TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121472
Số người đang truy cập:
187


Số 5 – Quý I – 2005

Đất nước, con người

Dấu ấn những năm Dậu trong cuộc đời của Bác Hồ

Năm Kỷ Dậu – 1909: Những ngày tháng cuối cùng của Người ở Huế, bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao bởi Người “có những hoạt động chống Pháp”. Đầu năm này, Người tìm đường vào Nam. Tháng 9 năm 1909, Người theo học chữ Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch) ở Qui Nhơn. Năm sau (1910), Người trở thành thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, Phan Thiết.

Năm Tân Dậu – 1921: Đầu năm này, “Nguyễn Ái Quốc trở thành người Cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam” (Danh nhân Hồ Chí Minh). Năm 1921, Người tiếp tục sống và hoạt động ở Pháp. Tháng 2 – 1921, Người bác bỏ ý kiến của An-be Xarô – Bộ trưởng Bộ thuộc địa cho rằng chưa có thể để Đông Dương độc lập. Người nói: “Nếu nước Pháp trả lại quyền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy là chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy” (Danh nhân HCM). Tháng 4 và 5, Người công bố trên báo La Revue Communiste 2 bài báo cùng tên là Đông Dương vạch rõ: “Người Đông Dương mặc dù bị thực dân Pháp ra sức đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, nhưng, không, người Đông Dương không thể chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi…”. Người xúc tiến việc thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và được cử vào Ban Chấp hành, Ủy viên thường trực của Ban Chấp hành Hội. Cuối năm 1921, Người dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng cộng sản Pháp với tư cách là đại biểu chính thức. Người nói: “…Tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự Đại hội đầu tiên của những người cộng sản…Tôi cũng phải nói đó là dấu hiệu tốt…Chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản người ta mới tìm thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng…” (Danh nhân HCM). Tại đại hội, Người đã đọc “Dự án nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và thuộc địa”.

Năm Quý Dậu – 1933: Cuối năm 1932, được sự giúp đỡ của ông bà Lôdơbai và ông Tômát Xautôn, Người lên tàu đi Hạ Môn. Ngày 25 – 1 năm Quí Dậu 1933, Người đến Hạ Môn. Tháng 7 – 1933, Người đáp tàu thủy đi Thượng Hải. Ở Thượng Hải, Người tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Năm sau, từ Thượng Hải, Người đi Liên Xô và được nhận vào học ở trường Quốc tế Lênin năm học 1934 – 1935.

Năm Ất Dậu – 1945: Đầu năm này, Người cho xuất bản cuốn “Phép dùng binh của Tôn Tử”. Tháng 4 – 1945, Người tìm cách chấn chỉnh tổ chức Việt Nam cách mệnh đồng minh hội. Đầu tháng 5, bắt đầu cuộc hành trình dời Pác Bó về Tân Trào, tiến hành họp và bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Đây là thời gian Người hoạt động với một cường độ cao nhất. Ngày 4 – 6, Người ra chỉ thị thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang đặt tên là Quân giải phóng. Với quân Nhật lúc này, Người chỉ thị: “Chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói”. Người khẳng định với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết dành cho được độc lập” (Biên niên tiểu sử – T2). Ngày 12 – 8, Người hội ý cấp tốc với Ban Thường vụ Trung ương, đi tới quyết định khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 13 – 8, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào và nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Một Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ban hành Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 16 và 17 – 8, Người tham dự Đại hội Tân Trào và đọc lời tuyên thệ: “…ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước…”. Khởi nghĩa thành công, Người nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”…Ngày 22 – 8, Người rời Tân Trào về Hà Nội, chiều 23 – 8, Người bước chân lên tầng hai ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Ngày 26 – 8, Người chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập và định ngày ra mắt quốc dân đồng bào. Ngày 28 – 8, công bố danh sách Chính phủ lâm thời. Ngày 2 – 9 – 1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Người đọc bản Tuyên Ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những ngày tháng tiếp theo, Người có nhiều hoạt động đưa nước Cộng hòa non trẻ vượt qua những cơn phong ba bão táp, chống thù trong, giặc ngoài, chống giặc đói, giặc dốt…Đặc biệt, Người đã chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Đây là một năm Dậu đầy dấu ấn đặc biệt của Người.

Năm Đinh Dậu – 1957: Ngày 16 – 5, trong Hội nghị chỉnh huấn cán bộ trung cao cấp của Quân đội, Người khuyên “Cán bộ phải học tập, phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh để cho mình tiến bộ và làm gương cho chiến sĩ”. Người phê bình chủ nghĩa cá nhân là “Tư tưởng mẹ”, nó đẻ ra những tư tưởng xấu như công thần, kiêu ngạo, địa vị, lãng phí…Trung tuần tháng 6 – 1957, lần đầu tiên Người về thăm quê hương Nghệ An sau mấy chục năm xa cách. Người xúc động đọc mấy câu thơ: “Chúng ta đoàn kết một nhà/ Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu/ Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Năm Kỷ Dậu – 1969: Ngày 3 – 2, nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Người viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đăng báo Nhân dân số 5409. Cuối tháng 8, sức khỏe Người xấu đi nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Khi tỉnh, Người hỏi thăm tình hình miền Nam, và muốn nghe một khúc dân ca, quan tâm đến Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, tình hình lũ lụt…

Ngày 1 – 9, Người rất mệt. Sáng 2 – 9, bệnh tình Người trầm trọng. Tập thể thầy thuốc, nhân viên phục vụ, Đảng và Nhà nước đã tập trung mọi khả năng, phương tiện để cứu chữa, nhưng…9 giờ 47 phút ngày 2 – 9 – 1969, Người đã vĩnh biệt chúng ta để về với thế giới người hiền. Không có nỗi đau thương, mất mát nào lớn hơn thế nữa…

Tài liệu tham khảo:

1. Danh nhân Hồ Chí Minh.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,5,6.

3. Hồi ký “Đầu nguồn” của nhiều tác giả.

Khánh Yên

 Các bài viết khác:
 

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa – 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu:

Chọn số:

Chọn chuyên mục: