TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121451
Số người đang truy cập:
165


Tin tức sự kiện

Miền Nam đi trước về sau01/10/2010

 

Sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Nhưng bọn đế quốc và phản động quốc tế điên cuồng chống phá cách mạng nước ta.

Với bản chất ngoan cố, các thế lực đê quốc núp sau lá cờ Đồng Minh, vội vã đưa quân vào nước ta, âm mưu tiêu diệt chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam. Nhà nước non trẻ của chúng ta bị đặt vào tình thế hiểm nghèo, cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù trong và ngoài nước.

Số tù binh Pháp bị Nhật giam tại Sài Gòn từ ngày 9-3-1945, ngày Nhật đảo chính Pháp, đã được quan đội Anh ngay sau khi đặt chân lên Sài Gòn, giải thoát.

Ngày 2-9-1945, hàng triệu đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các vùng phụ cận đã tập hợp tại quảng trường sau nhà thờ Đức Bà để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, và sau đó, biểu tình, diễu hành qua các đường phố. Bọn thực dân Pháp từ trên các nóc nhà bắn vào đoàn biểu tình, làm chết 47 người và bị thương nhiều người.

Ngày 22 và 23-9-1945, bọn chúng đòi tước vũ khí lực lượng vũ trang cách mạng, cấm báo chí xuất bản, ra lệnh giới nghiêm ban đêm, và nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam, hơn ai hết, thiết tha muốn có hòa bình để xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới theo con đường đã chọn. Nhưng nguyện vọng chân chính và khát khao cháy bỏng ấy đã không được thực hiện. Là một dân tộc sống hòa hiếu, song chúng ta đã buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ hòa bình.

Ngày 23-9-1945, một cuộc hội nghị lịch sử được triệu tập, có mặt các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ; Ung Văn Khiêm, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ; Phạm Văn Bạch và Trần Văn Giàu, đại diện UBND Nam Bộ; Phạm Ngọc Thạch, đại diện Thanh niên cứu quốc và các đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng. Hội nghị có hai ý kiến tranh luận rất gay gắt:

1) Ta không có con đường nào khác là phải lãnh đạo nhân dân chiến đấu kiên quyết, dù bọn Pháp có quân Anh hỗ trợ.

2) Chưa nên hạ lệnh kháng chiến, mà chỉ tổng bãi công, bãi thị, không hợp tác với địch, xin ý kiến Trung ương, chờ lệnh Trung ương.

Sau cùng, Hội nghị quyết định gửi điện gấp xin chị thị của Trung ương và Hồ Chủ tịch, đồng thời phát động nhân dân kháng chiến. Và trên thực tế, nhân dân Sài Gòn đã đứng lên chống quân xâm lược. Hội nghị còn thành lập Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Và Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ đã ra Lời kêu gọi:

“Đồng bào Nam Bộ !

Nhân dân thành phố Sài Gòn !

Anh em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ !

Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nũa.

Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

“Độc lập hay là chết !”

Hôm nay, Uỷ ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược !

Ai không có phận sự do Uỷ ban Kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức rời khỏi thành phố !

Những người còn lại thì:

– Không làm việc, không đi lính cho Pháp;

– Không đưa đường, không báo tin cho Pháp;

– Không bán lương thực cho Pháp;

– Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt;

– Hãy đốt sạch tất cả các cở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp;

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.

Hỡi đồng bào !

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ !

Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước !

Cuộc kháng chiến bắt đầu !”

                          Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945

                     Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ

                                       Trần Văn Giàu

 

Lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến chống Pháp được thảo xong, cho in ngay, và 8 – 9 giờ sáng ngày 23-9-1945 đã được dán khắp nơi trong thành phố Sài Gòn. Lời kêu gọi này cũng được theo các chuyến xe đò đưa về các tỉnh.

Ngày 23-9-1945 là một trang sử vẻ vang của quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn. Sài Gòn-Chợ Lớn triệt để đình công. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Vật chướng ngại mọc lên khắp thành phố.Ngay trong những ngày đầu, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Một loạt nhà máy, kho tàng, công sở của địch bị quân và dân ta đánh phá.

Và 4 ngày sau, ngày 26-9-1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ:

“Hỡi đồng bào Nam Bộ!

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật thì bọn thực dân Pháp đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “Thà chết tự do hơn sống nô lệ!”

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.

Tôi chỉ muốn dặn dò đồng bào một lời: “Đối với những người

Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không tư thù, tư oán, làm cho cả thế giới biết rằng: chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước.

Nước Nam độc lập muôn năm!

Đồng bào Nam Bộ muôn năm!”

                                              Hồ Chí Minh (1)


Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một làn sinh khí làm tăng thêm phần sinh lực cho quân và dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ ba tuần sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

Góp sức với Sài Gòn-Chợ Lớn, các tỉnh Nam Bộ và cả nước đã tập trung chi viện sức người, sức của cho các chiến tuyến bao quanh thành phố. Những đoàn quân Nam tiến, những phong trào “Tuần lễ ủng hộ Nam Bộ kháng chiến…” đã góp phần làm cho cuộc kháng chiến ở Sài Gòn-Chợ Lớn mang tầm vóc cả nước.

Cuộc chiến đấu bao vây quân địch trong thành phố Sài Gòn diễn ra tròn một tháng từ 23-9 đến 23-10-1945 đã làm thất bại bước đầu âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng, đồng thời chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp từ 23-9-1945 đến đầu tháng 6 năm 1954 đã trải qua hơn 3.000 ngày đêm. Suốt 9 năm, quân và dân Nam Bộ vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, liên tiếp giành những chiến công vẻ vang, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung cả nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để rồi lại bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống Mỹ, cứu nước và bè lũ tay sai cho đến ngày miền Nam toàn thắng 30-4-1975.

Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, quân và dân miền Nam đã làm tròn sứ mệnh “đi trước về sau”, xứng đáng với 4 chữ vàng “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban tặng vào tháng 2 năm 1946.

                                                                        Văn Luận

 

(1) Chí Minh Toàn tập – NXB CTQG – H – 1995 – T 4 – tr 27.

 Các tin khác:
 

Những mốc son lịch sử trọng đại của Đất nước23/07/2010

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi: Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại19/04/2010

 

Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại V.I.Lênin06/04/2010

 

Công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập thị xã Hương Thủy10/03/2010

 

Kỷ niệm 35 năm ngày giải phòng Huế: Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị03/03/2010

 

Thư của Hồ Chủ Tịch gửi Hội Nghị cán bộ Y tế đầu năm 195503/03/2010

 

Đảng Cộng sản Việt Nam với Khoa học và Công nghệ26/02/2010

 

Triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm Bảo vệ môi trường năm 201013/01/2010

 

Ba bản Tuyên ngôn Độc lập ở ba thời điểm lịch sử18/08/2009