TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121472
Số người đang truy cập:
186


Số 3 – Quý III – 2004

Khoa học kỹ thuật và cuộc sống

Hiệu quả của đề tài khoa học đoạt giải ba Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2003

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật điều trị bệnh tim bẩm sinh và mắc phải” vừa được trao tặng giải Ba, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2003. Đề tài do PGS. TS. Bùi Đức Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì thực hiện. Xuất phát điểm của đề tài là ở khu vực miền Trung nghèo khó, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, người bệnh lại càng khó khăn hơn. Những người bị bệnh tim cần phải giải phẫu khó có điều kiện để ra Hà Nội hoặc vào thành phố Hồ Chí Minh giải phẫu với chi phí đi lại, lưu trú và phẫu thuật quá cao. Vì vậy số bệnh nhân mắc bệnh tim bị tử vong ngày càng tăng. Từ đòi hỏi cấp thiết nói trên, tháng 4 năm 1999, với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, PGS. TS. Bùi Đức Phú và các cộng sự đã tiến hành mổ tim với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (THNCT).
Cũng thời gian đó, ở Việt Nam, chỉ có 2 nơi là Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Viện Tim (TP HCM) có sử dụng hệ thống THNCT. Còn ở miền Trung, vùng có đến 15 triệu dân thì chưa có nơi nào triển khai mổ tim với hệ thống THNCT. Việc thực hiện đề tài này ở một bệnh viện đa khoa như Bệnh viện TW Huế, trong điều kiện ban đầu còn nhiều khó khăn về vốn, vật tư kỹ thuật, quả là việc làm tưởng như quá sức tưởng tượng. Thế nhưng, PGS. TS. Bùi Đức Phú đã dày công thực hiện và đặt ra mục tiêu nghiên cứu là xây dựng quy trình vận hành và ứng dụng những kỹ thuật mới trong THNCT để làm ngừng tim và sửa chữa những tổn thương trong tim; nghiên cứu những rối loạn, tai biến và biến chứng do chạy THNCT gây ra; nghiên cứu tổ chức quản lý, điều hành nhằm giảm bớt chi phí phẫu thuật.
Kết quả, ngay trong thời gian nghiên cứu đã ứng dụng THNCT để phẫu thuật tim thành công cho 100 bệnh nhân, không có tử vong do THNCT. Đến nay, nhờ tích luỹ được kinh nghiệm, lại được tăng cường hỗ trợ các trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện TW Huế đã tiếp tục áp dụng kỹ thuật THNCT để phẫu thuật tim thành công cho tổng số 1000 bệnh nhân.
Đây là bước tiến khá xa về khoa học kỹ thuật giải phẫu tim trong khu vực miền Trung và cả nước, mang lại hiệu kinh tế xã hội rõ rệt.
Về phương diện khoa học, đây là lần đầu tiên việc vận hành THNCT được hệ thống hoá các quy trình thiết lập và vận hành, các thông số kỹ thuật được chuẩn hoá, đảm bảo sự an toàn trong quá trình ngừng tim phổi để phẫu thuật. Một số kỹ thuật mới như liệt tim bằng máu, liệt tim ngược dòng, kỹ thuật pha loãng máu, kỹ thuật pomp on – off, truyền máu tự thân, kỹ thuật cô đặc máu đã áp dụng để làm giảm lượng máu sử dụng và giảm các biến chứng gây ra do THNCT. Thực hiện đề tài đã tinh giảm quy trình THNCT để vận hành có hiệu quả trong điều kiện lúc ban đầu còn hạn chế về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Xây dựng thành công mô hình mổ tim hở có THNCT trong bệnh viện đa khoa.
Về kinh tế, mỗi ca mổ tim có sử dụng THNCT ở Bệnh viện TW Huế đã giảm được 10 triệu đồng, xuống mức chỉ còn 14 – 16 triệu đồng. Với 1000 ca đã thực hiện được thì xã hội giảm được 10 tỷ đồng.
Thành công của việc ứng dụng THNCT để phẫu thuật tim ở Bệnh viện TW Huế là một trong số những tiền đề quan trọng để tổ chức Đông Tây hội ngộ (Hoa Kỳ) tài trợ 3,8 triệu USD để xây dựng Trung tâm Tim mạch hiện đại với 200 giường, 4 phòng mổ tại Bệnh viện TW Huế. Dự án đang được triển khai thực hiện. Thành công này cũng mở ra khả năng làm chủ kỹ thuật hồi sức tim mạch và gây mê phẫu thuật, triển khai kỹ thuật cao khác như ghép thận thành công (10 ca) ở Bệnh viện TW Huế. Tương lai còn có thể tiến hành kỹ thuật ghép gan tại đây.
Cũng từ đây, uy tín của đội ngũ chuyên môn được nâng cao. Một số bệnh viện như Bệnh viện 115 thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân đội 103 mời chuyển giao kỹ thuật THNCT.
Cái được lớn hơn là người bị bệnh tim ở miền Trung và các địa phương khác trong nước, nhất là những bệnh nhân nghèo, có thêm một địa chỉ tin cậy để được điều trị bệnh, chăm sóc sức khoẻ.

PGS. TS. Bùi Đức Phú, PGĐ Bệnh viện TW.Huế

 Các bài viết khác:
 

Người sáng chế dụng cụ vẽ đường Parabol liên tục

Chọn số:

Chọn chuyên mục: