Vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi ào xuống bãi biển Thuận An để tắm biển, tắm nắng, tắm gió. Vui thật là vui. Nhưng ngay ngày hôm sau ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi, ê hề. Riêng tôi, mấy ngày sau khi đi biển về, da bị bỏng rát, lớp da mỏng ngoài cùng bị tróc lên từng mảng mỗi khi kỳ cọ, tắm rửa. Nguyên nhân là do tắm quá nhiều, 3 lần trong khoảng thời gian từ 8h đến 15h dưới nắng gắt. Đó là hậu quả tai hại của việc tắm nắng không đúng cách. Ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn gây bệnh, làm tăng độ miễn dịch của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng, tạo ra vitamin D cần thiết cho sự phát triển hệ xương (nếu thiếu nó trẻ em sẽ bị còi xương), nhưng nó cũng có tác hại cho sức khoẻ của con người, nhất là đối với da, mắt… Đối với da, nhất là những vùng phải chịu tác động trực tiếp của bức xạ mặt trời như mặt, cổ, có thể bị u ác tính, nhất là u nhiễm sắc tố gọi là u hắc tố hay u mêlanin rất nguy hiểm. Nguyên nhân là do khi chiếu vào lớp sâu của da, bức xạ mặt trời (có tia tử ngoại) làm thay đổi các mô liên kết, dẫn đến việc xuất hiện những nếp nhăn và làm cho da chóng già. Đối với mắt, ánh nắng mặt trời có thể gây bệnh đục thuỷ tinh thể ở những người đứng tuổi dẫn đến mù mắt. Một tác hại nữa của ánh nắng mặt trời là gây nên cảm nắng, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vậy khi đi chơi biển tắm nắng hay khi phải làm việc dưới trời nắng nên thực hiện những lời khuyên sau đây: Một là, cần tắm nắng dần dần. Lần đầu, mỗi ngày chỉ nên tắm nắng 10 – 15 phút, sau tăng dần lên, đến 20 – 30 phút để hắc tố mêlanin tạo lập dần trên bề mặt da làm hàng rào bảo vệ. Còn tuỳ thuộc vào làn da để quyết định thời gian phơi nắng. Da càng sáng thì thời gian phơi nắng càng ít lại. Phụ nữ có thai, người bị bệnh lao và tim mạch, trẻ em cần cẩn thận khi đi biển tắm nắng. Hai là, không nên phơi nắng quá mức, không phơi nắng vào những giờ tia nắng có cường độ tia cực tím cao. Vào khoảng thời gian từ 9h – 16h chỉ nên tắm nắng với thời lượng rất hạn chế. Không tắm nắng vào buổi trưa từ 11h30 -13h30. Vào thời gian đó ánh nắng với cường độ tia tử ngoại cao nhất sẽ rất nguy hiểm. Lúc nắng gắt chỉ nên phơi mình trong tia nắng phản xạ dưới bóng râm của dù hay tán cây. Nên nhớ rằng bãi cát có khả năng phản xạ 17 – 20% tia nắng, nước biển cũng phản xạ 5% tia nắng. Ba là, nên sử dụng kem chống nắng khi tắm nắng. Kem chống nắng có thể chống lại được tia tử ngoại tác động vào da. Chỉ số bảo vệ của kem cho biết giá trị chống nắng của từng loại kem. Về mặc lý thuyết, chỉ số chống nắng 2 chống lại được 50% tia tử ngoại, chỉ số 20 chống lại được 94%, chỉ số 60 chống lại được 98% tia tử ngoại. Tuy nhiên, cần lưu ý là kem chống nắng không phải là tất cả. Có công trình nghiên cứu cho thấy, kem chống nắng chỉ bảo vệ da không bị đen cháy, tăng khả năng chịu nắng và giảm nguy cơ bị cảm nắng chứ không hoàn toàn ngăn ngừa được tác động của tia cực tím lên ADN gây ung thư da. Để tránh bị đục thuỷ tinh thể cần phải đeo kính che nắng. Khi tắm nắng quá mức bị bỏng da, bạn có thể bôi nước hoa hoặc sữa chua lên chỗ bỏng. Trường hợp bị nặng, có thể uống analgin hoặc aspirine.
Quốc Việt (Theo các báo trong nước)
|