Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong ca dao kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954)
Bộ đội cụ Hồ hiện lên trong ca dao kháng chiến chống Pháp (1946-1954) hết sức sinh động, cụ thể, với vẻ đẹp bình dị, nhưng cũng có lúc rất lãng mãn, hào hoa.
Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong công tác, trong quan hệ với dân, với lãnh tụ được ca dao kháng chiến phản ánh giản dị, dễ thương:
“Lính cụ Hồ đủ mọi nghề
Hết đi tác chiến lại về chỉnh quân.
Học hành, luyện tập thật chăm
Đoàn kết giúp dỡ nhân dân thật nhiều.
Cụ Hồ dân kính, dân yêu
Mà anh bộ đội dân chiều, dân thương.
Cụ Hồ có vạn đàn con
Đúng anh bộ đội là con cụ Hồ”.
Trong chiến đấu, tinh thần dũng cảm vô song, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí chiến thắng của “Bộ đội cụ Hồ” được ca dao kháng chiến mô tả:
“Thắng Tây chớ cậy xác dài
Chúng tao người nhỏ, nhưng dai hơn mày.
Thằng Tây chới cậy béo quay
Mày thức hai bữa là mày bở hơi.
Chúng tao thức bốn đêm rồi
Ăn cháo bao bữa, chạy mười chín cây.
Bây giờ mới gặp mày đây
Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao”.
Chiến thắng sông Lô của “Bộ đội cụ Hồ” với bài ca dao mà lời thơ thật giản dị, nhưng sảng khoái và hào hùng biết bao:
“Ai qua phố phủ Đoan Hùng
hẳn rằng còn nhớ voi gầm sông Lô
Rừng xanh khối lửa mịt mù
Nước sông đỏ máu quân thù chưa phai.
Luyện quân voi luyện rất tài
Lập công voi xé một vài ca nô.
Dòng sông nước đục lờ đờ
Bên kia bãi cát nấm mồ thực dân”.
Tình cảm quân dân là tình cảm cá nước. “Bộ đội cụ Hồ” hiện lên rất hiền dịu, đôn hậu, nhưng rất vĩ đại:
“Lính cụ Hồ như lúa mùa chiêm
Lanh như cắt biếc, dịu hiền bồ câu.
Bấy lâu chẳng thấy đâu đâu
Đồn rằng ăn sắn, ăn rau trên rừng.
Giờ đây vô số quá chừng
Súng mang, tay bắt mặt mừng bà con”.
“Bộ đội cụ Hồ” là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đùm bọc, thương yêu, nhường cơm, sẻ áo, dành cho người chiến sĩ cách mạng những gì ngon ngọt nhất:
“Ra công trồng một vườn cà
Cà đem muối mắm cả nhà ăn chung.
Vịt gà nuôi béo nhốt lồng
Chờ anh bộ đội lập công trở về”.
Những người yêu, người vợ của các anh là những con người đôn hậu, thuỷ chung, là nguồn sức mạnh động viên các anh chiến thắng kẻ thù:
“Anh đi gìn giữ nước non
Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ.
Anh đi ra lính cụ Hồ
Con sông, con hói, con đò đưa anh”.
“Bộ đội cụ Hồ” ra đi chiến đấu, có người vĩnh viễn không trở về. Những người đã trở về thì nhiều người không còn nguyên vẹn, song tình cảm của người lính và những người thân vẫn còn nguyên vẹn:
“Chồng em vì nước hy sinh
Cánh tay mất nửa, mối tình còn nguyên”.
Chiến tranh chống Pháp đã đi qua đến nay đã hơn nửa thế kỷ. “Bộ đội cụ Hồ” đã đi vào lịch sử dân tộc.
Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” mà ca dao kháng chiến chống pháp tạo nên, mãi mãi sống trong văn thơ hiện đại Việt Nam, trong lòng nhân dân Việt Nam anh hùng.
Văn Học
|