TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121469
Số người đang truy cập:
186


Số 2 – Quý II năm 2004

Đất nước, con người

Sự nghiệp của Đặng Tất, Đặng Dung với vùng đất Thuận Hoá trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh đầu thế kỷ XV

Sự nghiệp của hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung (quê Hà Tĩnh) gắn liền với vùng đất Thuận Hoá – Quảng Nam ngay từ khi nhà Trần mở cõi về phương Nam.

Lê Quý Đôn đã viết: Nhân tài đời nào là không có, đất Thuận Hoá ở thời nhuận Hồ có cha con Đặng Tất vì tài tướng văn tướng võ mà nổi danh (1).

Vào thời Trần, Đặng Tất được cử làm Hữu châu phán Hoá châu (2)(1391).

Khi nhà Hồ lên thay nhà Trần (1400), Đặng Tất được Hồ Quý Ly giao làm Đại tri châu Hoá, nắm toàn quyền quyết định vùng đất này.

Tháng 6 năm 1407, cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ bị thất bại. Lợi dụng tình hình đó, quân Chămpa nổi dậy đánh chiếm lộ Thăng Hoa (Quảng Nam) rồi uy hiếp Hoá châu. Ở phía Bắc, quân Minh cũng đã cho quân vào đánh Hoá châu. Trước tình hình đó, Đặng Tất phải dùng kế sách trá hàng quân Minh để lo đối phó với quân Chămpa. Tướng nhà Minh là Trương Phụ giao cho Đặng Tất giữ chức Đại tri châu châu Hoá. Nhờ đó, Đặng Tất cùng quân dân Hoá châu đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Chămpa, ổn định được biên giới phía Nam, rồi dồn sức chăm lo xây dựng lực lượng khởi nghĩa để chống giặc Minh.

Nghe tin cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi – con vua Trần Nghệ Tông (ở ngôi từ năm 1370 – 1372) được lực lượng yêu nước của Trần Triệu Cơ tôn làm minh chủ (ngày 1.11.1407) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh – Đặng Tất cho quân tiến đánh các căn cứ của quân Minh và giết bọn quan lại của chúng ở vùng Hoá châu rồi đem quân ra Nghệ An hợp sức với Trần Ngỗi. Đặng Tất được Trần Ngỗi phong làm Quốc công và ông đã gả con gái là Đặng Thị Thuý Hạnh cho Trần Ngỗi để khẳng định sự cố kết và niềm tin trong lực lượng lãnh đạo chống quân Minh. An phủ sứ lộ Thăng Hoa (Quảng Nam) là Nguyễn Cảnh Chân vốn là bạn thân tín của Đặng Tất cũng đưa quân ra hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi. Các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh khác cũng dần dần quy phục nhà Trần làm cho lực lượng chống Minh lớn mạnh nhanh chóng.

Theo đề nghị của Đặng Tất, Trần Ngỗi cho quân đánh chiếm vùng Nghệ An để làm căn cứ, nhưng sau đó bị quân Minh tấn công, lực lượng nghĩa quân phải rút vào Hoá Châu.

Sau khi củng cố lực lượng, tháng 5-1408, Đặng Tất từ Hoá Châu cho quân ra đánh chiếm Nghệ An, tháng 7 năm 1408, đánh chiếm Tân Bình (Quảng Bình). Nhân thế thắng, Trần Ngỗi ra lệnh cho Đặng Tất mở cuộc tấn công ra Bắc tiêu diệt giặc Minh. Khi quân qua các xứ: Trường Yên, Phúc Thành, các quan thuộc và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Tất chọn người có tài đều bổ cho quan chức(3).

Nghĩa quân liên tiếp mở các cuộc tấn công tiêu diệt các đồn địch. Khắp nơi nổi dậy hưởng ứng tham gia. Thanh thế cuộc khởi nghĩa vang dậy khắp nơi (4).

Trước sự lớn mạnh và sự tấn công như vũ bão của nghĩa quân, vua Minh phải cho viện binh sang cứu nguy. Cuối năm 1408, bốn vạn quân do Mộc Thạnh chỉ huy hợp lực với quân thuỷ bộ của Lữ Nghị tập trung ở bến đò Bô Cô (Nam Định). Ở đây, Đặng Tất đã dựng trận địa mai phục. Ông cho nghĩa quân đóng cọc ở giữa sông và đắp luỹ ở hai bên bờ đề đánh úp địch. Ngày 30/12/1408, khi nước thuỷ triều dâng cao và gió lớn, hai cánh quân thuỷ bộ của địch tiến vào trận địa, phục binh của nghĩa quân ồ ạt tấn công, chiến đấu anh dũng tiêu diệt gần 10 vạn quân Minh, trong đó có Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn, Đô đốc Lữ Nghị, Tham chính Lưu Dục. Mộc Thạnh cùng tàn quân chạy thoát thân trốn vào thành Cổ Lộng (xã Bình Cách, Ý Yên, Nam Định)(5).

