TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121458
Số người đang truy cập:
172


Diễn đàn

Một vài nhận định về định hướng phát triển Thừa Thiên Huế sau Kết luận số 48-KL/TW ngày 25-5-200910/03/2010

 

“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á”. (Trích Kết luận số 48 – KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị).

Sở dĩ tôi mở đầu bài viết bằng nội dung trên do sau nhiều năm công tác trong ngành quy hoạch đô thị, tôi nhận thấy một trong những khó khăn ban đầu của một thiết kế quy hoạch đô thị người lãnh đạo muốn đô thị đó trong tương lai sẽ như thế nào. Sự thành bại của một đô thị được bắt nguồn từ đây. Thuật ngữ chuyên môn gọi là định hướng phát triển đô thị.

Kết luận 48 được xem như là định hướng phát triển của thành phố Huế và các đô thị thuộc vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đã được xác định trong hệ thống đô thị của cả nước. Với sự hiểu biết của một người làm công tác quy hoạch đô thị, tôi hiểu rằng định hướng phát triển Thừa Thiên Huế phải có những đặc điểm như sau:

* Quản lý: chịu sự quản lý trực tiếp từ Trung ương

* Tính chất: là một trong những trung tâm đặc sắc của cả nước về 3 lĩnh vực

Văn hóa, du lịch

Khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu

Giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

* Phát triển ngắn hạn: đến năm 2020 các tính chất này phải ngang tầm với các trung tâm khác trong cả nước, khu vực và Đông Nam châu Á.

* Phát triển dài hạn: chưa xác định rõ thời điểm nhưng tính chất là tương đương trình độ chung của thế giới.

Tôi tin rằng, định hướng phát triển này là đúng. Công việc thực hiện định hướng này là nhiệm vụ của chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế. Để bắt đầu công việc, thì điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế có lẽ là một trong những công việc đầu tiên cần phải nghĩ đến. Là một người được sinh ra từ mảnh đất này, tuy nay đã ở xa, nhưng tôi thấy mình có trách nhiệm trong công việc này. Vì không có điều kiện trực tiếp cùng với Thừa Thiên Huế làm công việc này, tôi xin viết ra đây một số nhận định ban đầu và mong rằng những nhận định này sẽ là một tham khảo ban đầu cho những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đó, đặc biệt là các đồng nghiệp đang công tác trong ngành quy hoạch đô thị và kiến trúc. Trong tương lai, nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục có thêm các đóng góp khác.

Dưới đây là những nhận định của tôi

Nhận định thứ 1: trong 3 lĩnh vực để tạo nên tính chất của Thừa Thiên Huế, chúng ta có thể quy về 2 lĩnh vực: văn hóa, du lịch là một; 2 lĩnh vực còn lại là một.

Khác với nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, yếu tố cần để tăng năng suất lao động là vật thể (cơ bắp, đất đai, máy móc …) thì trong nền kinh tế tri thức yếu tố này là phi vật thể – chất xám của con người. Hàng hóa của nền kinh tế tri thức không chỉ là vật chất mà còn cả phi vật chất. Những quy trình công nghệ, bằng sáng chế, sản phẩm vật chất mang hàm lượng chất xám cao hay là kết quả của các nghiên cứu là những hàng hóa của nền kinh tế này. Bên cạnh đó, các sáng chế, phát minh của nền kinh tế tri thức sẽ nâng cao năng suất của nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Chủ thể của hoạt động kinh tế này là con người được giáo dục tốt, hay nói cách khác là lao động cổ trắng chất lượng cao. Những hàng hóa của công nhân kiểu này quay ngược lại sẽ bổ sung hoặc đổi mới hoặc đề ra những cái mới cho quy trình đào tạo. Ngoài ra, phòng thí nghiệm của một cơ sở sẽ là một nhà máy sản xuất hay ngược lại phòng thí nghiệm của một nhà máy lại là nơi đào tạo lao động cổ cồn trắng. Đó là lý do tại sao hai mũi nhọn này không thể tách rời nhau.

Với những phân tích trên, chúng ta thấy mối liên hệ cần thiết về không gian trong một cấu trúc của một đô thị. Chúng ta thường thấy các khu công nghệ cao thường phải gắn liền với một khu đại học. Thung lũng Silicon của Mỹ gắn liền với đại học Stanford, Khu công nghệ cao của TPHCM nằm đối diện theo góc xéo với Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh…

Trong lịch sử hình thành TP Huế, Bệnh viện Trung ương Huế quy hoạch gần Đại học Y Khoa Huế, chỉ cách một con đường nhỏ, là một kinh nghiệm đáng cho chúng ta tham khảo.

Nhận định thứ 2: nên phát triển lý thuyết kinh tế 3 khu vực của Fourastie’ thành 4 khu vực.

Hiện nay, trong lý thuyết kinh tế đô thị, Việt Nam chúng ta đang sử dụng lý thuyết “three-sectorhypothesis” – (giả thiết 3 khu vực). Ba khu vực này là: i. Khai thác từ tài nguyên thiên nhiên, ii. Sản xuất, iii. Dịch vụ. Lý thuyết này được đề xuất và phát triển bởi Jean Fourastie’ và Colin Clark vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20.

Vào thời điểm đó, cuộc cách mạng công nghệ thông tin và vi tính chỉ mới bước đầu nên sự hiện diện của nó cấu trúc kinh tế của một quốc gia là không đáng kể. Nhưng càng về cuối thế kỷ 20, do cuộc cách mạng này một số lĩnh vực kinh tế bắt đầu xuất hiện và nền kinh tế tri thức bắt đầu hình thành. Những khu vực này không biết phân vào khu vực nào. Vì vậy, một số nhà kinh tế đề nghị một số lĩnh vực như tạo lập và chia sẽ thông tin, tư vấn, giáo dục và nghiên cứu phát triển, công nghệ sản xuất, công nghiệp liên quan đến sức khỏe và văn hóa… thành khu vực 4.

So sánh lý thuyết 4 khu vực này với kết luận 48, chúng ta thấy có sự trùng khớp nhất định. Theo tôi, ở đây vấn đề không phải là ngôn từ mà chính là cơ sở để chúng ta lập kế hoạch cũng như theo dõi. Ngay từ bước ban đầu là quy hoạch đô thị, chỉ số này sẽ giúp chúng ta xem xét chính xác hơn về cơ cấu sử dụng đất. Nếu theo lý thuyết 3 khu vực, sự biến đổi giá trị của khu vực này trong nền kinh tế khó mà phản ánh hết những gì mà chúng ta muốn biết để sử dụng trong quá trình thực hiện những điều mà chúng ta mong muốn. Mức độ quan trọng của nhận định này sẽ được khẳng định trong nhận định kế tiếp.

Nhận định thứ 3: về kinh tế đô thị của Thừa Thiên Huế, kinh tế tri thức sẽ mang tính chiến lược, kinh tế văn hóa du lịch mang tính chiến thuật.

Theo hiểu biết của tôi, hiện nay tỉ trọng của du lịch là khá lớn trong kinh tế dịch vụ của Thừa Thiên Huế. Đây là một thế mạnh của địa phương chúng ta nhưng đang bị cạnh tranh gay gắt và đến một lúc nào đó sẽ đến ngưỡng vì thực chất chúng ta cũng đang khai thác trên những gì mà chúng ta đang có. Nếu nhìn một cách khắt khe hơn, có thể xem đó như là kinh tế khu vực 1: khai thác tài nguyên. Vì vậy, trong giai đoạn ngắn hạn, thì kinh tế đô thị dựa trên du lịch và văn hóa (lĩnh vực 1 trong tính chất đô thị) nên được xem như là một bệ phóng cho kinh tế tri thức (lĩnh vực 2 và 3).

Một khi trong cơ cấu kinh tế đô thị của Thừa Thiên Huế mà lĩnh vực 2 và 3 trong tính chất đóng vai trò chính thì nó sẽ quay lại bổ sung cho lĩnh vực 1. Cố đô Kyoto của Nhật Bản là một tham khảo rất quý giá cho Thừa Thiên Huế của mình. Khách đến Kyoto không chỉ là tham quan Cố đô không chỉ để tham quan du lịch mà còn cả sinh viên đến học, khách mời của các hội thảo, hội nghị, mua bán công nghệ qua các triển lãm thành tựu nghiên cứu khoa học… Chúng ta nhìn vào nỗ lực của ngành du lịch của TPHCM trong việc cố gắng tổ chức các MICE để thấy được mối tương hỗ giữa 3 lĩnh vực này.

Nếu chấp nhận nhận định này, chúng ta sẽ thấy sự cần thiết của một chỉ tiêu để thấy được sự thay đổi của lĩnh vực kinh tế tri thức. Chính sự rõ ràng và minh bạch này giúp cho chúng ta luôn luôn thấy được hướng đi của chúng ta liên hệ như thế nào đối với định hướng phát triển đã được quyết định. Đây chính là nguyên nhân mà một số nền kinh tế tiên tiến trên thế giới áp dụng lý thuyết 4 khu vực thay cho 3 khu vực.

