16/01/2009

Nhận diện cây Mắt mèo để phòng trừ hiểm họa

 

Cây Mắt mèo có nhiều tên gọi khác nhau như: Trinh nữ trâu, Trinh  nữ nhọn, Trinh nữ gỗ, Trinh nữ móng rồng, cây Gai nhọn, cây Nhạy cảm, cây Mai dương, cây Run rẩy, cây Hiểm độc…Tên khoa học là Mimosa pigra, thuộc họ Đậu (Fabaceae), có nguòn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ.

     Trong thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương đã đề cập và cảnh báo nguy cơ phát triển mạnh của cây Mắt mèo. Để nhận biết và hiểu rõ hơn một số đặc điểm và tính nguy hại của loài cây này, chúng tôi xin trích lược một số đặc điểm cơ bản của chúng để mọi người biết, tích cực phòng ngừa, hạn chế việc phát tán của loài cây này.

     Cây Mắt mèo có nhiều tên gọi khác nhau như: Trinh nữ trâu, Trinh nữ nhọn, Trinh nữ gỗ, Trinh nữ móng rồng, cây Gai nhọn, cây Nhạy cảm, cây Mai dương, cây Run rẩy, cây Hiểm độc…Tên khoa học là Mimosa pigra, thuộc họ Đậu (Fabaceae), có nguòn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ.

Đây là một loài cây bụi có thân gỗ, mọc cao đến 2 m, tạo thành những bụi cây rậm rạp, cành vươn dài và chịu được gió mạnh. Thân cây tuy không lớn nhưng có hàng chục chùm quả đầy lông tơ, có dạng gần giống chùm quả đậu ván nhưng dài hơn và nhiều hạt hơn. Khi khô, hạt tách ra, bay theo gió, cuốn theo dòng nước để phát tán đến nhiều vùng khác nhau. Gặp điều kiện không thuận lợi, hạt có thể ngủ đến 20 năm, khi gặp điều kiện thích hợp vẫn có thể nảy mầm, phát triển. Thân và cành cây Mắt mèo có đầy gai nhọn, đâm vào da gây cảm giác tê buốt, khó chịu do trong nhựa loài cây này có một chất độc (mimosine) đối với người và nhiều loài động vật khác. Cây Mắt mèo loài là loài cây thích nghi rất rộng, chúng có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau: Đất ruộng màu, đất nương rẫy, đất đồi khô và chua…

     Nhưng chúng đặc biệt ưa thích vùng đất ẩm bán ngập nước gần ao, hồ, đầm lầy, ruộng nước. Sức sinh trưởng và tái sinh của loài cây này cực kỳ lớn: Từ một gốc cây bị chặt, chúng có thể nhanh chóng nảy ra cả hàng chục chồi non. Trong trảng cây bụi bị cháy trụi thì cây Mắt mèo là loài tái sinh đầu tiên. Cây có thể ngâm thân quanh năm dưới nước nhưng vẫn sống, chỉ cần nhô được phần chóp cành mang chùm hoa màu trắng lên khỏi mặt nước. Các nhà khoa học đã xác định được khả năng lan rộng của cây Mắt mèo theo hàm mũ của cơ số 2. Sau 10 năm thì 1 ha cây Mắt mèo có thể phát triển thành 1.024 ha.

Với những đặc điểm nêu trên của cây Mắt mèo, nếu không bị tiêu diệt triệt để, nó sẽ gây nên thảm họa cho các hệ sinh thái trong một thời gian không lâu. Nhờ khả năng phát tán hạt nhanh, tính cạnh tranh lớn nên chúng sẽ nhanh chóng chiếm chỗ của các loài cây khác.

Dưới các bụi cây Mắt mèo, hầu như không có loài cây nào sinh sống được. Gia súc và các loài động vật hoang dại khác cũng rất khó đi xuyên qua các bụi cây có gai sắc và độc này. Đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản chắc chắn sbị chúng xâm lấn nhanh chóng làm giảm diện tích và năng suất nuôi trồng. Các khoảnh cây bụi khác là nơi cư trú của nhiều loài côn trùng có ích, có chức năng kiểm soát dịch hại cây trồng sẽ bị loài cây này dần dần chiếm chỗ. Thảm họa sinh thái do cây Mắt mèo gây nên đã làm cho Australia tiêu tốn đến 1,1 triệu đô la cho công tác nghiên cứu và phòng trừ trong thời gian 1996 – 1997.

Ở nước ta, cây Mắt mèo xuất hiện từ đầu thập niên 1980 tại các vùng đất ngập nước của các tỉnh Đồng Tháp và Đồng Nai. Đến nay, chúng đã làm cho hàng trăm hecta ruộng lúa phải bỏ hoang do cây Mắt mèo phát triển dày đặc. Toàn bộ 5.000 ha đồng cỏ ngập nước theo mùa – nơi kiếm ăn của Sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm chim (Đồng Tháp) đang bị cây Mắt mèo chiếm lĩnh. Khoảng 100 ha ở Bàu Chim, Bàu Cá, Bàu Sấu của vườn Quốc gia Nam Cát Tiên đang bị cây Mắt mèo xâm lấn. Một số nơi ở miền Bắc như Hà Nội, Hà Tây…cũng đang bị loài cây này lấn chiếm diện tích đất canh tác.

Ở tỉnh ta, cây Mắt mèo hiện đang phát triển khá mạnh tại các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thành phố Huế. Chúng len lỏi trên các triền sông, hai bên đường lộ, bờ ruộng và bắt đầu tiến dần vào vườn nhà (Phú Lộc).

Để hạn chế sự phát tán và lan rộng của cây Mắt mèo, chúng tôi đề nghị chính quyền các huyện, thành phố Huế thường xuyên tuyên truyền về tác hại của loài cây này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo các xã vận động bà con không được trồng cây Mắt mèo để làm hàng rào xung quanh vườn nhà. Nếu thấy chúng xuất hiện cần phải chặt triệt cành, đào bỏ gốc, phơi khô, rồi đốt.

     Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các hội ra quân tiêu diệt loài cây này khi chúng mọc trên các vùng đất công cộng như sườn đồi, mương nước, hai bên đường, quanh các hồ, xung quanh khu vực cơ quan…Đây là công việc cần tiến hành thường xuyên, liên tục, cẩn thận và tiêu tốn cả thời gian lẫn kinh phí, nhưng là công việc phải làm, không thể chần chừ được nữa.

Đã đến lúc chúng ta phải ra tay để tiêu diệt loài thực vật ngoại lai có hại này. Dù muộn, nhưng vẫn còn kịp để diệt trừ, nếu không muốn phải trả giá như nạn dịch Ốc bươu vàng.  


[ In trang ]    [ Đóng lại ]