26/05/2015

Văn hóa sức khỏe một tiếp cận mới của hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu

Văn hóa sức khỏe (Health Literacy), cũng có thể gọi là Năng lực hoặc Hiểu biết sức khỏe, là một chủ đề thời sự đang nổi lên trong chương trình sức khỏe toàn cầu. Tổ chức y tế thế giới đã nhấn mạnh văn hóa sức khỏe liên quan đến sự trao quyền, bắt đầu có nhu cầu hỗ trợ trao quyền bằng cách thiết kế các can thiệp văn hóa sức khỏe dựa vào nhu cầu cộng đồng và những vấn đề ưu tiên trong bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội và sự hài lòng của cộng đồng về khả năng nhận biết, hành động dựa trên kiến thức, và vượt qua rào cản của sức khỏe (WHO, 2009).

Khái niệm văn hóa sức khỏe xuất hiện từ những năm 1970 tại Mỹ liên quan đến giáo dục sức khỏe, và chủ đề này thật sự được quan tâm nhiều hơn từ những năm 1990. Trong đánh giá văn hóa sức khỏe tại cộng đồng người Mỹ, có 36% người trưởng thành ở mức độ văn hóa sức khỏe cơ bản và thấp (Kutner và cs, 2006). Người trưởng thành hầu hết có nguy cơ tăng lên do văn hóa sức khỏe thấp bao gồm người già, nhóm dân tộc thiểu số, và trình độ học vấn thấp (IM, 2004). Văn hóa sức khỏe thấp dự báo tốt hơn so với các yếu tố tuổi, thu nhập, nghề nghiệp, học vấn và chủng tộc…về tình trạng sức khỏe cộng đồng.

 Theo định nghĩa của Viện Y học Mỹ (Healthy People 2010, Institute of Medicine): “Văn hóa sức khỏe là mức độ năng lực của mỗi cá nhân về đánh giá, phân tích và hiểu các thông tin và dịch vụ y tế cơ bản cần thiết để đưa ra quyết định thích hợp.

Ý nghĩa của văn hóa sức khỏe được mở rộng bao gồm nhiều năng lực phức tạp và có sự liên kết với nhau, phụ thuộc vào cách tiếp cận có hiệu quả với dịch vụ y tế công cộng và nâng cao sức khỏe hay không. Một cách cụ thể, sự liên quan giữa hiểu biết về cơ thể và văn hóa sức khỏe thấp có thể dẫn đến giảm tuân thủ điều trị của bệnh nhân, thiếu hiểu biết về bệnh, không tuân thủ việc tự quản lý chăm sóc và dẫn đến kết quả điều trị kém. Mặt khác, những người có văn hóa sức khỏe thấp cũng ít có khả năng thực hiện các hành vi nâng cao sức khỏe và các hoạt động phòng bệnh. Văn hóa sức khỏe đã trở thành một phần quan trọng của nâng cao sức khỏe.

Văn hóa sức khỏe là chỉ số quan trọng trong kết quả giáo dục sức khỏe, một trong các chiến lược nâng cao sức khỏe, nỗ lực hành động để hình thành và tăng cường về những hiểu biết về sức khỏe, thiết lập sự trao quyền cho mọi người đưa ra quyết định về sức khỏe một cách dễ dàng trong cuộc sống hàng ngày như: ở nhà, trong cộng đồng, nơi làm việc, trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe và hệ thống giáo dục. Văn hóa sức khỏe cũng hỗ trợ và giải thích sự chênh lệch về sức khỏe giữa các nhóm trong quần thể.

Tiếp cận văn hóa sức khỏe tại bệnh viện là một phương pháp tiếp cận sáng tạo trong hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, khi quyền của người bệnh ngày càng được nâng cao trong mối quan hệ giữa khách hàng với dịch vụ. Khả năng bệnh nhân có thể hiểu được các vấn đề về sức khỏe và dịch vụ y tế cũng như thông tin hướng dẫn liên quan đến giao tiếp hiệu quả giữa bệnh nhân và người thầy thuốc, là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Văn hóa sức khỏe xuất hiện khi những kỳ vọng, sở thích, và các kỹ năng của cá nhân nhằm tìm kiếm các thông tin y tế và dịch vụ y tế đáp ứng được mong đợi, sở thích, và kỹ năng của những người cung cấp thông tin và dịch vụ y tế (Viện Y học Mỹ, 2004). Theo TS. Richard Carmona, Tổng Hội Y sĩ Mỹ,  2004: “Văn hóa sức khỏe là sự truyền bá thành công trong việc cải thiện sự sẵn sàng ứng phó khẩn cấp, loại bỏ sự chênh lệch về sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.” Áp dụng văn hóa sức khỏe tại bệnh viện là một hướng tiếp cận nghiên cứu mới trong chăm sóc sức khỏe toàn diện. Nội dung tập trung chủ yếu vào mức độ của văn hóa sức khỏe của bệnh nhân, thông tin về văn hóa sức khỏe bệnh viện nên được trình bày một cách trình tự để bệnh nhân có thể hiểu được các thông tin tiếp theo, phương pháp hiệu quả để tăng cường việc tiếp cận thông tin của bệnh nhân, cải thiện an toàn bệnh nhân, và loại bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc.

