TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121475
Số người đang truy cập:
190


Tin Khoa học Công nghệ

Sản xuất phân bón từ bèo tây, rơm rạ13/01/2010

Dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bèo tây, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường huyện Hương Thủy” dù mới được triển khai hơn nửa năm nhưng đã thu hút được sự quan tâm của chính quyền và người dân địa phương bởi những hữu ích không nhỏ.

Nằm ở vùng thấp trũng của hạ lưu sông Hương, hàng năm, tại Hương Thủy, có hàng trăm tấn bèo lục bình (bèo tây) trôi về và phát triển mạnh gây nghẽn dòng chảy, đặc biệt là ở các xã Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Châu và Thủy Lương. Lượng bèo tây ước tính hàng năm lên đến 100.000 m2 và tổng lượng bèo tại các xã là 1.000 tấn. Do lượng bèo quá lớn, huyện đã phải trích hàng trăm triệu đồng/năm để hỗ trợ các xã thu gom, khơi thông dòng chảy trước mỗi mùa vụ. Không chỉ phải đối phó với vấn nạn bèo tây, một nguồn “rác” nữa mà chính quyền và người dân nơi đây chưa tìm được hướng giải quyết, đó là lượng rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch lên đến 30.000 tấn. Chỉ một phần rơm, rạ trong số đó được người dân thu gom để làm thức ăn gia súc, phần lớn còn lại không được tận dụng, rơi vãi xuống sông, hói hoặc được đem đốt gây phát sinh khói, bụi, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường và sức khỏe.

Sự ra đời của dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bèo tây, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế”, do đó, là rất cần thiết bởi nó sẽ tận dụng được nguồn bèo tây ở các sông hói và nguồn rơm hàng năm để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời tiết kiệm được một khoản kinh phí khá lớn từ ngân sách huyện, tỉnh và làm lưu thông dòng chảy, giảm ô nhiễm môi trường”, ThS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và kiểm định, kiểm nghiệm Thừa Thiên Huế khẳng định.

Với 2 mục tiêu cụ thể là xây dựng được mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp; có được quy trình kỹ thuật xử lý bèo tây, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác làm phân bón hữu cơ vi sinh phù hợp với điều kiện địa phương, bắt đầu từ tháng 6-2009, dự án được triển khai tại 20 hộ thuộc 4 xã: Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Lương, Thủy Châu (Hương Thủy). Trong đó, xã Thủy Vân 2 hộ, xã Thủy Thanh 10 hộ, xã Thủy Châu 4 hộ và xã Thủy Lương 4 hộ. Trung tâm Chuyển giao công nghệ và kiểm định, kiểm nghiệm cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh và kỹ thật trồng lúa và hoa bằng phân hữu cơ vi sinh cho 90 hộ dân thuộc 4 xã. 2 hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng hoa và lúa tại xã Thủy Vân và Thủy Thanh cũng được chọn để triển khai mô hình thử nghiệm trồng lúa và hoa bằng phân hữu cơ vi sinh nhằm xây dựng một quy trình chăm sóc hoa và lúa phù hợp với kinh nghiệm, điều kiện thời tiết, đất đai tại địa phương.

Sau khi được đơn vị chủ trì dự án tập huấn kỹ thuật và cung cấp chế phẩm sinh học, dụng cụ…, các hộ dân trực tiếp thực hiện dự án đã thu gom bèo tây, rơm rạ về trộn với chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo mô hình từ giữa tháng 7-2009. “Đến nay hầu hết các hộ đã nắm được kỹ thuật và triển khai sản xuất cho kết quả đạt yêu cầu”, ThS Trần Tuấn, Chủ nhiệm dự án cho biết. “Trong khi phương pháp truyền thống phải mất 4-6 tháng tháng sử dụng công nghệ này chỉ mất 40-50 ngày. Đây chính là ưu điểm của việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu bèo tây, rơm rạ bằng phương pháp phân hủy sinh học, bởi nó vừa nhanh vừa rất dễ làm, ít tốn kém và đặc biệt có thể áp dụng rộng rãi trong điều kiện sản xuất của người dân địa phương”. Kết quả kiểm nghiệm cũng đã cho thấy, chất lượng sản phẩm phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ bèo tây, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác theo quy trình kỹ thuật của Viện Công nghệ sinh học không những đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp mà còn có giá trị về chất lượng sản phẩm cao hơn so với các phân hữu cơ vi sinh cùng loại.

Từ thành công của mô hình thí điểm này, sắp tới huyện Hương Thủy dự định sẽ bỏ tiền ra mua chế phẩm sinh học hỗ trợ cho người dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Các kết quả và quy trình công nghệ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khuyến nông, các hợp tác xã và nông dân trên địa bàn huyện. Một hội thảo nhằm giới thiệu hiệu quả kinh tế và xây dựng các phương án nhân rộng mô hình cho khoảng 80-100 hộ gia đình cũng đã được huyện tính đến. Bên cạnh đó, dự án cũng đang mở ra khả năng nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trong và ngoài tỉnh nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường cho vùng nông thôn.

  • Phân hữu cơ vi sinh vật đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay vì những lợi ích trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, 1 tấn phân vi sinh có thể thay thế cho 10 tấn phân chuồng, 1 kg đạm vi sinh thay thế cho 1 kg đạm urê. Bón phân vi sinh làm cho cây khỏe hơn, sinh trưởng nhanh hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, năng suất cây trồng tăng từ 25-30%.
  • Dự án có tổng kinh phí thực hiện 137 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học của huyện Hương Thủy là 111 triệu đồng và vốn đối ứng của dân là 26 triệu đồng. Dự án được thực hiện trong thời gian 1 năm (từ tháng 6-2009 đến tháng 5-2010), do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và kiểm định, kiểm nghiệm Thừa Thiên Huế chủ trì, Viện Công nghệ sinh học, Viện KHCN Việt Nam chuyển giao công nghệ.

Thanh Vân

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế số 4697 ngày 05/01/2010

 Các tin khác:
 

Thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Trung ương Huế: Những trái ngọt đầu mùa07/01/2010

 

Đêm nay có “trăng xanh”31/12/2009

 

Dự án GISHue: Đã gần về đích03/08/2009

 

Chế tạo thành công gel GLC10/07/2009

 

Thiết bị siêu âm “made in Việt Nam”05/04/2009

 

Ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư bằng thực phẩm03/03/2009

 

Giống lúa vượt lũ15/01/2009

 

Thành công trong nhân giống hoa cúc ở Phú Mậu12/12/2008

 

Tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường11/10/2008