TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121474
Số người đang truy cập:
188


Số 4 – Quý IV – 2004

Diễn đàn

Thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật vì sự phát triển kinh tế – xã hội

Thưa các đồng chí và các bạn !
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ năm 2004 và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II (2004 – 2005) là hoạt động lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế – xã hội của tỉnh. Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 13 (Khoá XII) đã dành thời gian để bàn về chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Tại Lễ phát động hôm nay, đồng chí Hồ Xuân Mãn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã đến dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo và còn tặng 20 triệu đồng để làm giải thưởng. Ngoài ra, còn có nhiều đồng chí cán bộ Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến dự lễ. Điều đó đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo tỉnh đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ, sáng tạo kỹ thuật vì sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí và các bạn!
Phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chính thức được Nhà nước ta phát động vào ngày 11 tháng 3 năm 1959 (ngày ban hành Chỉ thị số 105/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến, phát minh của quần chúng). Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để các cấp, các ngành tổ chức, lãnh đạo phong trào. Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về khoa học và công nghệ đã đề ra 8 giải pháp chủ yếu trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp “phát động phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và công nghệ” để phát triển khoa học – công nghệ.
Từ đó phong trào sáng tạo khoa học, sáng tạo kỹ thuật đã phát triển trong phạm vi cả nước. Nhiều ngành, nhiều địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, cá nhân đã có cách làm hay, đạt được những kết quả to lớn. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều nhân tố trong các tầng lớp trí thức, công nhân, viên chức, nông dân…đã và đang nhiệt tình, hăng say nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Tiêu biểu như anh Nguyễn Đức Tâm (một nông dân tỉnh Lâm Đồng) đã cải tiến máy cắt cỏ thành máy cắt lúa, anh Bùi Hữu Nghĩa (Long An) đã nghiên cứu và sản xuất hàng loạt máy gặt đập liên hợp, ông Nguyễn Cẩm Luỹ (Đồng Tháp) đã thành công trong nâng cao, chống nghiêng, chống lún, di chuyển an toàn 200 công trình xây dựng lớn nhỏ, anh Nguyễn Văn Thanh (TP Hồ Chí Minh) đã dốc hết tiền túi ra để nghiên cứu thành công xốp chống cháy…
Ở tỉnh ta, để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về khoa học và công nghệ, Tỉnh uỷ đã có Chương trình hành động số 03 CTHĐ/TU ngày 20/5/1997. Trong đó nhấn mạnh “phát động phong trào sáng tạo kỹ thuật của quần chúng, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt sản xuất và đời sống, có chính sách động viên khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào này”. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh, nhiều năm qua, phong trào sáng tạo khoa học, sáng tạo kỹ thuật cũng đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Riêng Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ I năm 2003 đã có 25 công trình khoa học và giải pháp kỹ thuật trong các lĩnh vực y học, công nghiệp, thuỷ sản, nông nghiệp – nông thôn, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường…dự thi. Trong đó 17 tác giả, nhóm tác giả được trao giải. Tiêu biểu là PGS. TS. Bùi Đức Phú với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật điều trị bệnh tim bẩm sinh và mắc phải”, kỹ sư Dương Bá Khánh và các cộng sự với đề tài “Giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm frit – Huế”, thầy giáo Tôn Thất Hiệp với giải pháp “Sáng chế dụng cụ vẽ đường Parabol liên tục”, kỹ sư Võ Thị Tuyết Hồng và các cộng sự ở Sở thuỷ sản Thừa Thiên Huế với đề tài “Thử nghiệm nuôi vẹm xanh tại đầm Lăng Cô”, kỹ sư Trần Thuyên và các cộng sự ở Công ty Vật tư Nông nghiệp Thừa Thiên Huế với đề tài “Sản xuất phân bón hỗn hợp NPK trên nền than bùn hoạt hoá ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế”, kỹ sư Dương Công Vĩnh và các cộng sự ở Công ty Gạch men sứ Thừa Thiên Huế với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh để thay thế feldpar trong sản xuất gạch men sứ”…Đặc biệt, PGS. TS. Bùi Đức Phú đoạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2003 và thầy giáo Tôn Thất Hiệp đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc lần thứ VII (2002 – 2003).
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo tỉnh tôi yêu cầu các cấp, các ngành phải luôn coi ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của ngành và địa phương mình. Cần dành kinh phí, sự quan tâm thoả đáng, tạo điều kiện cho mọi tập thể, cá nhân phát huy khả năng sáng tạo khoa học – kỹ thuật, ứng dụng khoa học – công nghệ vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao sự phát triển của từng ngành, từng địa phương và toàn tỉnh.
Tôi tha thiết kêu gọi các nhà khoa học và mọi tầng lớp nhân dân hãy thể hiện một cách xứng đáng bản lĩnh, kiến thức của mình, đóng góp ngày càng nhiều và có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển khoa học – kỹ thuật nói riêng, sự phát triển về mọi mặt nói chung của tỉnh. Sớm đưa tỉnh nhà từng bước vươn lên giữ vai trò trung tâm vùng về một số lĩnh vực có tiềm năng và điều kiện phát triển, cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng vươn lên đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tại buổi lễ phát động này, một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo tỉnh tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân bằng nỗ lực của mình hăng hái hưởng ứng và tích cực tham gia Giải thưởng và Hội thi với những hình thức thích hợp. Nhân đây, tôi cũng đề nghị thủ trưởng các cấp, các ngành, các đơn vị tích cực tạo điều kiện hỗ trợ, động viên về tinh thần, vật chất cho các tác giả nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Tôi tin rằng, với truyền thống tốt đẹp của quê hương Thừa Thiên Huế, với kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong Hội thi Khoa học kỹ thuật lần thứ I, Giải thưởng và Hội thi lần này sẽ diễn ra một cách tốt đẹp, đem lại kết quả cao hơn, sẽ có nhiều đề tài khoa học, giải pháp kỹ thuật có giá trị được đưa vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả về nhiều mặt, làm cho khoa học kỹ thuật thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh tôi xin tuyên bố chính thức phát động Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ năm 2004 và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II (2004-2005).
Chúc Giải thưởng và Hội thi thành công tốt đẹp.

Đ/c Ngô Hòa, PCT UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

 Các bài viết khác:
 

Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón và seraphin

 

Gắn nghiên cứu khoa học với trùng tu di tích

 

Công đoàn với phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo

 

Tuổi trẻ với sáng tạo khoa học kỹ thuật

 

Thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật vì sự phát triển kinh tế – xã hội

Chọn số:

Chọn chuyên mục: