22/08/2016

“Bún bò Huế” – sự lựa chọn khôn ngoan của chính quyền tỉnh (*)

LTS: Tại sao UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chọn nhãn hiệu chứng nhận làm hình thức bảo hộ sản phẩm bún bò Huế? Tỉnh có quyền đăng ký, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đó không?

Mời độc giả đọc bài viết dành riêng cho Báo Khoa học và Phát triển của tiến sỹ Lê Thị Thu Hà – chuyên gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Đại học Ngoại thương – xung quanh câu chuyện đang gây xôn xao dư luận này.

Tại sao là nhãn hiệu chứng nhận?

Việc đăng ký bảo hộ các sản phẩm đặc sắc của địa phương như Huế đã làm đối với bún bò Huế rất cần thiết. Chuyện kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, càphê Buôn Ma Thuột bị đăng ký ở thị trường nước ngoài hay sự tranh chấp chỉ dẫn rượu Bầu Đá (giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà sản xuất), sự tranh chấp nhãn hiệu Vang Đà Lạt giữa các doanh nghiệp địa phương… cho thấy cần bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm gắn với địa danh nhằm bảo vệ tri thức truyền thống, bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác các đặc sản trong kinh doanh. 

 

(*) Tiêu đề do toà soạn đặt.   Loạt cửa hàng bún bò Huế trên đường Láng (Hà Nội).	 Ảnh: Phượng Hằng

Loạt cửa hàng bún bò Huế trên đường Láng (Hà Nội). Ảnh: Phượng Hằng

Dưới góc độ pháp lý, đặc sản địa phương có thể được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu tập thể (NHTT) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN). Việc chọn hình thức nào căn cứ 2 điểm:

Thứ nhất là mức độ liên hệ giữa sản phẩm với nguồn gốc địa lý. Với CDĐL, sản phẩm được sản xuất tại một địa danh, mang đặc trưng của vùng đó (khí hậu, đất đai, kinh nghiệm, tay nghề người sản xuất…), có chất lượng, danh tiếng và những đặc tính khác nhờ xuất xứ đó. 

Ví dụ, nước mắm Phú Quốc được sản xuất theo quy trình riêng của địa phương, sử dụng nguyên liệu đặc thù của Phú Quốc nên khác biệt với nước mắm ở các nơi khác. NHTT có thể được sử dụng để chỉ các sản phẩm từ một số nhà sản xuất là thành viên của tổ chức tập thể (có thể cùng khu vực địa lý) có chất lượng, đặc tính chung. 

NHCN dùng để chứng nhận sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nguyên liệu, phương pháp sản xuất… hoặc các đặc điểm khác do người sở hữu nhãn hiệu đưa ra. Sản phẩm mang NHTT và NHCN có thể có đặc tính, chất lượng gắn với xuất xứ, nhưng không nhất thiết. Các tiêu chí chứng nhận là do người sở hữu nhãn hiệu đưa ra và chịu trách nhiệm thực thi thông qua Quy chế NHCN/NHTT.

Thứ hai là năng lực của chính quyền địa phương và các nhà sản xuất, kinh doanh trong khu vực. Việc xác định tính chất và đặc thù của CDĐL khá phức tạp, tốn kém nên cần có kinh phí và sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý và chuyên môn, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang CDĐL. Đối với NHTT và NHCN, việc chuẩn bị hồ sơ không phức tạp, cơ quan quản lý nhà nuớc không tham gia nhiều vào công tác quản lý nhãn hiệu sau khi đuợc đăng ký. 

Nếu căn cứ vào điều kiện đầu tiên, rõ ràng đăng ký bún bò Huế dưới dạng NHCN là lựa chọn khôn ngoan của chính quyền tỉnh. 

Thực tế, đây là một món ăn dân dã lâu đời, có mặt ở nhiều vùng, miền. Mỗi nơi, bún bò Huế lại có hương vị thay đổi cho phù hợp với điều kiện và gu ẩm thực ở đó. Dù nhiều người cho rằng các “phiên bản” này không thể coi là bún bò Huế, chúng vẫn theo chân người Huế đi khắp trong và ngoài nước. Đó là hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa văn hóa và cũng nhờ thế mà bún bò Huế trở nên nổi tiếng. 

