29/08/2016

Những biến chứng quan trọng của bệnh cúm A (H1N1)

Từ cuối tháng 4 năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới nhận được thông báo về những trường hợp lây virus cúm A (H1N1) mới từ người sang người ở Mexico và Hoa Kỳ. Sau đó bệnh đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới và gây ra đại dịch cúm lớn nhất vào đầu thế kỷ XXI.

Trên toàn thế giới, tính đến cuối năm 2009 đã có khoảng 250.000 người nhiễm virus cúm A (H1N1) được ghi nhận ở hơn 170 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 2.200 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, tính đến ngày 29/12/2009, Bộ Y tế đã thông báo có 11.104 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 53 bệnh nhân tử vong. (Đến 20.01.2010 đã có 54 trường hợp tử vong).

          Những trường hợp đã được xác nhận bởi xét nghiệm tìm thấy virus cúm A (H1N1) phần lớn là trẻ em và người trẻ tuổi. Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất đa dạng, từ thể không sốt, bệnh đường hô hấp trên nhẹ đến bệnh nặng hoặc viêm phổi có thể đưa đến tử vong.

          Các triệu chứng được ghi nhận nhiều nhất bao gồm ho, sốt, viêm họng, mệt mỏi và đau đầu. Một số trường hợp có các triệu chứng tiêu hoá (buồn nôn, nôn và /hoặc tiêu chảy).Những trường hợp nhập viện có thể có bệnh đường hô hấp dưới nặng, tiến triển nhanh.

          Những yếu tố nguy cơ dự báo sự tiến triển của bệnh chưa được hiểu rõ. Thầy thuốc cần theo dõi và phát hiện những dấu hiệu diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn (khó thở, đau ngực, ho kèm đàm đục, thay đổi ý thức, lơ mơ…). Bệnh nhân có một trong những dấu hiệu trên cần phải được nhanh chóng đưa vào viện. Thầy thuốc cần chú ý đến những bệnh kèm theo như tình trạng suy giảm miễn dịch, bệnh phổi hoặc tim mạch có trước, đái đường…

I. BIẾN CHỨNG

          Những biến chứng của bệnh cúm A (H1N1) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của hầu hết các trường hợp tử vong trên thế

giới. Những biến chứng của bệnh bao gồm:

        – Có các dấu hiệu lâm sàng (thở nhanh, khó thở, mạch nhanh, thiếu oxy) và/hoặc các dấu hiệu X quang của bệnh đường hô hấp dưới (ví dụ viêm phổi), dấu hiệu tổn thương hệ thần kinh trung ương (ví dụ bệnh não), mất nước nặng hoặc có những biến chứng thứ phát, suy thận, suy đa cơ quan và sốc nhiễm khuẩn.

        – Bùng phát các bệnh mạn tính có sẵn bao gồm hen, COPD, suy thận hoặc suy gan mạn. đái đường hoặc các bệnh tim mạch khác.

        – Những triệu chứng hoặc dấu hiệu lâm sàng đòi hỏi bệnh nhân phải nhập viện

        – Có một trong những dấu hiệu bệnh tiến triển được liệt kê dưới đây:

           + Có triệu chứng hoặc dấu chứng thiếu oxy hoặc suy tim phổi

           + Thở nhanh, khó thở, đàm chuyển sang màu xanh, có lẫn máu hoặc có màu, đau ngực, huyết áp thấp.

           + Trẻ em có thở nhanh hoặc nặng nhọc

           + Biến chứng của hệ thần kinh trung ương: thay đổi tri giác, không tỉnh táo, khó thức dậy, co giật, cảm giác yếu người hoặc liệt.

           + Có bằng chứng virus nhân lên kéo dài hoặc nhiễm vi khuẩn xâm nhập thứ phát.

           + Mất nước nặng: giảm hoạt động, giảm lượng nước tiểu, lơ mơ…

          Phụ nữ có thai thường có nguy cơ biến chứng từ những vụ dịch cúm theo mùa  trước đây cũng như cúm gia cầm H5N1. Nhiều trường hợp bao gồm cả tử vong đã được ghi nhận ở phụ nữ có thai nhiễm virus cúm A (H1N1). Ở Việt nam, trong số 54 trường hợp tử vong có đến 10 trường hợp là phụ nữ có thai, chiếm 18,52%. Vì vậy những phụ nữ có thai bị nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm virus cúm A (H1N1) cần được theo dõi chặt chẽ và nên cho điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.

II. ĐIỀU TRỊ CÁC BIẾN CHỨNG

1. Thở Oxy

          Độ bão hoà oxy cần được theo dõi thường xuyên bằng máy đo oxy (Oximetry). Oxy cần được bổ sung để điều trị tình trạng thiếu oxy máu. WHO khuyến cáo duy trì mức bão hoà oxy trên 90%. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng hoặc có thai cần tăng lên 92 – 95%.

          Bệnh nhân thiếu oxy máu nặng cần thở oxy liều cao bằng mặt nạ (khoảng 10 lít/phút).

2. Kháng sinh

          Không cần thiết dùng kháng sinh dự phòng cho tất cả bệnh nhân. Nếu có viêm phổi cần theo hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng. Trong các vụ dịch cúm theo mùa trước đây bệnh nhân thường có biến chứng viêm phổi do S.aureus. Bệnh thường rất nặng, tiến triển nhanh. Nếu có kết quả kháng sinh đồ thì điều trị theo kháng sinh đồ.

3. Thuốc kháng virus

          Dựa trên những kết quả thăm dò in vitro và kinh nghiệm lâm sàng từ các vụ dịch cúm theo mùa và cúm gia cầm H5N1, sử dụng các thuốc kháng virus nhóm ức chế neuraminidase (oseltamivir và zanamivir) sớm sẽ giúp giảm mức độ nặng và thời gian mắc bệnh cúm A (H1N1) đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển đến bệnh nặng và tử vong.

          Thuốc kháng virus đặc biệt có ích cho những nhóm người sau:

          – Phụ nữ có thai

          – Bệnh nhân có bệnh đường hô hấp dưới hoặc viêm phổi

          – Bệnh nhân có bệnh mạn tính kèm theo

          Thuốc kháng virus cần cho dùng sớm nhưng có thể dùng ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh khi virus đang nhân lên.

4. Corticosteroid

          Corticosteroid không được dùng rộng rãi để điều trị bệnh nhân cúm A (H1N1). Thuốc có thể dùng liều thấp ở bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn cần dùng các thuốc co mạch kèm suy thượng thận. Nếu dùng corticosteroid kéo dài hoặc liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ ở những bệnh nhân nhiễm virus cúm như nhiễm trùng cơ hội hoặc tình trạng nhân lên của virus kéo dài.

5. Hô hấp hỗ trợ

          Điều trị hội chứng suy hô hấp cấp người lớn (ARDS) do virus cúm A (H1N1) phải dựa vào hướng dẫn điều trị dựa trên bằng chứng cho những trường hợp ARDS liên quan với nhiễm khuẩn huyết. Có thể dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp bảo vệ phổi.

 

PGS.TS.Trần Xuân Chương

[ In trang ]    [ Đóng lại ]