Nhận định thứ 4: môi trường để kinh tế tri thức phát triển dựa trên môi trường của kỹ nguyên năng lượng – khí hậu.

Dù chúng ta sử dụng lý thuyết kinh tế đô thị theo cách phân loại 3 hay 4 khu vực thì rõ ràng chúng ta cũng phải sử dụng nó sao cho hài hòa với ngữ cảnh. So với thế kỷ 20, ngữ cảnh đã khác đi nhiều. Thế kỷ 21 là một thế kỷ mà các cuộc cách mạng đã có tác động hay hình thành rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Sở dĩ như vậy do văn minh nhân loại nói chung hay cụ thể hơn là khoa học – kỹ thuật đã tác động sâu sắc đến xã hội loài người. Bên cạnh đó, nhân loại cũng bắt đầu đối diện với những hậu quả mới do quá khứ để lại. Chúng ta hãy xem xét nhận định này qua 2 yếu tố sau:

1. Cuộc cách mạnh công nghệ tin học và vi tính (ngày càng mạnh mẽ) đã mang lại nhiều thay đổi đối với ngữ cảnh kinh tế và xã hội. Chậm hơn, nhưng 2 cuộc cách mạng khác đang âm thầm diễn ra (nhưng hết sức mãnh liệt và cũng phải nhiều người biết đến) là cách mạng vật liệu nano và cách mạng công nghệ sinh học (đặt nền móng trên công nghệ nano) sẽ làm cho cuộc cách mạng công nghệ tin học và vi tính mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa.

Như vậy, chúng ta sẽ thấy lĩnh vực thứ 2 và 3 trong tính chất của Thừa Thiên Huế trong định hướng phát triển đã rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế không có thế mạnh trong 3 cuộc cách mạng này. Nhưng một trong những cơ sở cho 3 cuộc cách mạng là các ngành khoa học cơ bản. Đây lại là thế mạnh tiềm ẩn của Thừa Thiên Huế. Vì vậy, trong giai đoạn ban đầu của tiến trình phát triển theo định hướng phát triển đã được xác định, việc hợp tác với các trung tâm khác hết sức quan trọng. Vấn đề là chúng ta sẽ chuẩn bị nhân lực như thế nào để hợp tác với họ. Đây là nhiệm vụ của các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Vấn đề sẽ được tôi đề cập đến trong nhận định thứ 5.

2. Rút kinh nghiệm từ lịch sử của nhân loại, ba cuộc cách mạng cùng đi đến một mục tiêu là tạo ra nhiều của cải hơn cho nhân loại nhưng quan trọng hơn so với lịch sử là không phí phạm tài nguyên của trái đất và không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người để làm sao con người được tồn tại một cách vững bền trên trái đất này. Năm 2005, Friedman đã từng tuyên bố cách mạng công nghệ đã làm cho thế giới trở nên phẳng thì năm 2009, ông đã tổng quan hơn khi đánh giá kỷ nguyên mà chúng ta đang sống là kỷ nguyên về năng lượng và khí hậu (E.C.E). Khi theo dõi các lĩnh vực đang phát triển trên thế giới, đặc biệt là ngành chuyên môn của mình, quy hoạch – kiến trúc, tôi tin vào đánh giá của Friendman.

Để thực hiện bất cứ một lĩnh vực nào thì chúng ta cũng đều phải thiết kế các công trình xây dựng để dung chứa các hoạt động sản xuất này. Muốn vậy thì trước tiên chúng ta phải tiến hành quy hoạch. Do đặc điểm của quy hoạch thành phố Huế để lại, một số yếu tố bất lợi về mặt vật lý kiến trúc (như chiếu sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên,…) sẽ xuất hiện trong thiết kế công trình.

Trong các đồ án quy hoạch của Huế, chúng ta thường chú trọng vào yếu tố phong thủy, nhưng chưa nghiên cứu nó một cách thấu đáo ở góc độ vật lý kiến trúc. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng sử dụng năng lượng để giải quyết những bất lợi này trong quá trình vận hành công trình. Hiện nay, khuynh hướng kiến trúc trên thế giới đang nghiêng dần về khuynh hướng Green Building và một số công trình của Việt Nam chúng ta cũng đang theo khuynh hướng này. Nhưng một trong những cơ hội để giải quyết vấn đề này đang tiềm ẩn bên dưới mà chúng ta không chú ý đến. Đó là quy hoạch đô thị.

Tôi rất đắn đo khi đưa ra ví dụ sau, nhưng để dễ hiểu tôi xin mạnh dạn nêu lên. Mong người đọc hiểu rằng tất cả chỉ vì lợi ích chung chứ không hề có một ý đồ riêng tư gì ở đây cả.

