TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1123475
Số người đang truy cập:
384


ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Giống lúa vượt lũ

Ngày đưa tin 13/11/2008

Với mong muốn giúp người nông dân thoát khỏi cảnh thất bát do những mùa lúa bị lũ nhấn chìm, 5 năm qua, TS Lê Tiến Dũng, trưởng khoa Nông học, trường đại học Nông Lâm Huế đã dày công nghiên cứu mang lại một dòng giống lúa có khả năng vượt lũ, đạt năng suất cao cho đồng đất miền Trung nơi mà hàng năm phải sống chung với lũ.

 Đề tài: “Tạo một số dòng giống lúa mới có năng suất cao thích hợp với khí hậu miền Trung”, do TS Lê Tiến Dũng chủ nhiệm đã được Bộ Giáo Dục và Đào tạo nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả của đề tài là sự ra đời của dòng giống TC 11, TC13, TC 15 với thời gian 90 ngày được thu hoạch (rút ngắn 15-30 ngày so với giống lúa khác), năng suất khoảng 5-6 tấn/ha, có giống đạt 6,5-7 tấn/ha, hạt gạo rất thơm, dẻo nên giá bán ra thị trường thường cao hơn các giống lúa khác như Khang Dân, Nàng Hương, 4B, 13/2…từ 3-5 nghìn đồng/kg.

Trong 3 dòng giống trên, dòng TC 13, năng suất vượt trội, cứng cây, cây cao, trong thời gian trồng thử nghiệm chưa bị sâu. Do thân cây cao nên khi nước lũ tràn về ngập khoảng 0,5 m vẫn có thể chống chịu được. Dòng giống này ra đời, góp phần đảm bảo cho nông dân Thừa Thiên – Huế và các tỉnh miền Trung thu hoạch sớm, tránh được lũ.

 Ông Trần Quang Phước, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: “Sau khi khảo nghiệm, hạt giống dòng này có hàm lượng amylase, nhiệt độ hoá hồ theo tiêu chuẩn của IRRI (Viện lúa quốc tế), độ bền gel theo tiêu chuẩn của IRRI. Thực tế cho thấy, khi những dòng giống lúa này được nhân rộng trên toàn bộ khu vực miền Trung sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, giúp nhân dân đảm bảo đúng tiến độ và quy trình sản xuất”.

 TS Lê Tiến Dũng nói: Quá trình đô thị hoá, xây dựng các đập thuỷ điện, các hồ chứa nước đã làm suy giảm nhanh chóng nguồn tài nguyên di truyền và diện tích đất nông nghiệp. Việc nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đang là nhu cầu cấp bách, góp phần đảm bảo an ninh thương thực, cải thiện bữa ăn cho người tiêu dùng. Cho nên, chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật di truyền AND, phương pháp Protein để phân loại tiến hành nghiên cứu.

Kết quả ứng dụng thực tiễn tại HTX Hương Long (TP. Huế), HTX Kim Thành (huyện Quảng Điền), Trạm Khảo, kiểm nghiệm miền Trung (tỉnh Quảng Ngãi), Công ty cổ phần Giống cây trồng (tỉnh Nghệ An), Công ty cổ phần Giống cây trồng (tỉnh Hà Tỉnh)…cho thấy: các loại giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh rất cao, năng suất cao.

Ông Đào Tấn Vinh, người dân ở HTX Hương Long cho biết: “Sau khi tôi đưa giống TC13 vào trồng trên diện tích 1 ha, năng suất cao gấp 2 lần, gạo thơm, dẻo, bán được giá. Nguyện vọng của chúng tôi là được gieo trồng đại trà giống lúa này trên cả tỉnh nhà”.

Ông Nguyễn Hữu Tấn, Chủ nhiệm HTX Kim Thành, Quảng Thành, Quảng Điền nói: “Nếu được lãnh đạo đồng ý, chúng tôi sẽ gieo trồng đại trà các giống lúa này trong các vụ sau”. 

 NGUYỄN PHƯƠNG

 

 Các bài viết khác:
 

Giàu lên nhờ nuôi ba ba

 

Thành công từ mô hình nuôi ba ba

 

Mô hình cơ quan hành chính kiểu mẫu

 

Giàu lên nhờ nấm