(Trích bài phát biểu tại ĐHMTTQVN tỉnh lần thứ VI)
Tôi nhất trí với phần đánh giá về lực lượng trí thức và văn nghệ sĩ trong Báo cáo của Đại hội: “Với lợi thế trung tâm đào tạo của khu vực và cả nước, lực lượng trí thức Thừa Thiên Huế được bổ sung nhanh về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng. Tuyệt đại bộ phận trí thức Thừa Thiên Huế giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, có ý thức chính trị cao, có nhu cầu tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ mới, tâm huyết với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh. Cùng với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong những năm qua lực lượng trí thức Thừa Thiên Huế có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà”.
…Trong thập niên qua, đặc biệt là giai đoạn 1997 – 2003, giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (khoá VIII) và Chương trình hành động số 03/CTHĐ/TU của Tỉnh ủy, khoa học công nghệ và khoa học xã hội – nhân văn tác động rõ rệt vào sự phát triển của tỉnh nhà.Trong nông nghiệp, chương trình giống quốc gia đã đưa tỷ lệ giống lúa cấp I từ 32% lên trên 50% tổng diện tích, đưa năng suất lên 45,6 tạ/ha/vụ, tăng bình quân 5 tạ/ha. Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào chương trình phát triển cây công nghiệp (cà phê, cao su, sắn cao sản, cây ăn quả), nhân giống đàn bò chất lượng cao, nạc hoá đàn lợn, phát triển đàn gia cầm năng suất cao…
Lĩnh vực thuỷ sản có các hoạt động chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong việc nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, sử dụng máy định vị vệ tinh trong việc đánh bắt xa bờ, thí điểm nuôi ngọc trai, vẹm xanh, ốc hương…đang mở ra nhiều triển vọng.Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, chúng ta đã quan tâm phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Đã sản xuất được các phần mềm ứng dụng, lắp ráp hàng ngàn máy tính, sản xuất được men frit, gốm điện tử…Các lĩnh vực dệt may, cơ điện, khoáng sản, bia, nước khoáng cũng có nhiều khởi sắc.
Về lĩnh vực y tế chuyên sâu, các thành tựu về mổ tim hở, ghép thận, ghép tuỷ xương, phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương chỉnh hình, tiêu hoá gan mật, thăm dò chức năng, ứng dụng các kỹ thuật cao và tiếp nhận các dự án của Bệnh viện Trung ương Huế đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của một trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về quần thể di tích Cố đô Huế, về văn hoá cung đình, văn nghệ dân gian, ca Huế, tuồng Huế, múa cung đình, đặc biệt là Nhã nhạc…
Với 2 di sản văn hoá được UNESCO công nhận là di sản văn hoá Thế giới và sự thành công rực rỡ Festival Huế 2004 đã tạo cho Huế một vóc dáng mới, một tinh thần mới, một phong cách mới, sự hấp dẫn mới và thật sự độc đáo “chẳng nơi nào có được” như nhận xét của bạn bè đến Huế.Những thành tựu đáng tự hào trên có công sức, trí tuệ của lực lượng khoa học công nghệ của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn. Trong đó có lực lượng thuộc ĐH Huế, BVTW Huế, các sở, ban, ngành, sự tham gia hưởng ứng của nhân dân dưới E E sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã và đang có những bước đi thích hợp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Một số hoạt động chính là:Củng cố và xây dựng tổ chức Liên hiệp hội và các Hội thành viên.
Đã duy trì được nề nếp sinh hoạt, thành lập các ban chuyên môn, xây dựng đề án thành lập “Trung tâm tư vấn và phát triển KHCN”. Trung tâm sẽ làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các chương trình, đề tài, dự án khoa học. Liên hiệp hội đã tăng cường củng cố các hội thành viên và vận động các hội như Hội Luật gia, hội Kế toán, hội KHKT xây dựng…tham gia vào Liên hiệp hội.
Năm 2003, Liên hiệp hội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCSHCM tỉnh tổ chức hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ I. Có 25 công trình khoa học và giải pháp kỹ thuật dự thi trong đó có 01 công trình khoa học và 01 giải pháp kỹ thuật đoạt giải Ba toàn quốc. Liên hiệp hội đã và đang chuẩn bị hành trang cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trước hết là tập hợp đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực, tập huấn nghiệp vụ, đề xuất để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 700/QĐ-UBND về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội.
Liên hiệp hội đã tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa. Tiêu biểu là phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu “Ký ức Điện Biên”, tham gia các hội thảo, hội nghị về xoá đói giảm nghèo, xây dựng tượng đài Quang Trung, dự án trên Sông Hương, đê chắn xói lở bờ biển, tham công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, cấp học bổng cho học sinh nghèo và dân tộc miền núi…
Để gắn kết các lực lượng khoa học của Đại học Huế và địa phương trong việc chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cuộc sống, Liên hiệp hội đã xây dựng và ký kết qui chế phối hợp hoạt động khoa học kỹ thuật với Đại học Huế. Với mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, Liên hiệp hội đã tiến hành xuất bản được 2 số bản tin dưới tên gọi Thông tin Khoa học và kỹ thuật định kỳ 3 tháng 1 số với chất lượng tương đối tốt, được dư luận đồng tình và khích lệ.
Ngoài ra, Liên hiệp hội còn tích cực tập hợp lực lượng để xây dựng thuyết minh đề tài, dự án tham gia tuyển chọn thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tìm kiếm nguồn tài trợ bên ngoài. Liên hiệp hội đã liên kết để tạo quan hệ với Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, các Liên hiệp hội các tỉnh thành phố như Hà Nội, tp HCM, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Cần Thơ…
Việc làm sống lại và phát huy vai trò của Liên hiệp hội còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, cần được quan tâm từ nhiều phía. Nhân Đại hội này chúng tôi xin nói lên nguyện vọng của Liên hiệp hội.Một là, về tổ chức, Chỉ thị 45 CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính Trị đã xác định: Liên hiệp hội là tổ chức chính trị – xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam cùng với các đoàn thể chính trị – xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc CNH – HĐH đất nước…”. Mong muốn của Liên hiệp hội là được nhìn nhận một cách thoả đáng, được đặt đúng vị trí trong hệ thống chính trị, được đưa vào danh sách các đoàn thể, các hội, các tổ chức được tham dự các hội nghị triển khai Nghị quyết của Đảng, chính quyền địa phương, được mời tham gia các công việc kể cả triển khai chiến lược khoa học công nghệ, có vị trí trong các Hội đồng khoa học của tỉnh…Hai là, trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh, UBND tỉnh nên giao trực tiếp một số đề tài khoa học cho các cơ quan khoa học của địa phương, các trường đại học trên đại bàn tỉnh thực hiện. Như thế vừa tạo điều kiện để trí thức địa phương được đóng góp, được rèn luyện nâng cao trình độ và có thêm các nguồn thu nhập chính đáng.
Ba là, đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức một Hội nghị chuyên đề sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 45 của Bộ chính trị (khoá VIII) về “đẩy mạnh hoạt động của LH các HKHKT Việt nam”, sơ kết thực hiện Chỉ thị 14 và QĐ 22 của Thủ tướng Chính Phủ. Cụ thể hoá các văn bản pháp lý của Nhà nước về Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật thành cơ chế, chính sách của địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp hội và các hội khoa học thành viên thực hiện tốt vai trò chính trị – xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TT- Huế
|