![]() |
|
![]() |
|
|
|
![]() |
Tổng số truy cập: |
1456516 |
Số người đang truy cập: |
477 |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Diễn đàn |
|
||
Làng gốm cổ Phước Tích có truyền thống hơn 500 năm, được đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền xây dựng cơ bản chỉ phục vụ cho mỗi dịp festival, sau lễ hội thì rơi vào cảnh hoang phế.
Làng nghề thôi đỏ lửa Làng Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) được khởi dựng vào năm 1470, dưới đời vua Lê Thánh Tôn. Cùng với việc lập làng, những lưu dân phía Bắc vào đây mang theo nghề gốm và qua thời gian đã làm nên tên tuổi hàng gốm Phước Tích. Cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa, sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè…Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích. Hàng năm, làng đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan làng cổ.
Những sản phẩm làm ra được chất đống trong kho. Thế nhưng, đến nay, gốm cổ Phước Tích chỉ đỏ lửa khi có dịp lễ hội Festival về, và sau lễ hội thì đóng cửa, cỏ mọc um tùm. Bên trong nhà kho, nhiều sản phẩm gốm, om, chậu, trách, chum…được chất đống, nằm vất vưởng sau cánh cửa đóng chặt. Mệ Lương Thị Bê, 73 tuổi, người đã gắn bó với gốm cổ Phước Tích hơn 30 năm về trước buồn bã nói: “Ngày xưa, khi mệ còn trẻ cả làng này sản xuất gốm không đủ bán cho trong và ngoài tỉnh, cả làng này nhà nào cũng có lò gốm, họ sống nhờ gốm đó con, nhưng chừ thì nhà nước đầu tư khôi phục xong rồi cũng bỏ hoang, sau lễ hội là lò lại tắt lửa”. Theo mệ Bê, khi gốm cổ Phước Tích bắt đầu xuống dốc rồi tắt lửa, con cháu trong làng phần lớn chọn con đường lập nghiệp phương xa, chỉ còn lại những cụ già và một ít thanh niên làm nghề thủ công. Giờ bọn trẻ nó không còn mặn mà với gốm cổ nữa. Số lò nung gốm chỉ còn 1, và nghệ nhân gốm thế hệ trước, nay còn không tới chục người. Dù trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tài trợ cho bốn thanh niên (làm nghề kim hoàn, thợ may) trong làng đi đào tạo để về phục dựng lại làng nghề gốm Phước Tích. “Một tử thi đã chết lâu rồi”! Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế trăn trở: “Chúng tôi thừa nhận là hiện nay gốm cổ Phước Tích chưa phát huy được hiệu quả, cái khó nhất hiện nay là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được đầu ra cho sản phẩm và người đứng ra để tổ chức sản xuất. Cho nên, việc sản xuất gốm cổ chỉ dừng lại là phục vụ cho lễ hội là chính”. Theo ông Nguyện, quan điểm của xã, huyện là không thể bỏ làng gốm cổ, nhưng việc phát triển hiện nay rất khó khăn. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng: “Ở Phước Tích có những di chỉ gốm cổ cực kì quý báu, càng đào sâu thì càng thấy những mảnh gốm quý, nhưng khi không tìm được chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm không đủ sức thu hút khách, gốm cổ Phước Tích như một tử thi đã chết lâu rồi. Bây giờ gốm Phước Tích đang sống thoi thóp trong sự gượng ép của con người và theo thời gian rất dễ bị mai một”. Theo ông Phan, cho đến bây giờ những nhà quản lý vẫn chưa tìm ra được những câu trả lời thỏa đáng nên kết quả không đạt như điều mình mong muốn. Điều đó đòi hỏi những người có trách nhiệm phải đặt ra những câu hỏi thật nghiêm túc để có những kết quả nghiêm túc, như làm thế nào để cứu làng nghề gốm cổ Phước Tích hiện nay đang thoi thóp? Có thể phục hồi gốm truyền thống Phước Tích được không? Làm với mục đích gì, và làm sao cho có hiệu quả? Tất cả những câu hỏi đó chúng ta phải có câu trả lời thật nghiêm túc để thực hiện, chứ không thể để vất vưởng, sau lễ là xẹp được. Nguyễn Phương |
Các tin khác: | ||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|