TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121468
Số người đang truy cập:
187


Số 4 – Quý IV – 2004

Diễn đàn

Gắn nghiên cứu khoa học với trùng tu di tích

Nghệ thuật trang trí pháp lam là một trong những niềm tự hào của nền kiến trúc cung đình Huế. Nó là một trong những tiêu điểm của vẻ đẹp rực rỡ, lộng lẫy, sang trọng, gây ấn tượng mạnh trên lăng tẩm, đền đài, cung điện…

Từ hơn 170 năm trước (năm 1833) pháp lam Huế được dùng phổ biến để trang trí ngoại thất. Đến nay, ta còn thấy những dấu tích pháp lam trên phường môn, nghi môn, trên đỉnh nóc, bờ quyết, đầu hồi, cổng…điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh…Đó là những bức tranh, những tác phẩm tạo hình tuyệt tác, trang nhã, gợi cảm và sinh động với những đồ án long vân, lưỡng long triều nhật, bầu thái cực long vân ngũ sắc, những bát bửu, tứ quý, hoa lá, chim chóc…

Không chỉ được dùng để trang trí ngoại thất, pháp lam còn được dùng để trang trí nội thất, đồ ngự dụng và tế ngự. Đó là những bức hoành phi, những mâm ngũ quả, những lư hương, cơi trầu, bình rượu…dành cho nhà vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu, giới quý tộc, quan lại triều Nguyễn. Nay, chúng đã trở thành những cổ vật rất quý giá của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.

Bên cạnh một số bức pháp lam, đồ trang trí còn giữ được màu sắc tươi tắn, men còn bám chắc trên cốt đồng, thì hầu hết pháp lam Huế đã bị hư hỏng, mất mát, thay đổi nhiều, nhất là pháp lam dùng trang trí ngoại thất. Có nơi được thay bằng tôn, vẽ bằng sơn không còn giữ được nét đẹp nguyên gốc. Nguyên nhân là do thời gian, thời tiết khắc nghiệt, dầm mưa dãi nắng, chiến tranh tàn phá và việc trùng tu, cải tạo, sửa chữa vội vàng.

Do nghề làm pháp lam đã thất truyền từ rất lâu nên việc trùng tu, tôn tạo các công trình văn hoá cổ gặp phải rất nhiều khó khăn. Một số hạng mục chưa thể khôi phục được. Một bài toán hóc búa được đặt ra cho những người làm công tác quản lý di tích. Mua pháp lam của Trung Quốc hay là phải phát huy nội lực, tổ chức nghiên cứu phục hồi pháp lam Huế? Đã có những chuyến đi Trung Quốc khảo sát thị trường. Mua thì dễ, nhu cầu về chủng loại, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật được đáp ứng với giá cả phù hợp. Nhưng đi mua thì ắt phải tốn ngoại tệ, phải phụ thuộc vào nước ngoài. Điều quan trọng làm nhiều người trăn trở là nếu đi mua thì nghề làm pháp lam vốn nổi tiếng ở xứ thần kinh xưa sẽ không bao giờ có cơ hội được phục hồi. Cũng đã có người nghĩ đến việc hợp tác, thuê mướn chuyên gia nước ngoài. Cuối cùng, giữa nhà khoa học và nhà quản lý đã gặp nhau, cùng thống nhất ý chí quyết tâm phát huy nội lực. Thế là một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Nghiên cứu công nghệ sản xuất pháp lam phục chế phục vụ tu bổ di tích Huế” được đưa vào kế hoạch khoa học công nghệ của tỉnh năm 2002. Sau 12 tháng thực hiện, đề tài được nghiệm thu và được đánh giá xếp loại khá. Kết quả của đề tài là đã xác định được sự hình thành và phát triển của pháp lam Huế, đi sâu nghiên cứu các loại men pháp lam. Qua đó, đã xác định được thành phần men, phương pháp pha chế men, phương pháp chế tác và xử lý bề mặt cốt đồng, phương pháp tráng men trên đồng, thiết kế buồng gia nhiệt…

Trên cơ sở phát huy kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã mạnh dạn đặt hàng cho nhóm nghiên cứu thực hiện ngay dự án “Sản xuất thử nghiệm pháp lam phục chế phục vụ tu bổ di tích Huế”.

Mục tiêu của dự án là hoàn thành quy trình sản xuất pháp lam phục chế; hoàn thiện thiết bị sản xuất; sản xuất được các loại pháp lam phục chế trang trí ngoại thất đạt tiêu chuẩn tu bổ di tích.

Sau sáu tháng thực hiện khẩn trương, có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học địa phương gồm Đại học Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đưa đến kết quả thành công bước đầu. Các tác giả đã thiết lập và ổn định quy trình pha chế men màu các loại, đặc biệt là men màu tía, quy trình chế tác đồng, xử lý bề mặt cốt đồng, quy trình phun tráng men (sơn), cải tiến lò nung, xác định được thời gian nung, nhiệt độ nung…

Tuy chưa có tiêu chuẩn nhà nước để đánh giá pháp lam, nhưng những sản phẩm pháp lam vừa xuất xưởng qua thử nghiệm cho kết quả đáng phấn khởi. Lớp men phủ trên pháp lam không những bền trong dung dịch a xít H2SO4 10% mà còn bền trong dung dịch NaOH 10%, độ chịu mài mòn cao, bền dưới tác dụng của tia tử ngoại, nhiệt độ…Các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn đánh giá cao về những điểm tương đương của pháp lam phục chế so với pháp lam cổ về kỹ thuật, mỹ thuật. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đặc biệt chú ý, khen ngợi và đánh giá cao thành công phục chế pháp lam khi xem gian trưng bày pháp lam phục chế tại festival Huế 2004.

Để đưa được phám lam phục chế lên di tích vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết phải có ý kiến của hội đồng khoa học chuyên ngành. Nhưng những kết quả đã đạt được cũng đủ chứng minh hiệu quả của mô hình gắn kết trực tiếp giữa người làm công tác khoa học với cơ sở tiếp nhận, sử dụng kết quả nghiên cứu.

Nguyễn Văn Quế

 Các bài viết khác:
 

Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón và seraphin

 

Thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật vì sự phát triển kinh tế – xã hội

 

Công đoàn với phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo

 

Tuổi trẻ với sáng tạo khoa học kỹ thuật

 

Thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật vì sự phát triển kinh tế – xã hội

Chọn số:

Chọn chuyên mục: