19/09/2017

Thức ăn ủ chua cho gia súc góp phần nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính

Thức ăn thô xanh luôn có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thay thế đối với gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, thỏ, hươu, nai… Khả năng trồng cỏ còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào thời vụ nên vào mùa đông, khô hạn, cỏ kém phát triển, gia súc thiếu thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của vật nuôi. Do đó, việc bảo quản và dự trữ thức ăn thô xanh, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết. Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp ủ chua thức ăn phục vụ chăn nuôi.

1.  Nguyên lý ủ chua

– Ủ chua là kỹ thuật bảo quản thức ăn thô xanh nhờ quá trình lên men yếm khí, tạo ra trong khối thức ăn một lượng axít hữu cơ cấp thấp (axít lactic) cần thiết để hạ độ pH, có tác dụng ức chế mọi hoạt động của các vi khuẩn gây thối rữa.

– Thực chất của ủ chua là quá trình lên men yếm khí khi trong hố ủ có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Ngược lại, khi trong khối thức ăn và trong hố ủ có nhiều không khí, quá trình lên men thối xuất hiện và tăng cường. Điều đó giải thích tại sao chúng ta cần phải nén khối thức ăn thật chặt để loại hết không khí tồn tại trong các khe giữa các mẩu cây thức ăn

– Nhờ quá trình bảo quản thức ăn bằng ủ chua, những phần cứng của thân cây bị mềm ra và làm cho nó trở nên dễ tiêu hoá

– Kỹ thuật ủ chua bao gồm việc cắt cây thức ăn vào giai đoạn mà nó có giá trị dinh dưỡng cao, thái nó thành những mẩu nhỏ, nén vào một hố ủ hoặc túi ni lông, và đảm bảo nước (mưa) và không khí không lọt vào.

– Kỹ thuật ủ chua có thể áp dụng cho tất cả các loại cây thức ăn. Chất lượng của thức ăn ủ chua phụ thuộc chẳng những vào kỹ thuật ủ mà còn phụ thuộc vào nguyên liệu đem ủ: loại cây thức ăn, giai đoạn thu cắt cây thức ăn….

2. Điều kiện cần thiết để ủ chua thành công

– Phải có một hố ủ hoặc túi nilông, bảo đảm chắc chắn để dễ nén chặt thức ăn và không cho nước, không phí bên ngoài lọt vào. Sau khi chất nén đầy thức ăn, túi nilông phải được đóng kín, hố ủ phải được đắp kín bằng đất (trong chăn nuôi quy mô nhỏ) hoặc phủ và chèn bằng tấm nilông dày (trong trường hợp chăn nuôi quy mô trang trại và với loại hố ủ lớn).

– Thức ăn đem ủ phải có chất lượng tốt, phải tươi, không thối, mốc. Một số loại cây thức ăn có tỷ lệ đường cao như khoai tây, khoai lang… dễ ủ. Một số khác khó ủ hơn do tỷ lệ đường thấp, vì vậy phải bổ sung thêm rỉ mật.

– Phải bảo đảm thức ăn trước khi chất vào hố ủ có độ ẩm khoảng 65 -70%. Nếu độ ẩm trên mức này cần phơi qua cho rút bớt nước. Nếu thức ăn khô, già quá thì vẩy thêm nước (hoặc tưới rỉ mật đường pha loãng) cho đủ độ ẩm nêu trên

Trong trường hợp chẳng may gặp thời tiết xấu và không thể phơi được, có thể xử lý bằng cách băm nhỏ rơm khô hoặc bã mía, trộn đều và ủ chung với cây thức ăn đem ủ chua (cỏ hoặc cây ngô thức ăn …. )

– Thao tác ủ (chất thức ăn vào hố hoặc túi nilông) càng nhanh càng tốt, sau đó lấp hố hoặc đóng kín túi ngay. Tốt nhất là từ khi cắt thức ăn về cho đến khi đóng hố hoặc túi ủ diễn ra trong cùng một ngày.

– Phải nén thật chặt khối thức ăn trong hố/túi ủ. Muốn vậy, phải chất vào hố/túi từng lớp mỏng một và chất thức ăn đến đâu ném chặt đến đó. Chú ý nén trên toàn bộ bề mặt, nén xung quanh và các góc.

3. Các bước tiến hành ủ chua

3.1. Chuẩn bị hố ủ:

Tuỳ theo điều kiện của nông hộ, quy mô chăn nuôi để chọn vị trí ủ và thiết kế hố ủ cho phù hợp.

– Hố ủ có thể chìm trong lòng đất bằng cách đào hố đất trong vườn. Kích thước hố ủ được tính theo lượng nguyên liệu sẽ cho vào ủ (cỏ xanh 400-450kg/m3; thân, lá cây ngô, ngọn lá mía 450-500 kg/m3; thân lá cây lạc 300-350 kg/m3).

– Hố ủ xây nổi hoặc nửa nổi, nửa chìm; có thể ủ trong các loại túi nilon màu sẫm, dày (trên 0,2 mm) có kích thước lớn nhưng phải có máy hút chân không để rút không khí ra sau khi đưa nguyên liệu vào. Ưu điểm của túi chất dẻo là có thể buộc kín dễ dàng. Tuy nhiên, túi chất dẻo có nhược điểm là khó nén chặt thức ăn và túi có thể bị chọc thủng.

+ Dùng thùng phuy để ủ chua thức ăn. Trường hợp ủ chua trong thùng phuy cần lưu ý phơi thức ăn hơi khô hơn một chút (độ ẩm dưới 65%) để tránh lượng dịch lớn sinh ra trong quá trình lên men và tích tụ dưới đáy thùng, làm thối hỏng lớp thức ăn bên dưới.

Lưu ý: Điều kiện tiên quyết trong quá trình ủ là hố ủ phải bảo đảm giữ được yếm khí, không ngập nước.

3.2. Thành phần nguyên liệu

– Các loại rơm rạ, cỏ, lá, thân cây ngô sau khi thu bắp, cây ngô cả bắp xanh (bắp chín sữa), thân, lá cây lạc sau thu hoạch, ngọn, lá sắn, lá dứa…: 93-94%

– Bột sắn hoặc cám gạo, bột ngô: 2 – 5%

– Rỉ mật: 1 – 3%     

– Muối ăn: 0,5 – 1%

– Chế phẩm vi sinh vật (nếu có): 0,1- 0,2%  

3.3. Tiến hành ủ chua

Nên thực hiện ủ chua khi thời tiết nắng ráo, không nên ủ chua khi trời mưa.

Đối với cỏ non, các loại lá chứa nhiều nước, cần phơi héo làm giảm tỷ lệ nước trước khi ủ. Bột sắn hoặc cám gạo, bột ngô và chế phẩm men được trộn đều với rỉ mật trước khi tiến hành ủ. Nên ủ ở nơi râm mát, cao ráo, thoát nước tốt, ủ tiến hành trong cùng một ngày.

– Cắt/thái nguyên liệu thức ăn với độ dài từ 3 – 7 cm.

– Rải một lớp bạt nilon lên đáy và thành hố ủ, sau đó rải một lớp cây ngô nguyên cây hoặc rơm khô dưới cùng. Rắc một lớp nguyên liệu dày 10-15 cm, tiếp tục rắc một lượt hỗn hợp bột trên. Vừa làm vừa nén chặt để đẩy không khí ra ngoài. Cứ làm lần lượt như vậy cho đến khi đầy hố ủ.

– Phủ rơm hoặc lá chuối khô hoặc phủ 2 lớp bạt nilon lên trên, che đậy thật kín, tránh không khí lọt vào, sau đó đắp đất lên trên dày khoảng 20 cm hoặc buộc chặt túi ủ để tạo môi trường yếm khí. Chú ý đào rãnh thoát nước mưa xung quanh.

– Thời gian ủ trong khoảng 21 ngày là có thể cho gia súc ăn.

3.4. Sử dụng thức ăn ủ chua cho gia súc

– Thức ăn sau khi ủ có màu vàng rơm, mùi thơm, vị chua rất hấp dẫn gia súc.Hàng ngày lấy thức ăn ủ chua cho gia súc ăn. Chú ý lấy gọn từng góc, thao tác nhanh. Sau khi lấy thức ăn xong phải che đậy thật kín, tránh để không khí lọt vào làm hỏng thức ăn.

– Kiểm tra thức ăn ủ chua trước khi cho gia súc ăn. Nếu thấy thức ăn chuyển màu đen, có nấm, mốc, thối thì không cho gia súc ăn.

– Khi mới cho gia súc ăn thức ăn ủ chua, tập cho gia súc ăn bằng cách trộn lẫn thức ăn ủ chua với thức ăn thô xanh thường ngày, tăng dần trong vài ngày đầu, có thể sử dụng thức ăn ủ chua khoảng từ 30-50% tổng khối lượng thức ăn thô xanh trong khẩu phần hàng ngày của gia súc. Riêng thân cây lạc, lá sắn chỉ cho gia súc ăn 2-4 kg/con/ngày.

– Không nên cho gia súc trong thời kỳ vắt sữa (bò sữa, dê sữa) ăn thức ăn ủ chua trước khi khai thác sữa.

– Thời gian bảo quản thức ăn ủ chua có thể đến 6 tháng nếu sau mỗi lần lấy thức ăn ra che đậy hố cẩn thận.

Hồ Thành

[ In trang ]    [ Đóng lại ]