Công trình: Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất thuốc mỡ tra mắt và kem bôi da chứa hoạt chất mangiferin chiết xuất từ lá xoài dùng để điều trị bệnh do virus Herpe Simplex gây ra ở da và ở mắt.
Tác giả: Phan Thị Minh Tâm và các đồng tác giả, Công ty Dược TW Huế.
Công trình đã tạo ra được sản phẩm (thuốc mỡ tra mắt Mangiferin 2% và kem bôi da Mangiferin 3%) từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước, thay thế được một phần thuốc ngoại nhập, tạo thế chủ động trong sản xuất và cung ứng thuốc cho nhu cầu chữa bệnh mắt và da do nhiễm virus Herpes Simplex. Sản phẩm có giá hợp lý, hiệu quả điều trị tương đương thuốc ngoại nhập. Công trình còn góp phần khai thác dây chuyền sản xuất thuốc điều trị theo tiêu chuẩn GMP – ASEAN của công ty, làm phong phú, đa dạng hoá sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong và ngoài công ty.
Kết quả thử lâm sàng tại Viện mắt TW, Bệnh viện TW Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Huế đều đạt hiệu quả tương đương với thuốc mỡ tra mắt Acyclovir 3% cả về thời gian lành bệnh, mức độ tăng thị lực sau điều trị và không thấy xuất hiện tác dụng phụ.
Công trình: Nghiên cứu chế tạo biến tử thu phát sóng siêu âm cho máy kiểm tra tim thai HP-50XM
Tác giả: Trương Văn Chương, Hoàng Quốc Khánh, khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Huế.
Từ việc nghiên cứu nguyên lý hoạt động của máy thăm dò tim thai HP-50XM, các tác giả đã xác định được các yêu cầu của biến tử siêu âm dùng cho thiết bị này. Đây là các biến tử kép phát siêu âm tần số 998,6kHz và thu tín hiệu siêu âm doppler trong giải tần từ 200 đến 300kHz.
Từ nghiên cứu cơ bản trên mẫu gốm của máy HP-50XM các tác giả đã xác định được bộ các thông số vật lý cơ bản của chúng. Trên cơ sở đó các tác giả đã dự toán đúng nhóm vật liệu gốm áp điện cần phải nghiên cứu chế tạo.
Các tác giả đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhóm vật liệu áp điện mềm PZT 52/48 pha tạp (Nd, La) có tính chất hoàn hảo và bền vững, thích hợp để chế tạo các biến tử thu phát sóng siêu âm dùng trong y học chẩn đoán.
Kết quả nghiên cứu đã được thử nghiệm thay thế cho biến tử siêu âm trong máy siêu âm theo dõi tim thai nhi HP-50XM đã được sử dụng tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung ương Huế. q
Đề tài: Đánh giá kết quả bước đầu áp dụng kỹ thuật thay khớp gối toàn phần tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Huế
Tác giả: Lê Nghi Thành Nhân và các đồng tác giả, Trường Đại học Y khoa Huế.
Ở Việt Nam, kỹ thuật thay khớp gối toàn phần đã được triển khai áp dụng ở một số cơ sở y tế song chưa mang tính rộng rãi. Ở khu vực miền Trung, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Huế là đơn vị đầu tiên triển khai áp dụng kỹ thuật này.
Tính đến tháng 10 năm 2004, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Huế đã triển khai trên 07 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh nhân đã lớn tuổi. Sau phẫu thuật tình trạng phục hồi của bệnh nhân tốt. Ngoài việc giảm chi phí điều trị và giúp bệnh nhân tự chăm sóc cho bản thân, công trình còn có thể giúp phục hồi một số hoạt động thể lực nhẹ nên giảm được các nguy cơ béo phì và mắc phải các bệnh lý khác do giảm hoạt động gây ra như đái đường, bệnh lý tim mạch… Đặc biệt, đối với các bệnh nhân trẻ thì có thể quay trở lại tham gia lao động sớm nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc.
Công trình: Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất pháp lam phục chế phục vụ tu bổ di tích Huế
Tác giả: Nguyễn Nhân Đức, Lê Ngọc Kính, Bộ môn Dược, Trường Đại học Y khoa Huế.
Các tác giả đã nghiên cứu quá trình sản xuất pháp lam để phục vụ phục chế tu bổ di tích Huế bằng các vật liệu sẵn có ở địa phương và trong nước tạo ra sản phẩm pháp lam đủ tiêu chuẩn để phục chế di tích.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả đã sản xuất các sản phẩm phục vụ cho các dự án tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như phục chế các con giống ở tháp Phước Duyên, Chùa Thiên Mụ…
Công trình: Nghiên cứu lập danh mục làng xã từ Quảng Bình đến Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử
Tác giả: Trần Đại Vinh, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Trong thời gian 2 năm, tác giả đã nghiên cứu và xác lập một danh mục tên làng xã, tỉnh, huyện, phủ trên 5 tỉnh và 1 thành phố, bao gồm sự thiết lập các địa hạt hành chính từ thuở các vương triều Trần, Hồ, Lê đến nay.
Công trình gồm 2 phần. Phần 1: Khảo luận về tên làng xã từ Quảng Bình đến Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử. Phần này đề cập đến lịch sử mở mang vùng Thuận Quảng, phân thiết địa hạt hành chính thời trung đại thế kỷ XX, cách đặt tên làng và biến đổi tên làng trong vùng. Phần 2 là các danh mục làng xã từ Quảng Bình đến Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Danh mục làng xã từ Quảng Bình đến Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử là tài liệu quý cho các ngành địa chính, địa lý, lịch sử, văn hoá.
|