Quảng Lợi sau một năm đẩy mạnh huy động người dân bảo vệ môi trường phá Tam Giang”

Xã Quảng Lợi có hơn 650 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang. Những năm trước đây, việc khai thác thủy sản với các phương tiện huỷ diệt như kích điện hay các ngư cụ cải tiến đã, đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm suy kiệt tài nguyên thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang. Thông qua sự hỗ trợ của tổ chức PARAFF, năm 2014 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp UBND huyện Quảng Điền triển khai dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang” trên địa bàn xã Quảng Lợi. Qua một năm triển khai thực hiện, nhận thức của ngư dân trên địa bàn xã đã có những đổi thay rõ rệt.

 Xã Quảng Lợi có diện tích mặt nước 776 ha. Theo nhiều ngư dân trên địa bàn xã cho biết: Những năm trở lại đây, tình trạng phát triển mạnh lừ xếp đã tác động rất lớn đến tài nguyên thủy sản trên phá Tam Giang. Bởi lẽ, hầu hết ngư dân trên địa bàn xã đều sử dụng các loại lừ mắt lưới quá nhỏ nên cá, tôm từ lớn đến bé đều bị đánh bắt dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Năm 2013, UBND huyện trao quyền quản lý khai thác mặt nước  cho 3 chi hội nghề cá Hà Công, Ngư Mỹ Thành và Cư Lạc. Ý thức của bà con ngư dân trên địa bàn xã đã được lên đáng kể, người dân đã phát huy tính tư chủ trong phối hợp với chính quyền địa phương đấu tranh truy bắt đối tượng khai thác trái phép, nhờ vậy tình trạng khai thác hủy diệt như xung điện, giã cào dần dần giảm hẳn, đồng thời họ cũng đã chủ động cải tiến mắt lưới lừ theo đúng kích cỡ để không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang.

Anh Trần Vọng – Chi hội phó chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh cho biết: Sau khi được giao quyền quản lý mặt nước, chi hội nghề cá thôn chúng tôi đã có quy chế hoạt động, khoanh vùng khu vực đánh bắt, khu vực bảo quản bãi đẻ, nhờ vậy, chủng loại thủy sản dần dần được khôi phục, số lượng thủy sản ngày càng phong phú.  Được biết trước đây Quảng Lợi là một điểm nóng về tình trạng ngư tặc lộng hành khai thác thủy sản trên phá Tam Giang. Nhưng sau khi được thành lập Chi Hội Nghề Cá, được giao quyền quản lý khai thác mặt nước, với những quy định cụ thể rõ ràng, gắn trách nhiệm của người dân trong khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, người dân đã phát huy vai trò làm chủ trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang. Họ thường xuyên tổ chức những đợt vây bắt những đối tượng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Chi hội đã soạn thảo và thống nhất quy chế hoạt động, hội viên chúng tôi đã nỗ lực phát huy vai trò trách nhiệm của mình, không để tình trạng “điền tư, ngư chung” xảy ra như trước đây.  Thay vì các phương tiện đánh bắt theo lối huỷ diệt như kích điện, rà giã cào …, hiện dự án giúp người dân bắt đầu khai thác nguồn lợi thủy sản thông qua những lồng cá, các trộ chuôm, tạo nên nơi trú ngụ để các loại cá sinh trưởng phát triển, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về đánh bắt nuôi trồng thủy sản, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường phá Tam Giang. Để tăng cường sự tham gia của người dân và nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền huyện, xã về bảo vệ môi trường, dự án hỗ trợ kinh phí cho mỗi trộ chuôm là 8 triệu đồng, mỗi lồng cá 3,3 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ kinh phí làm lồng, trộ chuôm, mua giống, các hộ tham gia nuôi cá trên phá Tam Giang còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi nuôi cá. Đánh giá về việc xây dựng mô hình khai thác thủy sản thân thiện với môi trường cho cộng đồng ngư dân do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai trên địa bàn  xã, ông Hồ Sỹ Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Qua một năm triển khai thực hiện các quy trình của dự án từ tổ chức tập huấn, hỗ trợ ngư dân phát triển sinh kế đã mạng lại nhiều kết quả khả quan. Trong đó đáng chú ý nhất là các trộ chuôm và các lồng cá. Riêng nghề chuôm mang lại hiệu quả rất có ý nghĩa trong công tác bảo vệ nguồn cá tự nhiên, giúp cho người dân vừa khai thác tốt nguồn lợi thủy sản mà không gây ảnh hưởng gì đến môi trường sống của các loài thủy sinh. Các mô hình nuôi cá lồng như cá hanh, cá dìa, cá chẽm và cá dầy… có thể ứng dụng rộng rãi để phát triển sinh kế cho các ngư dân vùng đầm phá, tăng thu nhập và ít ảnh hưởng môi trường. Qua thu hoạch ở các trộ chuôm cho thấy hiệu quả gấp 3 lần so với đánh bắt tự nhiên. Đây được xác định là bước đi phù hợp trên lĩnh vực đánh bắt nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm phá Tam Giang.

Những kết quả đạt được sau một năm triển khai dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang” trên địa bàn xã Quảng Lợi  là tín hiệu vui, hy vọng về một sự cải thiện môi trường phá Tam Giang một cách có hiệu quả.  

 

                                                                                              Công Cường

Người cập nhật: Đjnh Chung

Các bài viết khác: