Từ lâu, bệnh sán lá gan (Fasciola Hepatica) (SLG) đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành như Cao bằng, Hà nội, Nha trang, Đà Nẵng, Quảng ngãi, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh…Tại Huế, bệnh nhi 27 tháng tuổi đầu tiên nhập viện năm 1996. Trong vài năm gần đây, bệnh có xu hướng tăng lên. Nhằm rút ra những kinh nghiệm trong chẩn đoán sớm bệnh và điều trị kịp thời chúng tôi tiến hành nghiên cứu này. Đối tượng nghiên cứu, gồm 8 bệnh nhi được chẩn đoán là SLG được vào điều trị tại Khoa Nhi bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 8/2003 đến 5/2005. Phương pháp nghiên cứu: Bệnh nhân có tiêu chuẩn: lâm sàng, CTM có bạch cầu Eosine tăng cao đều được kiểm tra siêu âm tại Khoa Thăm dò chức năng với máy siêu âm SSD 1100 với 2 loại đầu dò Convex 3,5 MHz, đầu dò linear 7,5 MHz, sau đó được khảo sát tiếp bằng máy siêu âm màu AU4 với 2 loại đầu dò tần số như trên. Lấy máu làm huyết thanh làm test ELISA đặc hiệu cho Fasciola Hepatica (tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh). Thử nghiệm được kết luận dương tính khi hiệu giá kháng thể lớn hơn 1/3200. Các số liệu được thu thập và xử lý theo phương pháp thống kê. Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi đã thu được kết quả như sau: – Tuổi chủ yếu gặp ở lứa tuổi 10-14 tuổi: 6 ca (75%), phù hợp với nhận xét của Phạm Thị Oanh và cộng sự ở Bình Định (68,18%). – Về giới: Nam 2 ca (25%), nữ 6 ca (75%). Trong nghiên cứu của Phạm Thị Oanh và công sự thì nữ giới cũng chiếm 72,73. – Về địa dư: Huế 1 ca (12.5%), Quảng trị 1 ca (12.5%), Gia lai 1 ca (12.5%), Quảng bình 5 ca (62.5%). Bệnh nhân đến chủ yếu từ vùng nông thôn (62,5%).Tương đương với nhận xét của Phạm Thị Oanh là 63,63% tại Bình định. – Lâm sàng: Số bệnh nhân mắc bệnh vào viện hàng năm: trung bình mỗi năm 2-3 ca các năm 2003, 2004, 2005. Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán: Abces gan 1 ca, bán tắc ruột do giun 1 ca, theo dõi sán lá gan 6 ca. Dấu hiệu lâm sàng: đau hạ sườn phải: 8 người (100%), sốt: 3 người (37.5%), đau thượng vị: 2 người (25%), gan to: 4 người (50%), rung gan (+): 6 người (75%), nôn: 1 người (12.5%), rối loạn tiêu hóa: 1 người (12.5%). – Cận lâm sàng: Bạch cầu <12000: 2 người (25%), 12000-15000: 2 người (25%), >15000: 4 người (50%). Bạch cầu ưa axít (n=8): <10%: 1 người (12.5%), 10-20%: 1 người (12.5%), 20-40%: 2 người (25%), >40%: 4 người (50%). VSS (tốc độ lắng máu, n=5): Bình thường: 0, tăng: 5 người (100%). Siêu âm: tổn thương Microabces ở HPT VI,VII, thành đường mật dày: 6 người (75%), nhiều ổ dịch, kèm theo mass (khối) có kích thước >4cm: 2 người (25%). Huyết thanh chẩn đoán: Dương tính: 8 người (100%). Từ những kết quả trên chúng tôi cho rằng: 1. Sơ lược chu kỳ SLG và quá trình gây bệnh: SLG ký sinh ở các loài động vật ăn cỏ. Trứng của chúng theo phân các động vật này tiếp tục phát triển trong nước qua trung gian loài ốc (Limnea). Trứng nở thành ấu trùng chui ra khỏi ốc ký sinh ở các loài rau mọc dưới nước như rau muống, rau ngổ, cải xoong, hoa