29/09/2017 |
Kỹ thuật bẫy và theo dõi nguồn bệnh Phytophthora gây bệnh thối rễ cây hồ tiêu ở trong đất |
Kỹ thuật bẫy và theo dõi nguồn bệnh Phytophthora gây bệnh thối rễ cây hồ tiêu ở trong đất là biện pháp sử dụng lá tiêu để bẫy nấm Phytophthora capsici (P. capsici ) trong đất. Đây là một giải pháp hữu hiệu để phân lập và theo dõi nguồn bệnh bảo tồn ở trong đất đơn giản, chính xác. Kỹ thuật này đã được phổ biến, áp dụng rộng rãi trên các phương tiên truyền thông và áp dụng hiệu quả ở những vùng trồng tiêu trọng điểm của Việt Nam. Bệnh thối gốc rễ cây hồ tiêu hay còn được gọi là bệnh chết nhanh hay bệnh tiêu sầu, là bệnh hại nguy hiểm, thường làm chết dây tiêu hàng loạt, gây mất trắng hoặc làm giảm năng suất cây trồng trầm trọng. Nguyên nhân gây bệnh đã được xác định là do Phytophthora capsici gây nên. Ở Việt Nam, phân lập nguồn nấm Phytophthora từ đất nói chung và P. capsici nói riêng sử dụng cánh hoa hồng mức độ thành công thấp và không có khả năng ứng dụng trong sản xuất. Các bẫy nấm Phytophthora ở các nước và Việt Nam sử dụng để phân lập nấm Phytophthora phục vụ trong nghiên cứu, chưa có ý tưởng nào sử dụng bẫy nấm để theo dõi tác nhân gây bệnh P. capsici trong đất để phục vụ công tác dự tính dự báo bệnh hại, đặc biệt là bẫy nấm mà nông dân cũng có thể áp dụng được để theo dõi tình hình bệnh hại của vườn hồ tiêu và xây dựng kế hoạch phòng trừ bệnh. Phương pháp phân lập Phytophthora capsici tác nhân gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu từ đất được Truong et al. (2008) cải tiến từ phương pháp bẫy lá cây hồ tiêu của Kueh and Khew (1982) và đã thành công trong phân lập P. capsici ở đất các vùng trồng hồ tiêu. Nhóm nghiên cứu đã phát triển ý tưởng là sử dụng bẫy nấm lá tiêu trong phân lập Phytophthora capsici để theo dõi nguồn bệnh thối gốc rễ hồ tiêu và áp dụng trong phòng trừ bệnh hại này. Đây là một kỹ thuật mới hoàn toàn sử dụng để theo dõi nguồn bệnh P. capsici trong đất trong điều kiện của nước ta Theo nhóm tác giả cho biết: Kỹ thuật bẫy và theo dõi nguồn bệnh Phytophthora gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu là giải pháp mới hoàn toàn trong điều kiện Việt Nam, giúp phát hiện sớm về khả năng phát sinh bệnh thối gốc rễ hồ tiêu trước khi dịch bệnh xảy ra. Việc dự báo được tình hình nguồn bệnh hại, giúp nông dân chủ động kiểm soát được bệnh thối gốc rễ hồ tiêu và hiệu quả phòng trừ bệnh hại đạt được cao, góp phần nâng cao hiệu quả của các loại thuốc hóa học do theo dõi được nguồn bệnh trong đất và tiến hành xử lý thuốc đúng thời gian trước khi bệnh hại xảy ra. Đây là giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả kinh tế – kỹ thuật – xã hội, đó là: Hiệu quả kinh tế: Sử dụng kỹ thuật này đã giúp người nông dân kiểm soát được bệnh thối gốc rễ hồ tiêu, nâng cao năng suất cấy trồng, nâng cao thu nhập giúp xoá đói giảm nghèo. Hiệu quả phòng trừ bệnh đạt từ 50 đến 95%, thiệt hại do bệnh gây nên giảm từ 55 đến 95%, chí phí phòng trừ giảm từ 15-25% so với đối chứng không thực hiện bẫy lá tiêu và theo dõi nguồn bệnh ở các địa phương đã triển khai ứng dụng như Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lắk, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Về hiệu quả kỹ thuật: Kỹ thuật bẫy nấm Phytophthora sử dụng lá hồ tiêu rất đơn giản để người nông dân có thể áp dụng và theo dõi tình trạng bệnh hại của vườn hồ tiêu, dự báo được bệnh hại và áp dụng các biện pháp phòng trừ đúng lúc. Hơn nữa kỹ thuật bẫy nấm Phytophthora sử dụng lá tiêu theo thiết kế của các tác giả để theo dõi nguồn bệnh thối gốc rễ hồ tiêu chưa một ai đề xuất trước công bố của nhóm tác giả. Về hiệu quả xã hội: Sử dụng kỹ thuật bẫy và theo dõi nguồn bệnh Phytophthora gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu ở trông đất đã dự báo được bệnh hại nên nông dân giảm sử dụng thuốc trừ bệnh nếu nguồn bệnh không có hoặc rất ít vì vậy giảm thiểu được tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi trên vườn hồ tiêu gây ô nhiễm môi trường. Việc quản lý thành công bệnh thối gốc rễ hồ tiêu giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và miền núi. Khả năng áp dụng rộng rãi: Sử dụng lá tiêu để bẫy nấm P. capsici trong đất là một giải pháp hữu hiệu để phân lập và theo dõi nguồn bệnh bảo tồn ở trong đất. Kỹ thuật này đã được phổ biến trên chương trình Tạp chí Khoa học Nông nghiệp của HTV-VTV2 ngày 28/5/2010, được giới thiệu rộng rãi ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Trị, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Thừa Thiên Huế và được nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan ứng dụng sử dụng, có thể dễ dàng tìm thấy kỹ thuật này trên google với nhóm từ “kỹ thuật bẫy nấm Phytophthora”. Ứng dụng kỹ thuật bẫy nấm của nhóm tác giả không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu mà còn phục vụ sản xuất của người trồng tiêu trong việc quản lý bệnh thối gốc rễ hồ tiêu. Trí Huế |
[ In trang ] [ Đóng lại ] |