Khảo sát về Văn hóa sức khỏe Châu Á (HLS-Asia), là nghiên cứu tiến hành sau Khảo sát Văn hóa sức khỏe Châu Âu (HLS-EU), đã được điều chỉnh để đo lường văn hóa sức khỏe ở những nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã được đánh giá, và công cụ mới dựa trên khái niệm, bộ câu hỏi được phát triển có điều chỉnh và có tên là HLS-Asia. HLS-Asia đưa đến nghiên cứu đa dạng của các khu vực và các nước Châu Á Thái Bình Dương, được phiên dịch ra tất cả các ngôn ngữ sẽ được sử dụng để điều tra và

 

được công nhận một cách khoa học. Nghiên cứu này đã khởi động từ cuối năm 2012, với sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu dự án HLS-EU của GS. Helmut Brand and TS. Kristine Soresen Đại học Maastricht tại Hà Lan, GS Stephen Van Dan Brucker of Đại học Leuvain, GS Pelikan Jürgen Pelikan ở Áo và một số nhóm nghiên cứu khác của HLS-EU, sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2015 với sự tham gia tối thiểu từ 20 nước, trong đó có Việt Nam.

Quầy phát thuốc cho bệnh nhân ứng dụng công nghệ thông tin tại một bệnh viện Đài Loan

Dịch vụ” lấy bệnh nhân làm trung tâm” tại một bệnh viện Đài Loan, nơi hướng dẫn và cung cấp thông tin sức khỏe và tìm kiếm dịch vụ khám chữa bệnh thích hợp.

Tại Việt Nam, liệu chúng ta có thể áp dụng gì về tiếp cận văn hóa sức khỏe và nâng cao sức khỏe tại các bệnh viện? Quyết định số: 4858/QĐ-BYT ban hành tiêu chí để đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó có 19 tiêu chí cho bệnh nhân và Thông tư 07/2014 / TT-BYT ngày 25/2/2014 về quy tắc ứng xử của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế. Cụ thể: Bác sĩ thăm khám người bệnh toàn diện, lắng nghe lời kể của người bệnh và ân cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ phương pháp điều trị cho họhoặcBác sĩ điều trị, y tá-điều dưỡng, nữ hộ sinh phụ trách bố trí thời gian hợp lý để tiếp xúc, thăm khám, giáo dục sức khỏe và hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ điều trị và chăm sóclà một thuận lợi cơ bản về chính sách hỗ trợ. Chính sách quốc gia tại Việt Nam đang và sẽ có những chuyển biến ngày một tốt hơn, thêm vào đó, Bộ Y tế đã có chiến lược ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ bệnh nhân và thủ tục y tế cũng như hệ thống báo cáo. Đào tạo mới và đào tạo lại các kỹ năng tư vấn sức khỏe cho nhân viên y tế đã được quan tâm nhiều hơn tại các cơ sở điều trị.

Những thuận lợi ban đầu chúng ta có thể thấy được, khi đưa ra kế hoạch áp dụng văn hóa sức khỏe tại các bệnh viện ở Việt Nam. Tuy nhiên, có những khó khăn bước đầu là không thể tránh khỏi. Mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân vẫn còn tồn tại vấn đề của kỹ năng giao tiếp. Vấn đề này hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn trong tình trạng quá tải bệnh viện ở Việt Nam. Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cả phần mềm quản lý. Do vậy, thông tin văn hóa sức khỏe càng dễ bị hạn chế tiếp cận với các bệnh nhân có nhu cầu riêng của họ. Vấn đề văn hóa và ngôn ngữ cũng là rào cản đối với văn hóa sức khỏe cộng đồng trong các bệnh viện ở Việt Nam. Nhiều bệnh nhân có văn hóa sức khỏe thấp thường không sử dụng “cùng” các loại dịch vụ y tế, thậm chí họ còn làm cho dịch vụ y tế bị hạn chế trong phát triển và duy trì mối quan hệ tốt với bệnh nhân. Văn hóa sức khỏe thấp là một vấn đề phổ biến, ví dụ, những người lớn tuổi thường có kỹ năng văn hóa sức khỏe thấp hơn so với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn do sự suy giảm về khả năng đọc và nhận thức của họ. Điều dưỡng viên là một vị trí lý tưởng, tạo thuận lợi cho các mối liên kết giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ và văn hóa sức khỏe của bệnh nhân, nhưng mối liên kết này vẫn bị giới hạn bởi nhiều lý do (chương trình đào tạo, môi trường làm việc, áp lực công việc tại bệnh viện…) là một rào cản đáng kể để người điều dưỡng làm tốt nhất công việc của mình.

Với quan điểm của người nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, việc phát triển các nghiên cứu về đo lường văn hóa sức khỏe trong bệnh viện Việt Nam kể cả người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế, để đánh giá nhu cầu là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trước khi đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều trị thông qua tiếp cận văn hóa sức khỏe hiệu quả trên đối tượng là bệnh nhân.

Cuối bài xin trích dẫn phát biểu của GS. Yaw Tang SHIH (Chủ tịch Hội Văn hóa sức khỏe Châu Á, 2014) rằng: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho người dân một môi trường có văn hóa sức khỏe tốt hơn, đó sẽ không chỉ bảo vệ họ khỏi những rủi ro về sức khỏe, mà còn cho phép sử dụng tốt hơn các nguồn lực y tế, với hệ thống y tế được phối hợp tốt hơn và hiệu quả hơn”. Vì vậy, tăng tỷ lệ văn hóa sức khỏe của người dân trong bối cảnh y tế tại Việt Nam hiện nay sẽ dẫn đến việc người dân được trao quyền để có nhiều quyền kiểm soát việc giải quyết những thách thức về sức khỏe liên quan trong tương lai, đó cũng là một mô hình lý tưởng“lấy dân làm gốc” của chăm sóc sức khỏe bằng sự tham gia tích cực của cộng đồng.

PGS.TS. Võ Văn Thắng, ThS.BS. Nguyễn Hoàng Thùy Linh

[ In trang ]    [ Đóng lại ]