súng. Người ăn các loại rau này khi không được nấu chín sẽ mắc bệnh SLG. Ba giai đoạn gây bệnh của SLG là: Giai đoạn ủ bệnh, khoảng 2 tuần, chưa có biểu hiện lâm sàng. Giai đoạn xâm nhập của SLG vào nhu mô gan từ 2-3 tháng. Đây chính là giai đoạn bệnh nhân vào viện. Giai đoạn SLG di chuyển đến đường mật gây tổn thương đường mật. Tại đây, chúng đẻ trứng rồi theo mật ra ruột và theo phân ra ngoài. Như vậy, bênh nhân nhiễm SLG là nguồn lây bệnh trong cộng đồng. 2. Hình ảnh siêu âm trong bệnh SLG: SLG sau khi vào ruột xuyên qua thành ruột và xâm nập vào nhu mô gan gây thương tổn bao gan và vùng gan ngoại vi. Do đó, hình ảnh trên siêu âm thường thấy: – Dày bao gan và tụ dịch dưới bao gan. – Nhu mô gan bị SLG xâm nhập gây tổn thương nặng nề, đặc biệt khu vực ngoại vi, thường tập trung ở HPT V-VI-VII. Khả năng các hạ phân thùy này nằm gần ruột hơn nên khi SLG chui qua thành ruột là vào ngay các hạ phân thùy này. Quá trình này gây viêm tổ chức gan, xơ hoá và hình thành các ổ hoại tử, tăng độ hồi âm trong nhu mô gan, tổ chức gan bị thâm nhiễm. Các ổ hoại tử sẽ hoá dịch trung tâm tạo hình ảnh hồi âm kém, chúng sẽ lớn dần tạo nên các ổ microabces có đường kính 0,5-1cm. Quá trình viêm nhiễm, hoại tử, hình thành abces xảy ra liên tục và tạo ra các microabces với nhiều độ tuổi. – Viêm dày thành đường mật: tương ứng với giai đoạn SLG định cư tại đường mật với hình ảnh siêu âm đường mật dày lên và tăng độ hồi âm. – Siêu âm Doppler màu và năng lượng không thấy hình ảnh tổn thương mạch máu vùng viêm nhiễm, các mạch máu không bị xô đẩy, phân bố đều, không có hiện tựơng tăng sinh mạch máu. 3. Test ELISA đặc hiệu cho Fascila Hepatica (+) và công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao là những yếu tố giúp xác định chẩn đoán: – Test huyết thanh Fasciola Hepatica là một phản ứng ngưng kết. Thử nghiệm được kết luận (+) khi hiệu giá kháng thể lớn hơn 1/3200. – Sự gia tăng bạch cầu ái toan cũng là một dấu hiệu đặc trưng cho tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Trong giai đoạn xâm nhập bạch cầu ái toan có thể lên tới 70% và giảm dần ở giai đoạn gan mật những vẫn luôn > 10%. 4. Việc phát hiện SLG ở tuổi nhỏ đã bác bỏ những quan niệm trước đây cho rằng SLG chỉ dễ xuất hiện ở những người hay ăn thịt sống, gỏi cá. Đường lây nhiễm này chỉ thấy ở bệnh SLG bé (Clonorchis Sinensis). Còn SLG lớn Fasciola Hepatica đường lây nhiễm có thể qua việc ăn uống các loại rau dưới nước không được nấu kỹ. Như vậy, cần lưu ý ba vấn đề sau đây. Một là, bệnh SLG vẫn còn xu hướng tăng ở các tỉnh miền Trung. Hai là, Trước một bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng gan mật, các hình ảnh siêu âm đặc trưng, xét nghiệm công thức máu bạch cầu ái toan tăng cao thì nên tiến hành xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân. Ba là, bệnh SLG với đường lây nhiễm qua việc ăn uống các loại rau dưới nước không được nấu kỹ, vì vậy phương pháp phòng bệnh hữu hiệu là ăn các loại rau nấu chín kỹ.
ThS. PHẠM HOÀNG HƯNG, BS. NGUYỄN THÁI HƯNG, ThS. NGUYỄN PHƯỚC BẢO QUÂN
|