TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121469
Số người đang truy cập:
186


Số 2 – Quý II năm 2004

Sự kiện

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam:

79 năm báo chí cách mạng Việt Nam

Năm 1925, Bác Hồ thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và xuất bản báo Thanh niên – tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. 79 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam gắn chặt với 79 năm chiến đấu và chiến thắng dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tiếp theo báo Thanh niên, Bác Hồ cho xuất bản báo Công nông và Lính cách mệnh để vận động công nhân, nông dân và binh lính đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi đế quốc, giành độc lập dân tộc.

Kỳ bộ Nam kỳ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ra báo Bôn-sê-vích, chi bộ Việt kiều của hội ở Thái Lan xuất bản báo Đồng Thanh sau đổi là Thân ái.

Tháng 2-1929, Đông Dượng Cộng sản ra đời, cho xuất bản báo Búa Liềm làm cơ quan trung ương của Đảng. Ban Công vận trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc Kỳ có báo Lao động.

Tháng 9-1929, An Nam Cộng sản thành lập, cho ra đời báo Đỏ.

Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thay thế các báo của các tổ chức Cộng sản trước đó. Ngày 5-8-1930, Trung ương Đảng cho ra Tạp chí đỏ và ngày 15-8-1930, báo Tranh đấu ra mắt.

Tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ vô sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ ra báo. Báo chí cách mạng thời kỳ này có vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc, phong kiến, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Trước sự khủng bố điên cuồng của đế quốc, tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng bị thiệt hại nghiêm trọng. Báo chí cách mạng lần lượt ngừng xuất bản, nhưng sau khi các cấp ủy được khôi phục thì chỉ một thời gian ngắn là có báo, đặc biệt là Xứ ủy Nam Kỳ, từ năm 1931-1934, ba lần bị địch đánh phá, ba lần Xứ ủy được khôi phục, ba lần có báo Cờ đỏ, Cờ lãnh đạo rồi đổi tên thành Giải phóng.

Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng xuất bản tạp chí Bôn-sê-vich. Tháng 3-1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bôn-sê-vich thành tạp chí lý luận trung ương của Đảng. Đảng còn cho xuất bản ở Thượng Hải tờ báo tiếng Pháp L/ armée rouge (Hồng quân) và tờ tiếng Việt Giác ngộ để vận động binh lính trong quân đội Pháp.

Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn đã xuất bản báo và tạp chí như: Con đường chính, Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường, Hỏa Lò Hà Nội, Qua tiếng sóng hận, Người tù đỏ, Hòn cau, Ý kiến chung ở Côn Lôn, Nẻo nhà pha ở nhà tù Quảng Nam…

Tháng 5-1936, Mặt trận Bình dân ở Pháp giành thắng lợi trong tổng tuyển cử, lập ra Chính phủ tiến bộ. Trung ương Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ. Lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp và hợp pháp, Đảng ta đưa báo chí ra xuất bản công khai. Lợi dụng chính sách báo chí của địch ra báo chữ Pháp không phải xin phép, ta cho xuất bản ở Hà Nội một số tờ báo tiếng Pháp như Le travail (Lao động), Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta); ở Sài gòn có L/ Avant garde (Tiên phong), Le Peuple (Nhân dân). Chúng ta thuê mua lại tên báo cũ, đưa quần chúng tốt đứng ra xin phép xuất bản báo tiếng Việt và đã cho ra nhiều báo như: Hồn trẻ tập mới, Tân xã hội, Nhành lúa, Kinh tế tân văn, Thời thế, Tin tức, Thế gới, Hà thành thời báo, Dân, Dân tiến, Dân muốn, Đời nay…rồi ra báo không xin phép như tờ Dân chúng, cơ quan trung ương của Đảng. Báo chí thời kỳ này in ty-pô với số lượng lớn. Báo Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15 nghìn bản.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, báo chí cách mạng bị cấm xuất bản.

Khi phát xít Nhật vào Đông Dương, Đảng nêu khẩu hiệu đánh Pháp, đuổi Nhật. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tháng 5-1941 đã phát triển và hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh. Tháng 8-1941, báo Việt Nam độc lập do Bác Hồ sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng, thành Việt Minh Cao Bằng – Bắc Cạn, rồi Cao Bằng – Bắc Cạn – Lạng Sơn.

Ngày 25-1-1942, báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10-10-1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan trung ương Đảng ra số đầu tiên. Trung ương Đảng còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ, tỉnh bộ Việt Minh cho xuất bản các báo địa phương cùng với các báo của các đoàn thể cứu quốc ở trung ương.

Từ sau khi có Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (5-1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhât-Pháp (3-1945), một số tờ báo của lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và các khu giải phóng được xuất bản như: Quân giải phóng, Tiếng súng khởi nghĩa…Báo chí cách mạng xuất hiện nhiều trong các nhà tù và trại tập trung.

Kể từ báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên, đến tháng 8-1945, chúng ta có hơn 270 tờ báo và tạp chí xuất bản bất hợp pháp, nửa hợp pháp và hợp pháp.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, báo chí cách mạng xuất bản công khai. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày, là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Cuối năm 1945, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật, báo Cờ Giải phóng ngừng xuất bản, báo Sự thật ra thay, với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Năm 1951, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai, báo Sự thật đình bản, Báo Nhân dân, cơ quan trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản. Trung ương Đảng còn cho xuất bản tạp chí Cộng sản, Sinh hoạt nội bộ làm cơ quan lý luận. Lực lượng vũ trang cho ra báo Quân đội nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm chia ra làm hai miền. Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật, bất hợp pháp ở các vùng tạm chiếm ở miến Nam.

Ở miền Bắc, báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn bằng kỹ thuật tiến tiến. Trung ương Đảng cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản.

Bên cạnh Đài tiếng nói Việt Nam có Đài Phát thanh Tây Bắc và Việt Bắc, Đài Truyền hình trung ương.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), báo chí nước ta “trăm hoa đua nở” từ trung ương đến địa phương.

Từ 1995 đến nay, báo chí nước ta đã phát triển khá mạnh về số lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp. Cả nước hiện có hơn 450 đơn vị báo chí, trong đó báo in xuất bản 563 ấn phẩm các loại, phát hành 565 triệu bản mỗi năm; 160 tờ báo hàng ngày và tuần báo với số lượng phát hành 546.223.000 bản mỗi năm, có 63 tờ báo trung ương, 97 tờ báo địa phương, 1 báo và 20 tạp chí đối ngoại. Hệ thống đài, trạm phát thanh, truyền hình các khu vực, tỉnh, thành phố đến quận, huyện và các vùng dân cư quan trọng đã được hình thành. Cùng với báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử cũng đã ra đời góp phần làm phong phú, đa dạng, hiện đại hoá các loại hình báo chí Việt Nam.

Chính Luận

 Các bài viết khác:
 

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004)

 

Chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4

 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2004)

Chọn số:

Chọn chuyên mục: