TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121464
Số người đang truy cập:
179


Văn hoá xã hội

Thừa Thiên Huế: Một thành phố trực thuộc Trung ương đặc trưng của Việt Nam13/04/2010

 

Thừa Thiên Huế với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,2 triệu người, là nơi hội tụ các tiềm năng thế mạnh về biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi; Có chung đường biên giới với Lào với chiều dài 87 km; Có bờ biển dài 128 km, với hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có tổng diện tích gần 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vị trí của vùng ven bờ có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Một điều đặc biệt là đô thị này chứa đựng Cố đô Huế – Di sản Văn hoá thế giới, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; Các giá trị văn hoá – nghệ thuật bác học và dân gian phong phú, đa dạng liên quan đến Cố đô và con người xứ Huế, trong đó, Nhã nhạc Cung đình Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO xếp hạng.

Từ năm 1998, tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã xác định, mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm Thành phố trung tâm cấp quốc gia như: Thủ đô Hà Nội, các Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế. Tại Quyết định 166/1999/QĐ-TTg, ngày 10/8/1999 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020 thì vị trí của Huế trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị toàn quốc với ý nghĩa Huế là một trong 5 đô thị Trung tâm cấp quốc gia. Mới đây, theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 khi định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị cả nước đã nêu rõ, mạng lưới đô thị quốc gia được phân theo các cấp, bao gồm: Các đô thị trung tâm cấp quốc gia; các đô thị trung tâm cấp vùng liên tỉnh; Các đô thị Trung tâm cấp tỉnh; Các đô thị Trung tâm cấp huyện; Các đô thị Trung tâm cụm các khu dân cư nông thôn và các đô thị mới. Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị Trung tâm, gồm Thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế. Như vậy Huế được xác định là 1 trong 5 đô thị trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đô thị Thừa Thiên Huế với sự đa dạng về địa hình, có cả sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển và cảnh quan thiên nhiên phong phú. Đặc biệt nói đến cảnh quan của Huế thì dòng sông Hương đóng vai trò rất quan trọng, cùng với hệ thống đền đài, thành quách, chùa chiền, cung điện đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho cảnh quan của đô thị Thừa Thiên Huế. Yếu tố cảnh quan đô thị đã được đưa vào làm tiêu chí đánh giá đô thị tại Nghị định 42 của Thủ tướng Chính phủ về xếp loại đô thị. Đây là yếu tố nổi bật của đô thị Huế mà ở Việt Nam khó có đô thị nào so sánh được ngay cả ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Với những tiềm năng lợi thế vốn có, cùng với những kết quả đạt được, ngày 25 tháng 5 năm 2009, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Chính trị kết luận, trong đó tán thành phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á…”

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 với mục tiêu đề ra là xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, định hướng hệ thống đô thị của Vùng Thừa Thiên Huế là sẽ  tập trung phát triển thành phố Huế, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An, thị trấn Bình Điền để trở thành khu vực nội thị thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai. Đây là hạt nhân tăng trưởng của vùng, là trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, trung tâm đào tạo đại học, trung tâm y tế chuyên sâu và chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, trung tâm giao dịch quốc tế quan trọng của vùng và cả nước. Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ được đầu tư phát triển mạnh thành trung tâm kinh tế và đô thị quan trọng, kết nối với thành phố Huế tạo nên trục kinh tế Huế – Chân Mây Lăng Cô, là trục phát triển dịch vụ – du lịch – công nghiệp năng động, là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trong tương lai Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ là trung tâm kinh tế và giao thương quốc tế lớn của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả khu vực tiểu vùng Mê Kông… Là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là cửa ra của tuyến hành lang thương mại Đông – Tây nối Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông.

Ngoài ra, các thị trấn trung tâm huyện lỵ của các huyện Phong Điền, A Lưới; các thị trấn Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Khe Tre cũng sẽ đầu tư, đồng thời xây dựng các thị trấn trung tâm tiểu vùng: Điền Hải, An Lỗ, Vinh Thanh, Vinh Hiền, La Sơn, Nam Đông, A Đớt, Hồng Vân,… sẽ góp phần làm cho quá trình đô thị hóa của Thừa Thiên Huế diễn ra trên diện rộng.

Như vậy, theo định hướng trên, Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai sẽ rất khác với 5 Thành phố trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam, bởi Thừa Thiên Huế có những cái riêng và được định hướng phát triển theo hướng phát huy tối đa những đặc trưng, những cái riêng có mà có thể nói rằng không một đô thị nào ở Việt Nam có thể so sánh được. Thừa Thiên Huế sẽ không phát triển như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với mật độ dân cư và công trình xây dựng cao. Và không quá tập trung nóng vào công nghiệp để có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Huế sẽ phát triển theo hướng hài hoà, dân cư sẽ phân tán, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh đã được Trung ương khẳng định để phát triển như là trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… Có thể nói, xu hướng phát triển của Thừa Thiên Huế cũng là xu hướng của những đô thị văn minh trên thế giới, phát triển theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao những giá trị tinh thần.

Trong Quyết định phê duyệt “Quy hoạch Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” của Thủ tướng Chính phủ, mô hình phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được hình thành bởi các cực phát triển kinh tế gắn với các cụm kinh tế động lực và các trục kinh tế đô thị. Thành phố Huế và các đô thị vệ tinh là Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An, Bình Điền được xác định là cụm đô thị động lực số 1, trong đó thành phố Huế là đô thị trung tâm. Các đô thị Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An, Bình Điền cách thành phố Huế từ 15 – 20 km, là trung tâm các huyện giáp ranh thành phố Huế, đảm nhận các chức năng hỗ trợ và chia sẻ với thành phố Huế về công nghiệp, cảng, sân bay, dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch, nhà ở, đào tạo nghề,…

Bên cạnh đó, để chia sẻ những gì mà đô thị Di sản – Cố đô Huế phải hạn chế phát triển, Thừa Thiên Huế đã có một Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nằm trong Cụm đô thị động lực số 2 của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm: Chân Mây – Lăng Cô –  Đà Nẵng – Điện Nam, Điện Ngọc, Hội An (Quảng Nam). Đây là một thuận lợi lớn cho Thừa Thiên Huế đã được thể hiện trong Quyết định phê duyệt “Quy hoạch Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” của Thủ tướng Chính phủ.

Huế cần được quan tâm đầu tư để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phát huy tối đa các tiềm năng vốn có, để được giữ gìn những giá trị rất đặc biệt cho cả nước và cả thế giới được cảm nhận về một vùng đất đậm chất văn hoá, với nhiều di tích đã được xếp hạng cùng với các Di sản đã được Thế giới công nhận, một thành phố yên bình, con người lịch thiệp, cảnh quan môi trường trong lành, có cả núi, sông, đầm phá, gò đồi, đồng bằng và những bãi biển đẹp chạy dài ở phía Đông, mà nổi bật là Vịnh Lăng Cô đã được xếp vào hàng những vịnh biển đẹp nhất thế giới…Và để cả thế giới biết tới Việt Nam nhiều hơn nhờ những giá tinh hoa văn hoá được gìn giữ và phát huy, để có thêm nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia mỗi lần đến thăm Việt Nam đều mong muốn được đến nơi đặc trưng về văn hóa của Việt Nam như những gì mà thời gian qua Huế đã thể hiện.

Có thể nói, Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là trọng điểm về quốc phòng, an ninh của quốc gia. Việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Doãn Quan (www.thuathienhue.gov.vn)

 

 Các tin khác:
 

Báo “Miền Nam Việt Nam chiến đấu” và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử13/04/2010

 

Xây dựng chương trình du lịch sinh thái vì người nghèo trên phá Tam Giang16/03/2010

 

Festival Huế 2010: Nơi gặp gỡ các thành phố Cố đô và điểm hẹn các Di sản văn hoá thế giới03/03/2010

 

Tình hình Kinh tế – Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 200926/02/2010

 

Các nhà giáo được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 200926/02/2010

 

Mười thay đổi quan trọng bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 201031/12/2009

 

Chung tay chia sẻ trách nhiệm với trẻ em29/12/2009

 

Nhà nghiên cứu Huế Phan Thận An: “Tôi ước muốn chuyển hết số mộc bản về cho Huế để phát huy tác dụng di sản này trên đất Cố đô”09/11/2009

 

Phục nguyên điện Cần Chánh – Đại Nội Huế : “Không chỉ là ước nguyện…”20/10/2009