29/07/2008

Báo chí không ngừng đổi mới, phục vụ có hiệu quả hơn sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Và ngày 21/6 được chọn làm Ngày báo chí Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những người làm báo trở thành các chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hoá. Nhiều nhà báo đã ngã xuống trên các chiến trường trong tư thế của người chiến sĩ. Lớp lớp các thế hệ nhà báo đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

     Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề xướng công cuộc đổi mới của đất nước, trong đó có báo chí. Báo chí ngày càng xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Vai trò và sự đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới đất nước được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao.

     Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng con đường còn dài và không ít khó khăn. Trách nhiệm cao cả của người làm báo nước ta một mặt phải đem lại những thông tin kịp thời, đa dạng phong phú cho người đọc, mặt khác bảo đảm những thông tin đó góp phần ổn định chính trị để tiếp tục đổi mới.

     Báo chí phải có tính chiến đấu cao, thể hiện trong việc khẳng định những nhân tố mới, đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch lạc, chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội với tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng cao, mặt khác vạch trần những luận điệu xuyên tạc, vu khống, đồng thời đề cao cảnh giác cách mạng, không cho kẻ thù lợi dụng diễn đàn để kích động, gây mất ổn định chính trị, tức là phá vỡ công cuộc đổi mới.

     Trước những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong công cuộc đổi mới của ta ngày nay, hơn lúc nào hết báo chí phải có lập trường chính trị vững vàng, và luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên cácc báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng (1)

     Muốn phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, báo chí phải phấn đấu tự dổi mới. Đảng và Nhà nước từng bước đầu tư để dần dần đổi mới kỹ thuật báo chí, ban hành chính sách tạo điều kiện tốt hơn cho người làm báo. Tuy nhiên, trong sự nghiệp đổi mới báo chí, nâng cao chất lượng thông tin, nhân tố quyết định vẫn là con người, là sự nổ lực của người làm báo. Đồng thời với việc phấn đấu để thoát khỏi sự bao cấp của Nhà nước, báo chí phải tránh cho được khuynh hướng thương mại hoá hoạt động của mình. Thương mại hoá báo chí, chạy theo đáp ứng những thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả để thu nhiều lợi nhuận mà xa rời tôn chỉ mục đích của báo chí, là tự hạ thấp vai trò của báo chí trong xã hội. Thương mại hoá báo chí thường biểu hiện trên các mặt chủ yếu như: quên đi thiên chức là vũ khí tuyên truyền, giáo dục của cách mạng mà chú ý quá nhiều tới những vụ án giật gân câu khách; coi nhẹ việc biểu dương nhân tố mới, người tốt, việc tốt, mà tập trung sức vào việc phản ánh các vụ tiêu cực; khen những cái không đáng khen và chê những cái không đáng chê, làm lẫn lộn tiêu chí tốt, xấu, thiện, ác; quan tâm khai thác quá nhiều đời tư những cán bộ có chức có quyền, những chính khách, những ngôi sao trên thế giới với ý đồ tìm kiếm những tình tiết để thoả mãn sự tò mò của độc giả; quảng cáo quá quy định của Nhà nước v.v…

     Lịch sử giao phó cho Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đât nước, trong đó có báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí không phải theo kiểu cầm tay chỉ việc, bắt người làm báo phải viết bài này, bài kia, hoặc dùng phương pháp thể hiện như thế nào.

     Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc xác định đường lối, chủ trương chung và phương hướng cụ thể trong từng thời kỳ. Thông qua việc bồi dưỡng cán bộ cốt cán, trước hết là tổng biên tập, cấp uỷ Đảng thực hiện tốt sự lãnh đạo của mình mà không sa vào những việc cụ thể, hoặc can thiệp quá sâu vào chuyên môn gnhiệp vụ của nhà báo.

     Đảng lãnh đạo báo chí, nhưng quản lý báo chí là việc của Nhà nước. Thông qua luật pháp, quy chế, thể lệ, Nhà nước cụ thể hoá các quan điểm và định hướng chính trị của Đảng.

     Nhà nước xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp báo chí cho hợp lý, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của nền kinh tế và dân trí nước ta.

     Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước đối với báo chí là nhằm mục đích bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng lớn của nhân dân, là tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, phục vụ có hiệu quả hơn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

     Càng ngày xã hội càng thấy tác dụng to lớn của báo chí. Trách nhiệm của những người làm báo rất nặng nề. Báo chí phải đổi mới hơn nữa, sát cuốc ống hơn nữa, tạo ra dư luận xã hội lành mạnh để đưa đất nước từng bước thoát khỏi khó khăn, bảo đảm sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đi đến thắng lợi.

     Những người làm báo hôm nay luôn luôn gắn bó với truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam, luôn luôn lấy sự nghiệp báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hoạt động chính tri – nghiệp vụ để rèn luyện ngòi bút của mình trở thành ngòi bút chiến đấu cho sự nghiệp đổi mới.                  

                          Nguyễn Xuyến 

[ In trang ]    [ Đóng lại ]