Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo tin học CITA (Trung tâm) là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, được thành lập ngày 14 tháng 4 năm 1996. Quá trình gần tám năm hoạt động, Trung tâm đã từng bước khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức khoa học, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, phổ biến kiến thức tin học cho xã hội, tham gia nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước.
Đa dạng hoá loại hình đào tạo
Vào thời điểm năm 1996, khi trên địa bàn thành phố Huế đang nở rộ các trung tâm tin học, Trung tâm đã chọn cho mình một hướng đi đúng: đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Bằng hình thức liên kết với các trường đại học, Trung tâm đã mở ra các loại hình đào tạo phù hợp như chương trình lập trình viên hệ trung cấp, chương trình trung cấp tin học, trung cấp kế toán – tin, chứng chỉ tin học A, B theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Sự ra đời của trung tâm đã giảm bớt sự quá tải của các trung tâm tin học ở các trường, đáp ứng nhu cầu học tập tin học của học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu học tin học ngoài xã hội. Kết quả đạt được trong các năm từ 1996 đến 2002, Trung tâm đã đào tạo 1328 học viên ra trường với chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong đó có 386 học viên tin học ngắn ngày, 729 học viên trình độ tin học A, B, 213 học viên kỹ thuật viên tin học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức thi nghề cho 727 học sinh THCS và PTTH.
Để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên của Trung tâm đã biên soạn 6 giáo trình có giá trị như Sửa chữa máy tính, Tin học căn bản, MS Word, MS Excel, Làm quen với Internet, Ms Access sát với phân phối chương trình và trình độ người học.
Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Song song với hoạt động đào tạo nâng cao trình độ tin học, Trung tâm còn chú trọng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ dạy học và công tác quản lý bằng những hoạt động cụ thể như tổ chức hội thảo, chuyển giao phần mềm…
Trung tâm là đơn vị có công trong việc chuyển giao lần đầu tiên mạng dạy học Winschool vào nhà trường ở Thừa Thiên Huế. Khởi đầu là năm 1998 Trung tâm phối hợp với công ty SCC thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về mạng dạy học Winschool. Ngay sau cuộc hội thảo, Trung tâm đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ mạng dạy học Winschool với trường PTTH bán công Nguyễn Trường Tộ để phục vụ giảng dạy học tập các môn tin học, lý học, hoá học, ngoại ngữ và một số môn học khác.
Tiếp đến là Trung tâm phối hợp với công ty Scitec thành phố Hồ Chí Minh đưa chương trình thí điểm dạy tin học theo phương pháp học mà chơi, chơi mà học trên máy tính cho học sinh bậc tiểu học. Học sinh tham gia lớp học này còn được tham gia triển lãm tranh trên máy tính. Triển lãm được phòng Giáo dục thành phố Huế và hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế dự và phát thưởng. Nhờ đó mà 3 học sinh tiểu học đã đoạt được 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích trong kỳ thi Tin học không chuyên toàn quốc lứa tuổi học sinh tiểu học.
Trung tâm còn cung cấp thiết bị, cài đặt phần cứng, phần mềm cho vài chục đơn vị trên địa bàn tỉnh như xí nghiệp In Chuyên dùng Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế, UBND huyện Phong Điền, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trường Đại học Nghệ thuật Huế, trường CĐSP Huế, Văn phòng UBND thành phố Huế…
Tăng cường tiềm lực
Công tác tăng cường tiềm lực cũng được Trung tâm chú trọng. Trước hết là tăng cường tiềm lực đội ngũ giáo viên. Trung tâm đã liên kết với các đơn vị như trường Đại học sư phạm Huế, trường CĐSP Huế, trường PTTH Hai Bà Trưng, trường PTTH Quốc học Huế, Trung tâm Dạy nghề và Hướng nghiệp Huế, trung tâm Huế Aptech, trung tâm phát triển phần mềm Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Kinh tế Huế để hợp đồng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cử nhân đến thạc sỹ đảm nhiệm việc giảng dạy. Bên cạnh đó, trung tâm đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Qua ba lần đầu tư nâng cấp, tăng số lượng, thay đổi cấu hình máy tính, Trung tâm đã đưa số lượng máy tính từ 22 máy loại AT 486DX2 (năm 1996) lên 40 máy loại PII 533Mhz nối mạng Novell Netware ở thời điểm hiện nay. Nâng trị giá tài sản từ 250 triệu đồng (năm 1996) lên 510 triệu đồng (năm 2002).
Nhờ đoàn kết, năng động, sáng tạo, Trung tâm đã đứng vững trong cơ chế thị trường và tự lập hoàn toàn trong lúc nhiều trung tâm tin học trên địa bàn ngừng hoạt động. Bí quyết để có được sự thành công của Trung tâm là phát huy nội lực cùng với sự phối hợp, hợp tác, liên kết chặt chẽ với các trường đại học, các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Sắp tới để duy trì hoạt động và phát triển, Trung tâm chủ trương tăng cường thực hiện ba chương trình trọng điểm. Một là tiếp tục thực hiện đa dạng hoá loại hình đào tạo, cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo. Hai là tăng cường hơn nữa đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá và đồng bộ. Ba là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Bùi Hữu Lập – Giám đốc Trung tâm CITA
|