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chọn NHCN để đăng ký cho tên gọi bún bò Huế kèm logo chứ không phải NHTT là phù hợp, bởi chủ thể đăng ký NHCN phải có năng lực chứng nhận và độc lập với người sử dụng, trong khi chủ sở hữu NHTT có thể đồng thời sử dụng NHTT. 

NHTT luôn có xu hướng hạn chế số thành viên, còn NHCN lại có xu hướng mở rộng thành viên. Mục tiêu của việc đăng ký cũng rất rõ ràng – “đưa Bún bò Huế thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng NHCN trong việc chế biến và cung cấp dịch vụ đối với sản phẩm bún bò Huế” (Theo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế).

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu cảm quan và yêu cầu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bún bò Huế cũng được quy định chi tiết trong phụ lục của bản quy chế. Đây thực sự là bước đi rất quan trọng mà địa phương triển khai được, làm nền tảng cho hoạt động phát triển thương hiệu bún bò Huế một cách bài bản. 

Với tâm lý người tiêu dùng Việt đang ngày càng mất niềm tin vào các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đây sẽ là chất liệu quý cho truyền thông thương hiệu bún bò Huế khi xu hướng truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi đang phát huy hiệu quả đối với nhóm hàng thực phẩm.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có quyền đăng ký?

Đặc sản địa phương là tri thức chung của cộng đồng nên là một dạng độc quyền tập thể. Cơ quan đăng ký là tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận với điều kiện không sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó. 

Đối với NHCN, chính quyền địa phương là đối tượng phù hợp khi các cơ sở kinh doanh bún bò Huế đều là hộ sản xuất nhỏ, không đủ năng lực chuyên môn và tài chính để xây dựng hồ sơ đăng ký. Điều này không có nghĩa việc đăng ký NHCN gắn với địa danh chỉ thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký, với điều kiện đủ năng lực chứng nhận và có giấy phép của chính quyền địa phương liên quan. 



Tuy nhiên, theo bản quy chế trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế không trực tiếp quản lý mà khi có văn bằng bảo hộ sẽ giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế quản lý NHCN. Đây là cách giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp. Mô hình này theo tôi là phù hợp khi hiệp hội có hơn 70 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển… 

Bản quy chế cũng cho phép các tổ chức, cá nhân dù không phải ở Huế sử dụng NHCN bún bò Huế và cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm này khi đáp ứng các tiêu chí, không phải đến Huế để xin phép. Bún bò Huế hay đặc sản địa phương khác là những thương hiệu vùng miền đã được người tiêu dùng thừa nhận. 

Việc quản lý SHTT là cần thiết để tạo nền tảng phát triển thương hiệu. Khi các công cụ này được sử dụng đúng với chức năng và bản chất, nó sẽ góp phần tạo ra sự khác biệt lớn cho thương hiệu, tạo chất liệu truyền thông thương hiệu một cách nhất quán, nâng cao hình ảnh thương hiệu, bảo vệ văn hóa bản địa. 

Những gì xảy ra xung quanh vụ bún bò Huế cho thấy, các bước chuẩn bị đã được địa phương triển khai khá bài bản, chỉ một vài khâu nhỏ trong truyền thông từ chính quyền có thể gây hiểu lầm. Chưa bàn đến vấn đề vi phạm nhãn hiệu hay việc bún bò không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu bún bò Huế, mọi hoạt đông xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ bên trong. 

Hiểu đúng về thương hiệu và chống mọi sự sa sút về danh tiếng từ chính nội bộ thương hiệu là bước đi cần thiết cho các địa phương trong việc giữ gìn và nâng cao giá trị thương hiệu. 

TS Lê Thị Thu Hà – Đại học Ngoại thương 

(*) Tiêu đề do toà soạn đặt.

Theo (khoahocphattrien.vn/)

[ In trang ]    [ Đóng lại ]