Chiến thắng Bô Cô là một chiến công oanh liệt nhất của nghĩa quân gắn liền với tên tuổi vị tướng chỉ huy Đặng Tất, trở thành niềm tự hào của dân tộc. Nhưng rất tiếc là từ sau chiến thắng này lại xuất hiện sự bất đồng chiến pháp giữa Trần Ngỗi và Đặng Tất, lực lượng bị phân hoá, gây tổn thất lớn cho nghĩa quân. Lo sợ trước uy thế của Đặng Tất, lại bị bọn gian xu nịnh gièm pha, Trần Ngỗi đã giết hại hai danh tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân (tháng 3 năm 1409) làm tan rã lực lượng nghĩa quân.

Đặng Tất trước sau vẫn là một tướng lĩnh tài ba, chiến đấu dũng cảm và hy sinh cho lợi ích tối cao của dân tộc. Nhưng do phép điều binh khác nhau giữa Trần Ngỗi và Đặng Tất trong trận quyết định cuối cùng và nhất là sự hạn chế về năng lực, uy tín và phẩm chất của Trần Ngỗi đã đưa đến cái chết oan trái của Đặng Tất, làm lỡ mất cơ hội giành lại độc lập dân tộc, để đất nước tiếp tục bị giặc Minh đô hộ thêm gần 20 năm nữa (1409 – 1427).

Đặng Dung (1373 – 1414) là con trưởng của Đặng Tất, sinh ra ở châu Hoan, 18 tuổi cùng gia đình vào châu Hoá dựng nghiệp. Ông giỏi võ nghệ và văn chương, từng theo cha xông pha nhiều trận mạc, là một tướng tài trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh dưới thời Trần Ngỗi. Năm 1409, sau khi Đặng Tất bị Trần Ngỗi hãm hại, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý đưa nghĩa quân Thuận Hoá lui về Nghệ An tìm Trần Quý Khoáng là cháu đích tôn của vua Trần Nghệ Tông lập ngôi minh chủ, lấy niên hiệu Trùng Quang tiếp tục sự nghiệp chống Minh. Đặng Dung được phong chức Đồng bình chương sự (tương đương Tể tướng). Nghĩa quân lập mưu bắt vua Giản Định về Nghệ An hợp lực với vua Trùng Quang, tôn Giản Định lên làm Thái thượng hoàng để thống nhất lực lượng chống Minh. Uy thế nghĩa quân ngày càng được khôi phục.

Nghĩa quân tấn công ra Bắc thắng nhiều trận, được nhân dân ủng hộ, buộc quân Minh phải rút vào thành cố thủ. Sau đó, Trương Phụ nhận được lệnh mang 47 ngàn quân sang tăng viện, giải vây cho Đông Đô, rồi bất ngờ đánh vào Hàm Tử trong lúc Đặng Dung đang chia quân đi gặt lúa để bổ sung lương thực. Nghĩa quân bị thua phải rút vào Thanh Hoá. Quân Minh tiếp tục truy kích bắt được Trần Ngỗi (26/12/1409) và nhiều tướng lĩnh đưa về Yên Kinh xử tử.

Tháng 7 năm 1413, tên nguỵ quan Phan Liên là Tri phủ Nghệ An làm phản cung cấp tình hình Thuận Hoá cho địch, đại quân của địch vào đánh và chiếm Hoá Châu. Nghĩa quân đã dũng cảm chiến đấu. Có lần Đặng Dung đem quân đánh vào bản doanh của giặc, suýt bắt sống được tên chủ tướng Trương Phụ tại sông Ái Tử (Quảng Trị). Nhưng cuối cùng dưới sự tấn công của địch, lực lượng nghĩa quân tan vỡ, nhiều tướng lĩnh phải hy sinh, hơn 700 nghĩa quân bị giặc bắt. Đặng Dung, Đặng Thiết, Đặng Doãn (em Đặng Dung), Phan Lỗ, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý, Trần Quý Khoáng…cũng bị giặc bắt đưa sang Trung Quốc (năm 1414). Trên đường thuỷ sang Trung Quốc, Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Nguyễn Suý đã nhảy xuống sông tự tử.

Cuộc khởi nghĩa Đặng Tất, Đặng Dung ủng hộ nhà Trần chống giặc Minh, khôi phục nền độc lập dân tộc bị thất bại, nhưng tên tuổi của hai ông vẫn sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là niềm tự hào của người dân Hoan châu, Hoá châu.

 

Chú thích:

(1) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, KH, HN, 1964, t.265.

(2) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, KHXH, HN, 1971, t. 211.

(3) Ngô Sĩ Liên, sđ d, KHXH, Tập II, 1971, tr. 259.

(4) Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi Nghĩa Lam Sơn, KHXH, HN, 1977, tr 48.

(5) Ngô Sĩ Liên, sđ d, KHXH, Tập II, 1971, tr. 259.

PGS. TS. Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Sử học

 Các bài viết khác:
 

Một vài đặc điểm văn hoá Miền Trung (1)

Chọn số:

Chọn chuyên mục: