TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121458
Số người đang truy cập:
172


ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI
Người thầy thuốc nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học, người cán bộ hội hết lòng vì công việc

Đó là những dòng tóm tắt ngắn gọn về “lý lịch trích ngang” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sinh ra trên đất Nghệ An, lớn lên, học tập, vào nghề, nghiên cứu sinh tại thủ đô Hà Nội, làm việc một tời gian tại Thái Nguyên, trưởng thành và cống hiến trên quê hương Thừa Thiên Huế, thực tập sinh tại Vương quốc Hà lan, đã từng học tập, tham dự hội nghị khoa học cấp vùng, quốc gia, quốc tế ở 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đó là những dòng tóm tắt ngắn gọn về “lý lịch trích ngang” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là Thầy thuốc Nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học, người cán bộ hội hết lòng vì công việc.

Người thầy thuốc nhân dân

     Sau ngày đất nước được thống nhất, ông đã được Bộ Y tế điều động vào công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, được phân công phụ trách bộ phận Huyết học Truyền máu (HHTM). Từ một bộ phận chuyên ngành nhỏ bé chỉ phục vụ trong phạm vi Bệnh viện Trung ương Huế với số lượng cán bộ công nhân viên ít ỏi và phương tiện thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, ông đã cùng lãnh đạo bệnh viện chèo lái, xây dựng bộ phận HHTM thành khoa, rồi thành Trung tâm HHTM đảm đương nhiệm vụ trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Thành tích nổi bật của Trung tâm là đã phát triển được nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh về máu cho khu vực miền Trung. Trong đó có Trung tâm Tư vấn điều trị bệnh máu khó đông (Hemophilia) trong mạng lưới điều trị toàn cầu được quốc tế công nhận.

     Đặc biệt, Trung tâm là đơn vị thứ hai trong toàn quốc thực hiện thành công kỹ thuật ghép tủy (2003); Thành quả đáng ghi nhận là đã vận động, phát triển phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế, từ miền xuôi đến miền ngược, từ sinh viên đến cán bộ công chức, viên chức trong các lực lượng vũ trang: công an, bộ đội biên phòng, từ người dân bình thường đến người tu hành…Phong trào HMTN ở Thừa Thiên Huế đã trở thành một trong những điểm sáng về HMTN trong toàn quốc và lan tỏa ra khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Điểm nhấn quan trọng là Trung tâm đã không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày càng tăng về số lượng và trình độ chuyên môn. Trang thiết bị ngày càng hiện đại. Trung tâm đã trở thành một trong bốn trung tâm HHTM lớn trong toàn quốc.

     Hiện nay, Trung tâm đang triển khai thực hiện dự án xây dựng mới cơ sở vật chất từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới 8,3 triệu USD (khoảng 133 tỷ đồng). Đó là kết quả của sự phấn đấu bền bỉ, không biết mệt mỏi, của một tập thể gắn bó, đoàn kết nhất trí. Nhưng công đầu thuộc về ông và đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Trung tâm, cùng với lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế.

     Nhà giáo hết lòng vì sinh viên

     Ngoài nhiệm vụ chuyên môn ở Bệnh viện Trung ương Huế, ông còn kiêm nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn HHTM Trường Đại học Y khoa Huế (nay là Trường Đại học Y Dược Huế). Trên cương vị giảng dạy, ông đã góp phần quan trọng đào tạo biết bao thế hệ bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành cho Thừa Thiên Huế, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh vùng Nam Bộ. Niềm vui thật lớn đối với ông là nhiều người có ông tham gia đào tạo đã trở thành cán bộ chuyên môn giỏi, cán bộ chủ chốt của nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và cơ quan quản lý nhà nước về y tế các cấp trong khu vực.

     Có thể nói hầu hết các bác sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa I, chuyên khoa II, tiến sỹ…phụ trách các khoa HHTM tuyến tỉnh, các trường đào tạo ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, một số tỉnh Nam bộ đều được ông đào tạo tại Trung tâm HHTM Huế.