Công trình Trụ sở HĐND và UBND tỉnh nằm trên đường Lê Lợi:

Do quy hoạch mặt đứng chính của công trình phải hướng về phía tây bắc (đường Lê Lợi và đường Trần Hưng Đạo phải song song với sông Hương). Vào buổi chiều của mùa hè, lượng bức xạ nhiệt vào mặt đứng chính sẽ nung nóng công trình. Hai hệ lụy phải xảy ra: đóng kín cửa lá sách và bên trong chắc phải sử dụng máy lạnh. Điện để sử dụng cho việc chiếu sáng và điều hòa không khí chắc chắn phải tốn kém hơn bình thường. Mùa đông, việc gió lạnh từ phía bắc thổi vào công trình chắc cũng cần đến máy sưởi và bầu trời u ám chắc phải cần đến chiếu sáng nhân tạo. Cũng phải sử dụng điện. Theo thông kê mức độ sử dụng năng lượng trong một số công trình trên thế giới của tổ chức Lotus, giá trị để xây nên một công trình chỉ chiếm 20% trong vòng đời của nó, 15% để duy trì bảo dưỡng và 65% là năng lượng để vận hành.

Qua ví dụ trên, chúng ta thấy rõ ràng một quy hoạch trong kỷ nguyên năng lượng và khí hậu phải tạo điều kiện cho kiến trúc phát triển theo hướng Green Building.

Kiến trúc trong kỷ nguyên này cũng phải góp phần trong khuynh hướng phát triển bền vững. Việc phát triển bền vững còn là một yếu tố văn hóa. Tôi xin kể câu chuyện dưới đây để các bạn thư giãn một chút.

Năm 2007, trong một chuyến công tác tại tỉnh Triết Giang – Trung Quốc, khi vào phòng ngủ của khách sạn, tôi thấy trên giường ngủ có một tờ giấy viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc với nội dung: chúng tôi sẽ không thay drap giường và áo gối cho đến khi nào bạn có yêu cầu vì bột giặt sẽ tổn hại đến môi trường. Vào phòng tắm cũng có một thông báo như vậy đối với khăn tắm. Bạn cùng phòng với tôi rất ngạc nhiên và cằn nhằn: khách sạn 4 sao gì mà kỳ cục quá vậy. Tôi thì không, vì tôi đã thấy những bản này trong những năm 2003 khi đến các khách sạn của châu Âu. Mùa hè 2009, về Huế, tôi ở lại tại KS Hương Giang Riverside, không thấy có bản thông báo kiểu như thế này.

Nhận định thứ 5: tham khảo định hướng phát triển của Đại học Harvard.

Qua 4 nhận định trên, chúng ta cũng thấy rõ tầm quan trọng của các trường đại học trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong định hướng phát triển. Vì vậy, dưới đây tôi xin trích ra một phần quan trọng trong bài diễn văn của bà Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường đại học Harvard, đọc trong lễ tốt nghiệp ngày 4-6-2009 đã đề ra 3 đặc điểm mà trường đại học của họ đang hướng đến trong thế kỷ 21. Chúng ta có thể tham khảo để định hướng phát triển các trường đại học của Thừa Thiên Huế:

Đặc điểm 1:

Nói đến cơ hội là nói đến sự công bằng, và đồng thời là sự ưu tú. Chúng ta cần phải là một thỏi nam châm để thu hút tài năng.

Như chúng ta đều biết, đại học hàng đầu thế giới này là một đại học tư thục, và học phí của sinh viên dù rất cao vẫn không thể bù đắp nổi kinh phí hoạt động. Kinh phí để hoạt động phụ thuộc vào 2 nguồn chủ yếu: nghiên cứu và đóng góp của cựu sinh viên. Đây là một kinh nghiệm để đại học của chúng ta đừng bao giờ mong đợi thu học phí của người học và chỉ lấy đó làm kinh phí hoạt động. Vấn đề của họ là làm sao thu hút được người học ưu tú. Sự ưu tú này phải được chấp nhận ở mức độ quốc tế.

Mỗi năm Việt Nam, bằng ngân sách quốc gia, đã gửi rất nhiều học sinh và sinh viên ra nước ngoài học đại học và sau đại học. Không biết có bao nhiều phần trăm vào học được ở các trường đại học như Harvard, Standford, MIT, Oxford, Cambridge, Lomonôxốp, Thanh Hoa,…

Hiện nay, tỉ lệ giảng viên đại học tốt nghiệp từ các đại học lớn như vậy chiếm tỉ lệ bao nhiêu ? Những người tốt nghiệp những đại học lớn như vậy đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là những đầu mối hợp tác rất tốt cho các trường đại học của Huế trong quá trình khởi động.

