TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121447
Số người đang truy cập:
161


Diễn đàn

Bạo lực gia đình: Tâm sự của những phụ nữ có chồng bạo hành13/10/2010

 

Bài viết dưới đây trình bày một phần kết quả nghiên cứu định tính về bạo lực gia đình ở một phường ven thành phố Huế. Một phường có gần 52 % số dân là nữ, sống chủ yếu nhờ vào dịch vụ uốn tóc, may áo quần, buôn bán nhỏ,…

Năm trường hợp được chọn phỏng vấn sâu và quan sát hòa nhập theo lời giới thiệu của hai cán bộ phường và sự mách bảo của người dân. Các chị ở những độ tuổi khác nhau và làm các nghề khác nhau. Tôi đã tạo dựng được lòng tin đối với các chị thông qua việc tiếp xúc và cùng tham gia làm việc trong hai tháng. Trong hai tháng, mỗi chị được phỏng vấn ba lần, mỗi lần hơn hai tiếng đồng hồ. Các cuộc phỏng vấn diễn ra một cách tự nhiên, khi các chị đang nấu ăn, ở quán bán hàng ăn, ở tiệm gội đầu ít khách,…Việc chọn đối tượng theo thuận tiện và sử dụng công cụ phỏng vấn một cách tự nhiên và linh hoạt này giúp có được các thông tin rất thật và đáng tin cậy từ đối tượng.

Tôi giải thích với các chị về mục tiêu nghiên cứu của mình và rằng tên các chị sẽ được thay đổi ở trong bài nghiên cứu. Họ đồng ý tham gia chia sẻ với tôi và xem đây như là một cơ hội để giải bày tâm sự bị ức chế trong lòng bấy lâu nay. Ngoài ra, để các chị yên tâm và đỡ e ngại hơn, tôi đã không sử dụng bất kỳ một phương tiện kỹ thuật nào như máy ghi âm hay máy ảnh. Các dữ liệu được tôi ghi chép cẩn thận sau khi trở về nhà.

Ngoài ra, hai cán bộ phường, gồm một chị Chủ tịch Hội Phụ nữ phường và một anh Trưởng Công an phường cũng được phỏng vấn nhằm bổ sung và kiểm định thông tin.

 

Những biểu hiện của bạo lực gia đình

Những câu chuyện mà các chị tiết lộ đã cho thấy những biểu hiện quá sức khủng khiếp của bạo lực gia đình mà các chị đang phải chịu đựng. Ngoại trừ Sen, bốn chị còn lại đều lâm vào cảnh bị ngược đãi về cả tinh thần, thể xác lẫn kinh tế, xã hội.

Hoa, Hương, Mai, Thiên thường xuyên bị chồng hành hạ, nhất là Hoa và Hương. Hoa tâm sự, từ những ngày đầu mới về làm dâu, chị đã bị chồng đánh đập: “Anh ta chửi rủa tôi suốt ngày, suốt đêm mỗi khi anh ta thua bạc, hay bực mình vì chuyện gì đó. Nếu tôi cãi lại, anh ta sẵn sàng đánh đập tàn tệ. Có nhiều khi đang ngủ, anh ta còn dựng tôi dậy để nói những lời bịa đặt hết sức phi lý”, Hoa, 38 tuổi. Có lần, anh ta còn dùng cả cây gỗ quật vào người khiến chị ngất xỉu, nhưng khi hàng xóm đến giúp đỡ thì anh ta bảo chị giả vờ ngất mà thôi.

Không kém gì chồng Hoa, anh chồng của Hương cũng thường xuyên đánh đập vợ một cách dã man. Hương kể rằng, một lần không có tiền chợ, cô trót dại lấy của chồng mấy nghìn mua thức ăn cho con và kết quả là, một trận lôi đình ập lên người cô. Anh ta đấm đá túi bụi, dồn cô vào góc tường rồi lột hết áo quần trên người cô. Chưa hả giận, anh ta còn đuổi cô ra đường giữa đêm khuya. Một lần khác, sau khi đánh vợ xong, anh ta còn nhẫn tâm dìm cô vào chậu nước làm cô suýt chết ngạt.

Bạo lực gia đình dưới hình thức kinh tế, xã hội cũng được biểu hiện rất rõ nét qua những câu chuyện của các chị. Tất nhiên, nạn nhân của hình thức bạo hành này không ai khác chính là những phụ nữ có thu nhập thấp.

Thực tế cho thấy, mặc dù phụ nữ kiếm ít tiền hơn đàn ông nhưng họ phải trang trải sinh hoạt phí cho cả gia đình như ăn uống, may mặc và đóng tiền học cho con.

Sen nói: “Bao nhiêu tiền kiếm được anh ta đổ hết cho gái. Còn tôi, mỗi ngày bán thuốc lá được 20.000 thì phải lo ăn, lo mặc, lo cho con cái học hành. Không chỉ vậy, tôi còn phải nai lưng ra lo cúng cấp bên gia đình chồng. Hễ có chút trễ nải là lập tức chồng với chị dâu chửi bới không tiếc lời”.

Theo lời các chị, những người chồng của họ chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha. Bởi lẽ, tiền những ông chồng này kiếm được chủ yếu dùng cho việc đánh bạc, bao gái, hay rượu chè. Tồi tệ hơn, họ còn chối từ không thừa nhận đứa con chưa kịp chào đời chỉ vì họ không nhớ hay cố tình không nhớ là họ đã quan hệ chăn gối với vợ mình lần nào mà khiến cô ấy có thai (trường hợp chồng chị Sen).

Có thể nói, những con người như Mai, Thiên, Hoa đang bị cướp đi cái quyền cơ bản như quyền được ăn để sống, quyền được tham gia lao động sản xuất và giao tiếp xã hội. Họ bị dồn ép dưới cái địa ngục núp bóng mỹ từ “gia đình”. Các chị không được tiếp xúc với mọi người xung quanh, không được làm những công việc mình yêu thích. Mai kể, sau đám cưới mấy ngày, chồng cô bắt cô nghỉ việc ở Hội đồng Nhân dân phường để làm việc nhà và phụ giúp anh ta sửa chữa tivi. Vì muốn giữ cho gia đình êm ấm, chị cũng phải nghe theo lời ông và chấp nhận ở nhà là “giúp việc” cho ông. Đã vậy, ông chồng chị Mai còn ngăn cấm chị tiếp xúc với bên ngoài. Chị Mai kể, một hôm, có hai anh trong khu vực đến hỏi về tình hình an ninh trong xóm. Đang tiếp chuyện với hai anh đó thì ông chồng của chị về. Thế là, ngay sau khi họ về, anh ta lôi chị vào buồng, đóng kín cửa, rồi dùng gậy quật liên hồi lên người chị, thậm chí ông ta còn toan tính bóp cổ cho hả tức. May là chị kịp chạy thoát ra khỏi phòng.

Thiên chảy nước mắt nhớ lại câu chuyện của mình hai năm trước, khi cô mang thai đứa con thứ ba. Dạo đó, cô thèm ăn kinh khủng, lúc nào cũng muốn ăn. Có lần không nhịn được, cô đã mua nợ của hàng xóm 3.000 cam. Khi chồng cô biết được, anh ta đã chửi rủa và đánh đập cô tàn tệ.

Không dừng lại ở đó, những người phụ nữ trong bài viết này còn phải chịu đựng sự bạo lực tình cảm. Bốn trong số năm người chồng kể trên có hành vi ngoại tình. Điều này càng làm cho các chị thêm đau khổ và tuyệt vọng. Chồng của Hương đã bỏ mặc cô một mình vào thời điểm cô chuyển dạ sinh nở. Chồng của Thiên thậm chí còn có con riêng với người đàn bà khác. Chồng của Sen và Mai can tâm vui vẻ với người tình, để mặc vợ xoay xở trong cơn lụt thế kỷ năm 1999 với hai đứa con còn dại trên tay.