     Ông còn tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm để biên soạn nhiều sách, giáo trình phục vụ dạy và học. Hai đầu sách chuyên khảo và giáo trình lớn về HHTM do ông biên soạn đã được xuất bản, sử dụng trên phạm vi toàn quốc, là những tài liệu quý giá dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực HHTM. Ông còn xuất bản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hàng chục cuốn sách chuyên khảo, hướng dẫn giảng dạy, tập huấn đào tạo lại về an toàn truyền máu, về cầm máu huyết khối, vè bệnh lý lơxêmi, về kỹ thuật…cho các bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên…

     Nhà khoa học say mê nghiên cứu

     Nói về hoạt động nghiên cứu khoa học, ông là người có lòng say mê nghiên cứu khoa học phục vụ chữa bệnh về máu và công tác giảng dạy. Rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở đã được ông thực hiện, chủ trì thực hiện hoặc tham gia phối hợp thực hiện. Ông đã tham gia cùng nhiều GS.TS. nghiên cứu thành công bốn đề tài cấp Nhà nước, trong đó có đề tài “Điều tra cơ bản một số chỉ tiêu sinh học người Việt Nam”. Ông đã lặn lội lên huyện vùng cao A Lưới – một vùng đất đã bị Mỹ rải chất độc hóa học trong thời kỳ chiến tranh để tham gia thực hiện một đề tài nhánh cấp Nhà nước “Nghiên cứu hậu quả của các chất diệt cỏ và rụng lá tại A Lưới, Bình Trị Thiên” do Ủy ban 10-80 chủ trì và cố GS. Hoàng Đình Cầu và Lê Cao Đài làm chủ nhiệm. Ông đã tham gia đề tài “Nghiên cứu các biến đổi về mặt di truyền miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao” do PGS.TS. Nguyễn Văn Tường làm chủ nhiệm.

     Ông đã chủ trì một số đề tài cấp Bộ như “Nghiên cứu một số hằng số sinh học người Việt Nam tại khu vực Huế”, tham gia nghiên cứu đề tài “Định nhóm kháng nguyên tiểu cầu ở người dân tộc Kinh, Việt Nam”. Ông đã chủ trì hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó có trên 60 đề tài đã được đăng tải trên các tạp chí và được báo cáo tại hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Các công trình nghiên cứu của ông đã tiếp cận hầu hết các vấn đề thuộc các chuyên ngành HHTM cùng các chuyên ngành khác phục vụ đắc lực cho công tác chữa bệnh cho nhân dân.

     Nhiều tổ chức quốc tế đã biết ông và mời ông tham gia thành viên quốc tế, thành viên của các hiệp hội Hoa Kỳ, tham gia chủ trì các hội nghị khoa học quốc tế…

      Người cán bộ hội hết lòng vì công việc

     Là người đứng đầu Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) kể từ năm 2003 đến nay, ông là người đã góp phần quan trọng làm cho Liên hiệp hội được củng cố tổ chức, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động. Liên hiệp hội đã và đang có những hoạt động có ý nghĩa xã hội đáng ghi nhận, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá là tổ chức đã khẳng định và phát huy được vai trò, vị trí của mình. Đối với Liên hiệp hội, ông không quản ngại vất vả, đôi lúc phải khiêm nhường để vận động, tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với Liên hiệp hội. Ông là người đã đoàn kết, phát huy khả năng, lòng nhiệt tình công tác hội của các ủy viên Thường vụ Liên hiệp hội và cán bộ các hội thành viên. Ông là người đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn vì công việc chung. 

     Ngoài ra, ông là người đã và đang đảm nhiệm nhiều chức danh trong các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp như ủy viên UBMTTQVN, ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội HHTM Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội các bệnh đông máu di truyền Việt Nam, nguyên ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,…

     Trong lĩnh vực nào cũng vậy, ở cương vị nào cũng vậy, từ công tác quản lý, giảng dạy, điều trị, nghiên cứu khoa học đến công tác đoàn thể…ông luôn luôn tận tâm, tận lực, tận trí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sức khoẻ nhân dân, Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ, Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy hiệu Vì sự nghiệp phát triển các hội khoa học kỹ thuật, Bằng Lao động sáng tạo, huy hiệu Người tốt việc tốt, nhiều Bằng khen…là sự ghi nhận công lao, cống hiến của ông cho ngành HHTM nói riêng, ngành y tế và toàn xã hội nói chung.

 Các bài viết khác:
 

Đổi đời từ trang trại chăn nuôi

 

Hai tiến sĩ trẻ làm luận án nơi trời Tây

 

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường – Người lập kỷ lục hai bằng Tiến sĩ Nhà nước Pháp ở tuổi 22

 

Trần Nhân Tông

 

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn – nhà Khoa học, nhà Văn hóa lớn