TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121476
Số người đang truy cập:
191


Văn hoá xã hội

Ẩm thực Cung đình Huế15/01/2009

Người Huế đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Cung đình để nó luôn đảm bảo chất lượng tốt, ổn định với sự tinh tuý, trang nhã, thanh cao, đầy sức cuốn hút.

Đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam

Nói đến ẩm thực xứ Huế, người ta thường nghĩ đến lối ăn cung đình – một phong cách ẩm thực được hình thành để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ. Có thể nói ẩm thực Cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam bởi nó luôn biểu hiện sự tinh tuý, cầu kì, trang nhã và thanh cao, đầy sức cuốn hút. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét, người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng. Đơn cử như các thứ rau, dưa thì được tỉa thành những bông hoa, rau muống ăn sống phải chẻ nhỏ như sợi bún, bánh đậu xanh được nặn thành hình trái cây với màu sắc như thật, hay như chả thịt lợn kết hợp với rau củ xếp thành hình công, phượng với tên gọi mỹ miều “nem công, chả phượng”.

 

Loại hình dịch vụ ẩm thực Cung đình Huế hay còn gọi Cơm vua là sản phẩm dịch vụ cao cấp đã được đưa vào phục vụ du khách đầu tiên tại Khách sạn Hương Giang (thuộc Công ty cổ phần Hương Giang) vào đầu năm 1990 và đến nay rất được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Dịch vụ ẩm thực Cung đình Huế là sự kết hợp tinh tế các yếu tố đặc sắc của văn hoá Cung đình Huế, đó là: không gian ẩm thực được kiến trúc và trang trí các hoa văn, hoạ tiết theo lối cung đình xưa. Các món ăn cung đình được chế biến công phu, tỉ mỉ theo các món ăn của Hoàng tộc. Chương trình ca-múa-nhạc Cung đình Huế được phục vụ trong suốt thời gian yến tiệc. Các thực khách tham gia dịch vụ này được nhập vai Vua, Hoàng hậu, các ông hoàng, bà chúa trong cung cấm, các vương tôn công tử hay sứ thần các nước và được khoác trên mình những bộ y phục cung đình. Bên cạnh đó, thực khách còn được phục vụ các nghi lễ cung đình xưa như Lễ Cung thỉnh – Cung tiễn, Lễ dâng ngự tửu, Lễ dâng ngự thiện,… và sự phục vụ của đoàn ngự đạo gồm Quan bộ lễ, Quan văn minh, Quan ngự hiển,…dưới lọng che của lính canh,…Trong các nhà hàng hay khách sạn hiện nay, những món ăn Cung đình thường được chế biến để phục vụ thực khách là Phượng hoàng khai vị; súp cua, nấm, hạt sen; bánh khoái, bánh bèo; cơm Hương Giang,…được làm từ những sản vật tươi ngon, giàu dinh dưỡng của đất Huế, đặc biệt là được trình bày rất đẹp và tinh xảo.

 

Với sự kết hợp tinh tế các yếu tố đặc sắc của văn hoá Cung đình Huế, dịch vụ ẩm thực cung đình là một trong những dịch vụ đem lại nhiều lợi nhuận nhất của ngành dịch vụ ăn uống trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, có không ít vấn đề đang được đặt ra cho dịch vụ này. Đó là chất lượng dịch vụ không đồng nhất, mỗi tổ chức, cơ sở kinh doanh lại tổ chức dịch vụ theo mỗi kiểu với giá cả khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố văn hoá cung đình gắn với dịch vụ. Điều này dẫn đến tình trạng dịch vụ chưa phản ánh đúng và đầy đủ giá trị văn hoá, chất lượng của một yến tiệc cung đình xưa. Hệ quả tất yếu là dịch vụ chưa thu hút nhiều du khách, và thu nhập từ dịch vụ này còn thấp.

 

Thương hiệu cho dịch vụ ẩm thực Cung đình

Du lịch đã được xác định là một chương trình mũi nhọn của tỉnh. Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay càng đòi hỏi các sản phẩm đặc trưng có chất lượng tốt, ổn định. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho dịch vụ ẩm thực cung đình là phải xây dựng được thương hiệu và không ngừng gia tăng giá trị trên thị trường, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Do vậy, việc xây dựng “Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế” cho dịch vụ ẩm thực cung đình của tỉnh Thừa Thiên Huế” là việc làm cần thiết và cấp bách. Mục tiêu của dự án là dịch vụ ẩm thực cung đình của tỉnh được cấp chứng nhận “Huế”, qua đó có được mô hình chuẩn cho việc tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế” cho dịch vụ ẩm thực cung đình của tỉnh nhằm nâng cao uy tín của dịch vụ này trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.  

Có rất nhiều lợi ích đem lại một khi dự án được triển khai thực hiện thành công. Hiệu quả đầu tiên là tạo cơ hội làm tăng giá trị nhãn hiệu chứng nhận “Huế” cho dịch vụ ẩm thực cung đình trên thị trường, tăng giá trị kinh tế – xã hội, thu nhập cho người lao động. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hoá Huế và nâng cao chất lượng của sản phẩm dịch vụ du lịch. Dự án thành công cũng sẽ phát huy quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu chứng nhận “Huế” cho dịch vụ ẩm thực cung đình của tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua việc tổ chức quản lý, quảng bá và khai thác giá trị của nhãn hiệu chứng nhận. Hệ thống các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ từ đó cũng phát triển, góp phần phát triển ngành du lịch địa phương.  

Ảnh và bài: Ngọc Hà        

 Các tin khác:
 

Nón Huế10/09/2008

 

Người mang cái tâm về với cội nguồn10/09/2008

 

Nguyễn Đình Chiểu, người Chiến sĩ trung kiên – Nhà Văn hoá lớn22/08/2008