếu được thực thi. Các đại biểu cũng cho rằng nếu quy định như khoản 4 Điều 101 của dự thảo này một mặt sẽ tiết lộ thông tin cá nhân của người tố cáo gây hại trực tiếp cho họ, làm họ không còn dám tố cáo tham nhũng qua báo chí, mặt khác gây khó khăn cho hoạt động báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng.

Để nâng cao vai trò, chức năng của báo chí – kênh thông tin quan trọng trong việc giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, các đại biểu đã thảo kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ đề nghị bỏ khoản 4 điều 101 Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tại Điều 7 Luật Báo chí.

Theo VUSTA

[ In trang ]    [ Đóng lại ]