TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121470
Số người đang truy cập:
187


Số 5 – Quý I – 2005

Sự kiện

Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế:

Mùa xuân không thể nào quên

Mùa xuân năm 1975, mùa xuân đại thắng, mùa xuân không thể nào quên.

Dấu ấn không thể nào quên đầu tiên có thể nói đó chính là Nghị quyết của Bộ chính trị: “Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976” và phương án vô cùng quan trọng: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Trong niềm vui và niềm tin đó, Khu ủy Trị – Thiên Huế nhận được nhiệm vụ trong năm 1975 là: “Đánh bại về cơ bản kế hoạch “bình định” của địch, tạo ra ở Trị – Thiên Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho năm 1976, giải phóng hoàn toàn Trị – Thiên Huế”. Đây là mệnh lệnh tạo nên tâm thế và sắc diện mới cho quân và dân Trị – Thiên Huế. Tháng 12 – 1974, Khu ủy Trị – Thiên Huế tiến hành hội nghị bàn kế hoạch và chủ trương “Đẩy mạnh tiến công toàn diện trên cả ba vùng, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, phá hẳn thế phân tuyến, phân vùng, đánh bại cơ bản kế hoạch “bình định” của địch…Nếu có thời cơ thì tận dụng một cách có hiệu quả nhất, giành thắng lợi nhảy vọt”.

Về nhiệm vụ quân sự, Quân Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: “Tập trung toàn bộ lực lượng, tranh thủ thời cơ thuận lợi của năm 1975, đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại cơ bản kế hoạch “bình định” của chúng…sẵn sàng chớp thời cơ, tiến lên giành thắng lợi, kể cả giải phóng Huế…”. Những tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975, ở chiến trường Thừa Thiên – Huế, thế và lực của cách mạng đã có sự phát triển mới, không khí cách mạng như nóng lên từng ngày, từng giờ. Đặc biệt là không khí chuẩn bị cho cuộc tấn công nổi dậy năm 1975. Ngày 10/2/1975, Quân ủy Trung ương phê chuẩn Kế hoạch tác chiến phối hợp thống nhất của Quân khu Trị – Thiên và Quân đoàn 2 và xác định rõ mục tiêu là: “Tiêu diệt, làm tan rã địch, đánh bại cơ bản kế hoạch bình định của chúng, giải phóng và giành quyền làm chủ 50% dân số đồng bằng, chia cắt chiến lược và cải thiện thế chiến lược để đưa tình hình phát triển thuận lợi cho ta, tạo điều kiện giành thắng lợi cho năm sau”. Thời gian này, Đảng ủy Mặt trận Trị – Thiên Huế được thành lập, ông Lê Tự Đồng được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Đồng thời, hai bộ phận: Sở chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy cơ bản cũng được hình thành. Kế hoạch cho chiến dịch xuân – hè 1975 cũng được Đảng ủy Mặt trận nhất trí thông qua và Bộ Tổng tư lệnh phê duyệt vào cuối tháng 2 năm 1975.

Mở màn đợt 1 chiến dịch xuân – hè từ ngày 5 đến ngày 7/3, D21 bộ binh giao thông Huế – Đà Nẵng, C25 đặc công đánh sập cầu An Lỗ cắt tuyến chi viện của địch từ Huế ra tuyến phía bắc. Pháo binh ta bắn dồn dập vào các mục tiêu ở ấp 5, Đồng Lâm. Lực lượng vũ trang các huyện bí mật ém quân về cơ sở vùng sâu nông thôn, đồng bằng, chuẩn bị hậu cần tại chỗ và vận chuyển trên 59.424 kg hàng quân nhu và hàng quân giới về tận cơ sở. Sáng 8/3, hướng chủ yếu của chiến dịch Tây – Nam Huế, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu và Quân đoàn 2 nhất loạt nổ súng tiến công địch ở đường 14. Sư đoàn 324 tiến công mãnh liệt ở khu vực Mỏ Tàu, điểm cao 303, 201, 136, 139, sân bay Phú Bài, Trung tâm huấn luyện Đống Đa, khống chế toàn bộ đồng bằng phía nam Huế, đặc biệt là quốc lộ 1 – con đường giao thông chiến lược Huế – Đà Nẵng. Ở phía Bắc Huế, vào 17 giờ ngày 8/3/1975, E16 và E223 pháo binh đã yểm trợ cho D2 thuộc E4 bộ binh tiến công căn cứ Phổ Lại (Phong Sơn) diệt 530 tên thuộc tiểu đoàn bảo an địch, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 6 xe quân sự và 3 khẩu pháo, tạo điều kiện cho D1 luồn sâu vào đồng bằng tập kích đánh chiếm các vị trí Trung Kiều, Sơn Hổ và Sơn Tùng, diệt 170 tên, bắn cháy 9 xe tăng, 1 máy bay, hỗ trợ tích cực cho quần chúng nổi dậy phá bình định, giành quyền làm chủ. Bắt đầu từ đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nổi dậy khắp nơi, bất ngờ đồng loạt tiến công địch. Ta liên tục tấn công và thu được nhiều thắng lợi quan trọng tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà…Trong sự hốt hoảng, địch huy động một lực lượng lớn phản kích quyết liệt. Thế nhưng, chiến thắng vang dội ở Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột được giải phóng ngày 11/3…đã cổ vũ, tạo thế, tạo đà cho quân dân Trị – Thiên. Ngày 14/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân Khu ủy họp dưới sự chủ tọa của Thiếu tướng Lê Tự Đồng để rút kinh nghiệm đợt 1 và khẳng định: “…Phải khẩn trương và mạnh bạo tiến công giành thắng lợi ở đồng bằng, bao vây cô lập Huế…”.  Quyết tâm đã nhanh chóng được truyền về cơ sở động viên quân và dân tiếp tục bước vào cuộc tiến công và nổi dậy đợt 2 của chiến dịch xuân – hè 1975. Đêm 18 rạng ngày 19/3, ở hướng bắc, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công. 6 giờ sáng ta nổ súng tấn công toàn Quảng Trị. Tư lệnh quân đoàn 1 ngụy Ngô Quang Trưởng ra lệnh tử thủ Huế – Đà Nẵng. Hắn huyênh hoang: “Tôi sẽ chết trên đường phố Huế. Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế”.  Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng cam kết sẽ bảo vệ Huế cho đến người cuối cùng.

Thế nhưng, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, quân và dân Thừa Thiên Huế đã bước vào đợt hai chiến dịch trên tinh thần quyết chiến, quyết thắng. 5 giờ sáng 21/3/1975, sư 324 và 325 đồng loạt nổ súng mở màn chiến dịch Huế – Đà Nẵng. Chiều 21/3, sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta đập tan tuyến phòng ngự của địch ở phía tây đường số 1 từ Lương Điền đến Phú Lộc mở cửa cho Quân đoàn 2 nhanh chóng tràn xuống đồng bằng. Ngày 22/3, ta cắt đứt hoàn toàn đường giao thông chiến lược Huế – Đà Nẵng. Quân địch hoảng loạn đến cực độ. Sáng 23/3, ta tiến công sân bay Phú Bài, Tây Lộc và Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ở Mang Cá, đánh chiếm cửa Thuận An, làm chủ Mũi Né và khu vực bắc đèo Hải Vân, uy hiếp Phú Thứ và làm chủ nhiều vùng đất quan trọng khác. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, lá cờ Giải phóng đã được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn được giải phóng.

Cho đến hôm nay, dù đã trọn 30 năm trôi qua, nhưng trong ta vẫn còn trọn vẹn nỗi niềm vui mừng xúc động:  “Ôi buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Chiến thắng đã về ta/ (…) Cho chúng con giữa vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già”. Vâng, đó chính là những phút giây xúc động nhất của những người con xứ Huế trong mùa xuân không thể nào quên.

Tài liệu tham khảo:

2. Việt Nam Những sự kiện lịch sử 1945 – 1975. NXB Giáo dục

Nguyễn Xuân

1. Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 1999.

 Các bài viết khác:
 

Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế:

 

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Chọn số:

Chọn chuyên mục: