TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121443
Số người đang truy cập:
157


Văn hoá xã hội

Hướng đi mới cho một làng nghề22/11/2010

Ngày 21/09/2010, Hợp tác xã dịch vụ mây tre đan Thủy Lập được thành lập, đánh dấu hướng đi mới, nhiều hứa hẹn cho một làng nghề giàu truyền thống.

Thôn Thủy Lập nằm dọc theo Tỉnh lộ 14 và thuộc trung tâm xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thủy Lập không chỉ nổi tiếng với những mặt hàng nông sản có giá trị như khoai, đậu, ớt,…nhờ mảnh đất màu mỡ, mà còn được biết đến như là cái nôi của nghề mây tre đan của huyện Quảng Điền từ hàng trăm năm nay. Hơn 90% hộ gia đình trong thôn tham gia đan lát, sản xuất mặt hàng mây tre. Thu nhập từ sản xuất mây tre đan đóng góp một phần lớn trong đời sống, kinh tế – xã hội của địa phương và là nét văn hóa đặc trưng của làng Thủy Lập.

 

Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn ngày bị thu hẹp, nguy cơ người lao động mất việc làm ngày càng lớn. Trong khi sản phẩm mây tre đan của làng chưa có nhiều cải tiến mẫu mã, sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình nên thường xuyên bị ép giá và chịu sự cạnh tranh mạnh của các mặt hàng từ các nguyên liệu khác như nhựa, inox,…Nghề truyền thống của địa phương đang đứng trước nhiều thách thức lớn và cần có những hướng đi mới để phát triển bền vững.

           

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng khôi phục phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đồng thời nhằm phát huy lợi thế về giao thông, nguồn nhân lực trẻ có tay nghề truyền thống, nguyên vật liệu có sẵn dễ khai thác, Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Quảng Lợi nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nghị quyết HDND xã Quảng Lợi  đưa phát triển mây tre đan thành chương trình trọng điểm phát triển tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2010 -2015. HTX DV mây tre đan được thành lập với  40 xã viên tự nguyện tham gia, tổng số vốn ban đầu gần 300 triệu. Trong đó bao gồm vốn cổ phần xã viên đóng góp, vốn cổ đông và vốn tài trợ có lãi. HTX DV mây tre đan Thủy Lập là tổ chức kinh tế tự chủ, lao động có ngành nghề và những người lao động khác có nhu cầu lợi ích, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức thành lập theo quy định của pháp luật. Hoạt động của HTX dựa trên Điều lệ, nguyên tắc chung của Liên minh HTX. Mục tiêu quan trọng của HTX là sản xuất tập trung, song song với cung ứng vật tư, thu mua và bao tiêu sản phẩm nhằm tăng giá trị ngày công lao động của người lao động.

Đại hội thành lập HTX đã thông qua phương án sản xuất, dịch vụ HTX mây tre đan nhiệm kỳ 2010 -2015 chia làm 2 giai đoạn từ 2010 đến 2012 và 2012 đến 2015. Giai đoạn 1: HTX tập trung vào hoạt động kiện toàn bộ máy, nhà xưởng sản xuất và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nhằm định hướng đúng cho sự phát triển lâu dài của HTX, dự kiến tăng thu nhập cho bà con xã viên từ 5-7%/năm. Giai đoạn 2: tổ chức sản xuất tập trung, cải thiện mẫu mã theo hướng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, tiến tới liên doanh xuất khẩu, ổn định thu nhập với mức tăng 13 – 16%/năm. Đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng làng nghề văn hóa tiêu biểu.

Ngay sau khi thành lập, HTX đã được UBND xã Quảng Lợi, phòng Công thương huyện Quảng Điền, HTX mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD), thuộc Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện hỗ trợ tổ chức chuyến tham quan, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ. Chuyến đi đã có được bốn mối cung ứng hàng thường xuyên với số lượng lớn. Cùng với việc trao đổi trong việc đào tạo nâng cao tay nghề giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Trong thời gian sắp tới, CSRD) sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho xã viên thông qua các lớp tập huấn, tham quan học tập. Sự liên kết của các tổ chức chính quyền, các đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và một tổ chức luôn đặt sự phát triển bền vững lên hàng đầu như CSRD trong việc phát triển HTX cho thấy HTX đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi.

Đến thời điểm hiện nay, chỉ sau 3 tháng thành lập, HTX SXDV mây tre đan Thủy Lập tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng đã khẳng định được sứ mệnh lớn của mình trong việc duy trì và phát triển một ngành nghề truyền thống đậm nét văn hóa tại địa phương, góp phần giải quyết các yêu cầu của xã hội về việc làm, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, hòa chung với sự phát triển của tỉnh.

Nguyễn Thị Sâm

 Các tin khác:
 

Tư thương thao túng ‘Vàng trắng”22/10/2010

 

Một ngày bên phá Tam Giang15/10/2010

 

Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế tham gia giải thưởng Sao Vàng Đất Việt với phương châm “Hội nhập và Phát triển”11/10/2010

 

Hậu quả xã hội từ những cuộc di biến của dân công trình04/10/2010

 

Chín Hầm – Địa ngục trần gian và tinh thần đấu tranh bất khuất ủa tù nhân cộng sản01/10/2010

 

Bước khởi đầu cho một ngành học mới – video art – tại Trường đại học Nghệ thuật Huế23/07/2010

 

Biến cố kinh đô Huế năm 1885 và Lễ tế Đàn âm hồn ngày 23 tháng 512/07/2010

 

Du lịch sinh thái trên phá Tam Giang02/07/2010

 

Chủ động phòng chống dịch lợn tai xanh22/06/2010