Đặc điểm 2:

Trường đại học như một địa điểm cơ bản của nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của Hoa Kỳ.

Đặc điểm này một lần nữa khẳng định cho nhận định số 1 và số 4 ở trên. Nếu chúng ta chấp nhận lý thuyết kinh tế 4 khu vực, thì trong đóng góp của khu vực 4 trong cơ cấu tài chính của một trường đại học sẽ là một chỉ số cảnh báo trong quá trình điều hành và phát triển. Chỉ số này sẽ tiếp tục phản ánh lên cơ cấu tài chính của tỉnh.

Đặc điểm 3:

Các trường đại học phục vụ như những nhà phê bình và là lương tâm của xã hội. Chúng ta tạo ra không chỉ tri thức mà còn tạo ra những câu hỏi, tạo ra những hiểu biết bắt nguồn từ chủ nghĩa hoài nghi, từ sự không ngừng đặt câu hỏi chứ không phải từ sự thống trị của những tri thức thông thái được chấp nhận không cần thử thách. Hơn bất cứ một tổ chức nào khác trong xã hội, cốt lõi của các trường đại học là tầm nhìn dài hạn và những quan điểm phản biện, và những điều này có được chính là vì đại học không phải là sở hữu của riêng hiện tại.

Trong đặc điểm này có nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Tuy nhiên, có một vấn đề mà tôi muốn đề cập đến là “đại học không phải là sở hữu của riêng hiện tại”.

Trong quá khứ và hiện nay, Huế đã và đang là một trung tâm giáo dục của cả nước. Tuy nhiên, nếu chỉ cần so sánh với những trường đại học trong khối ASIAN, chúng ta đều phải thừa nhận rằng khoảng cách giữa họ và chúng ta là khá lớn. Vậy trong giai đoạn ngắn hạn, đến 2020, chúng ta có đủ sức ngang tầm với họ được không ?

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam đã hướng đến một nền đại học quần chúng thay cho một nền đại học tinh hoa. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đang gặp một số trục trặc quanh vấn đề này. Điều này được minh chứng qua những hiện tượng như các lớp tài năng trong trường đại học, các trường đại học quốc tế,…

Vì vậy, bên cạnh đại học quần chúng Thừa Thiên Huế nên hình thành một nền đại học tinh hoa bên cạnh phát triển nền đại học quần chúng. Sở dĩ tôi đặt vấn đề này ra do một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc này là thời gian. Trong bước khởi động, chúng ta cần nghĩ phải có kế hoạch đào tạo một đội ngũ khoa học đầu đàn cho tương lai. Đội ngũ này không chỉ khu trú trong địa bàn tỉnh mà trong cả nước, thậm chí quốc tế. Chính họ là những người sẽ là những đầu tàu suốt quá trình thực hiện cụ thể những lĩnh vực thứ 2 và 3 của định hướng phát triển của tỉnh mình. Cũng chính vì yếu tố thời gian nên chúng ta cần chú ý đến tầm nhìn dài hạn trong đặc điểm thứ 3 mà bà Hiệu trưởng Trường Harvard đã đề cập đến.

Với tất cả những phần trình bày vừa rồi, tôi mong có một chút đóng góp đầu năm cho mảnh đất đã sinh ra mình. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến phản biện để những nhận định này mang tính khách quan và khoa học hơn. Trước khi tạm biệt, tôi xin gửi tặng một lời khuyên mà tôi đã học được trong quá trình làm công tác quy hoạch đô thị: Nên tránh những điều gì không thể kiểm soát được và kiểm soát những điều gì không thể tránh được.

Chúc một năm mới an khang và thịnh vượng.


Nguyễn Phước Thiện

(giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh;

địa chỉ: 15 đường 45, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh;

email: npthien@hotmail.com).

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 


 Các tin khác:
 

Vệ sinh an toàn thực phẩm – một vấn đề “nóng”26/02/2010

 

Thừa Thiên Huế: Phận gạch trước giờ G26/02/2010

 

Cầu nối để các nhà khoa học và khách hàng trao đổi, mua bán thiết bị, sản phẩm khoa học công nghệ26/02/2010

 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam25/02/2010

 

Quá trình hình thành và phát triển công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam25/02/2010

 

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội: từ tự phát đến chuyên nghiệp25/02/2010

 

Sự thật về cái tên “Suối Máu”07/01/2010

 

Cần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng giải thưởng, hội thi28/07/2009

 

Những đề tài khoa học với giá trị không thể tính bằng tiền05/06/2009