Bạo lực tình cảm cũng liên quan đến việc chồng cưỡng bức tình dục đối với vợ. Hương nhiều lần bị chồng cưỡng bức, cô cảm thấy đau đớn và ghê tởm mỗi khi quan hệ với anh ta. “Nhiều lần anh ta ép tôi, tôi chỉ muốn cắn lưỡi mà chết phứt cho rồi”, Hương vừa ứa nước mắt vừa kể.

 

Ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với người phụ nữ

Bạo lực gia đình đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả tinh thần lẫn thể xác đối với phụ nữ. Hoa, Hương, Thiên cho biết, họ thường xuyên cảm thấy đau đớn mỗi lẫn bị hành hung. Những vết bầm tím do bị đánh đập ngày mỗi dày hơn, vết cũ chưa lành, vết mới đã xuất hiện. Thêm vào đó, sự thiếu trách nhiệm của chồng đã khiến cho các chị phải lao động quần quật để lo cái ăn, cái mặc của gia đình. Điều này đã tước đi rất nhiều sức lực, khiến chị em lâm vào tình trạng suy nhược cơ thể. “Mặc dù đang ốm, tôi vẫn phải mở hàng, chứ đóng cửa thì lấy gì mà ăn” – Hoa vừa nói, hai tay vẫn làm việc thoăn thoắt. “Mọi thứ đổ dồn lên vai tôi, anh ta có bỏ đồng nào ra đâu”, Sen nói.

Bên cạnh sự hành hạ về thể xác, những nỗi đau tinh thần mà những người chồng mang lại cho các chị cũng không kém phần nghiêm trọng. Cả bốn chị, Hương, Sen, Thiên, Mai đều thừa nhận, việc chồng ngoại tình đã đem lại cho các chị những cú sốc tinh thần nặng nề. Hương nói: “Tôi không ăn, không ngủ được” khi biết mối quan hệ loạn luân giữa chồng mình và em dâu của mình. “Hàng đêm, tôi chỉ mong nghe kinh Phật để tâm hồn được yên ổn”. Sợ hãi và căm ghét chồng đã khiến Hương có cái nhìn tiêu cực về tình dục, cô nói: “Tôi sẽ không bao giờ còn muốn ngủ với đàn ông nữa!”. Còn Sen thì sống trong tâm trạng tuyệt vọng tột độ khi biết chồng ngoại tình: “Trong một thời gian dài, tôi không thể tập trung vào việc gì cả, tôi chẳng muốn buôn bán, làm ăn gì nữa, tôi chỉ muốn chết quách cho rồi”.

Có thể thấy rằng, không có từ ngữ nào có thể lột tả hết được những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà các chị đang phải gánh chịu từ các hành vi bạo hành của chồng. Những mất mát và tổn thương trong cuộc sống, trong tâm hồn họ như một bóng ma đang theo bám. Những tổn thương về tâm lý, tinh thần không thể lượng hóa được, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rắng, các thiệt hại về tài chính mà gia đình và xã hội phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của các vụ bạo hành như các chi phí cho việc chăm sóc y tế sau bạo lực, dịch vụ tư vấn, bảo trợ, chi phí mất năng suất lao động là rất lớn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các chi phí đó không thể tính được vì hầu hết các chị cho biết, các chị không được chăm sóc y tế, không yêu cầu dịch vụ tư vấn và vẫn tiến hành tham gia sản xuất ngay cả khi bị trọng thương. ./

Thu Sửu (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội)

 Các tin khác:
 

Vì sao một kết quả nghiên cứu khoa học chưa được nhân rộng ?04/10/2010

 

Xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh01/10/2010

 

Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh23/07/2010

 

Diệt trừ mai dương: Thách thức và giải pháp28/06/2010

 

Một số suy nghĩ về hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam13/04/2010

 

Một vài nhận định về định hướng phát triển Thừa Thiên Huế sau Kết luận số 48-KL/TW ngày 25-5-200910/03/2010

 

Vệ sinh an toàn thực phẩm – một vấn đề “nóng”26/02/2010

 

Thừa Thiên Huế: Phận gạch trước giờ G26/02/2010

 

Cầu nối để các nhà khoa học và khách hàng trao đổi, mua bán thiết bị, sản phẩm khoa học công nghệ26/02/2010