TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121452
Số người đang truy cập:
166


Văn hoá xã hội

Chín Hầm – Địa ngục trần gian và tinh thần đấu tranh bất khuất ủa tù nhân cộng sản01/10/2010

 

Huế là nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường, có truyền thống đấu tranh dân chủ, dân sinh được thử thách qua phong trào chống thuế năm 1908, phong trào đấu tranh dân chủ 1936 – 1939 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ở miền Nam, dưới chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm (1956 – 1963), Huế là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, giáo dục đại học, trung tâm Phật giáo của các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Do vậy, họ Ngô muốn nắm Huế là nắm được một thực lực chính trị – xã hội rất có ý nghĩa để thực hiện các chính sách cai trị ở miền Nam. Ngô Đình Cẩn – em trai của Ngô Đình Diệm xuất hiện với tư cách là “Cố vấn tối cao”[1], là “ông Cậu” đầy quyền thế, lộng hành nắm quyền sinh sát đã gây tội ác như một bạo chúa ở miền Trung ra đời trong hoàn cảnh lịch sử và xã hội có nhiều mâu thuẫn và biến động đó.


Luật 10/59 ra đời đặt những người Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Ở Huế có lao Thừa phủ, Tòa Khâm, ty Công an nhưng chưa đủ, gia đình họ Ngô sử dụng các cơ sở ở Mang Cá nhỏ, Long Thọ, lầu Hòa Bình, Chín Hầm làm nơi giam giữ, tra tấn những người Cộng sản và các “phần tử chống chế độ”, trong đó Chín Hầm là tiêu biểu nhất.

Trước sự lớn mạnh của quân đội Nhật với tham vọng làm bá chủ Đông Dương nên năm 1941, người Pháp đã bí mật tìm nơi xây dựng kho chứa vũ khí, đạn dược để đối phó với cuộc chiến tranh trong giai đoạn mới. Tám nhà kho kiên cố bằng bê tông cốt thép và một nhà gác của lính canh xây “nửa chìm nửa nổi” ra đời, về sau được gọi là “chín hầm” nằm khuất trong một quả đồi có chu vi chừng 1.200 mét nằm về phía tây – nam thành phố Huế. Đây là nơi lý tưởng nhất để cất giấu vũ khí mà người Pháp nhắm đến. Một ngọn đồi vô danh ẩn mình trong lịch sử nhưng dưới thời Ngô Đình Cẩn, nơi đây trở thành một địa danh kinh hoàng của người dân xứ Huế.

Vào cuối năm 1956, Ngô Đình Cẩn cho cải tạo 4 hầm chứa vũ khí thành 4 nhà biệt giam những tù nhân Cộng sản mà chúng cho là “ngoan cố nhất” sau khi các trại giam P.42 ở Sở Thú (Sài Gòn) và các nơi khác bất lực thì chúng chuyển đến Chín Hầm để tiếp tục tra khảo và nếu không may bị chết thì xác tù nhân bị vùi vào bìa rừng mà không một ai có quyền can thiệp. Chín Hầm trở thành nhà tù đặc biệt không nằm trong hệ thống nhà tù ở miền Nam và nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Nên những người Cộng sản mà phần lớn là các nhà tình báo tài ba[1] vốn đã kiên cường đấu tranh trong các trại giam của địch khi đã bị đưa vào Chín Hầm là chấp nhận cái chết chứ không chịu khai báo. Trong các hầm chứa vũ khí tối ngòm đó, chúng cho cải tạo thành hệ thống xà lim chứa tù nhân chật chội, quanh năm thiếu ánh sáng, thiếu không khí, mùa hè nóng như hỏa lò, mùa đông mưa dột nước đọng ngập lạnh buốt như dao cắt, chuột bọ, muỗi, rắn rít cùng chung sống với tù nhân với mùi thối đến ngạt thở. Chín Hầm là nơi đày đọa con người từ thân xác đến tinh thần qua chế độ ăn uống và khảo tra cực kỳ man rợ. Thực chất, đây là một địa ngục, một tử ngục[2], một hệ thống nhà mồ khổng lồ mà người tạo ra nó dùng để chôn sống những người Cộng sản kiên trung có quê quán khắp mọi miền và phạm vi hoạt động trên cả nước cùng những người mà chúng cho là chống chế độ mà phần lớn là các doanh nhân, viên chức, trí thức ở Huế. Với thành phần này, Ngô Đình Cẩn quy chụp họ vào tội làm gián điệp cho Pháp để làm tiền một cách trắng trợn, dã man.

Tháng 5 năm 1963, sau biến cố triệt hạ cờ Phật giáo, phong trào đấu tranh đô thị ở Huế dâng cao, Ngô Đình Cẩn vội vàng cho sửa chữa thêm 4 căn hầm kiên cố để giam các tăng ni, phật tử, sinh viên, học sinh và đồng bào các giới[3] làm cho Chín Hầm tăng thêm sôi động và oán hờn.

Những tù nhân Cộng sản bị đưa đến Chín Hầm vào cuối năm 1960, chỉ sau mấy tháng, phần lớn đều bị chết trong lúc địch đang tra tấn hoặc do tra tấn bị kiệt sức rồi chết dần mòn như các ông Phan Trọng Tịnh, Nguyễn Minh Đạt, Nguyễn Hữu Đà, Nguyễn Đình Trân, Nguyễn Đình Tỉnh, Nguyễn Văn Nại, Lê Văn Hoàng, Lý Văn Liễn, Nguyễn Văn Hội [4]

Kẻ thù tìm mọi cách để khai thác tù nhân và khi bất lực chúng mới tiêu diệt, nhưng chúng không giết được lý tưởng, hoài bão, ước mơ của người tù Cộng sản. Đồng chí Phan Trọng Tịnh, cán bộ cao cấp tình báo phụ trách an ninh Liên Khu ủy Khu V, trước khi mất (21-11-1961), đã nhắc cho mọi người về những kỷ niệm khó quên trong những lần gặp đồng chí Lê Duẩn và mong anh em cố sống để được trở về tố cáo tội ác của địch tại Chín Hầm. Đồng chí Chín Thính, Tỉnh ủy Bình Dương, trước khi mất (25-11-1962), đã truyền lại sức chiến đấu cho các đồng chí cùng bị giam ở Chín Hầm là “Hãy phổ biến chủ trương của Đảng về Đồng khởi và Đồng khởi Nam Bộ nhất định thành công”. Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân (tức Nguyễn Dân Trung) đã chịu đựng mọi gian khổ, thử thách để sống và làm 3.000 câu thơ với nhan đề Sống trong mồ nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù ở ngục tù Chín Hầm. Tập thơ là một minh chứng lịch sử về tội ác của địch.

Rất nhiều anh hùng liệt sĩ có tên và vô danh đã chiến đấu và hy sinh ở Chín Hầm, trong đó có rất nhiều người hiện nay chưa tìm được hài cốt, nhiều người hy sinh nhưng chưa xác minh được ngày mất, quê quán và thân nhân. Do vậy, tổ chức lễ tưởng niệm và lễ cầu siêu hàng năm vào ngày Thương binh liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm là việc làm đúng đắn hợp với đạo lý dân tộc và rồi đây khi những người con ưu tú của dân tộc hy sinh tại Chín Hầm được xác minh, tên tuổi của họ sẽ được lưu truyền trong sử sách, được đặt tên đường và một số công trình công cộng ở Huế và nhiều thành phố khác. ./

PGS TS ĐỖ BANG

Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế

 




[1]  . Như các ông Mười Hương, Vũ Ngọc Nhạ, Phan Trọng Tịnh, Nguyễn Minh Vân, Bạch Ngọc Phách, Lê Văn Hoàng, Lý Văn Liễn, Nguyễn Hữu Đà, Nguyễn Văn Hội…

[2]  . Tên cuốn sách của tác giả Dương Phước Thu, NXB Thuận Hoá, tái bản năm 2010, 265 trang.

[3]  . Dương Phước Thu, Tử ngục Chín Hầm & Những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn, NXB Thuận Hoá, 2010, tr. 159.

[4]  .Cho đến ngày 3 tháng 11 năm 1963, quân đảo chánh cho phá ngục Chín Hầm chỉ còn ba nhà hoạt động tình báo còn sống là do địch không tìm ra được tung tích là Nguyễn Minh Vân, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Bá Vu (Dương Phước Thu, sđd, tr. 198 )

 Các tin khác:
 

Bước khởi đầu cho một ngành học mới – video art – tại Trường đại học Nghệ thuật Huế23/07/2010

 

Biến cố kinh đô Huế năm 1885 và Lễ tế Đàn âm hồn ngày 23 tháng 512/07/2010

 

Du lịch sinh thái trên phá Tam Giang02/07/2010

 

Chủ động phòng chống dịch lợn tai xanh22/06/2010

 

Kinh tế hợp tác xã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới16/06/2010

 

Kiều Hùng – loài cây cảnh đầy vẽ quyến rũ22/04/2010

 

Thừa Thiên Huế: Một thành phố trực thuộc Trung ương đặc trưng của Việt Nam13/04/2010

 

Báo “Miền Nam Việt Nam chiến đấu” và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử13/04/2010

 

Xây dựng chương trình du lịch sinh thái vì người nghèo trên phá Tam Giang16/03/2010