![]() |
|
![]() |
|
|
|
![]() |
Tổng số truy cập: |
1456517 |
Số người đang truy cập: |
478 |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Diễn đàn |
|
||
Nghệ thuật vườn và ẩm thực cung đình là hai di sản văn hóa đặc biệt của cố đô Huế. Festival nghề truyền thống năm nay không chỉ là cơ hội để quảng bá và tôn vinh hai di sản trên mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại một cách đầy đủ, toàn diện hơn về giá trị thực sự của chúng cùng giải pháp để các di sản ấy được phát huy tốt nhất. Từ góc độ của một người làm công tác bảo tồn, tôi xin đề xuất một vài ý kiến về vấn đề này.
1. Vườn cung đình hay vườn ngự là tinh hoa của nghệ thuật làm vườn, nghệ thuật hoa kiểng và kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Trong thời thịnh Nguyễn, tại kinh đô Huế từng tồn tại hàng chục khu vườn ngự tuyệt đẹp, trong đó có cả cung viên (vườn trong cung) như Thiệu Phương viên, Ngự viên, Cơ Hạ viên, Trường Ninh cung, có cả biệt cung như Khánh Ninh cung, Bảo Định cung, Thường Mậu viên, Thư Quang viên, và có những ly cung như Dữ Dã viên, Khiêm cung… Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, hầu hết các khu vườn trên đều bị hủy hoại bởi nhiều lý do khách nhau[1]. Việc phục hồi những khu vườn trên chắc chắn là ước ao, nguyện vọng của nhiều, rất nhiều người yêu quý di sản văn hóa Huế. Nhưng ngày nay chúng ta không thể phục hồi toàn bộ các khu vườn trên dù có đủ tiền bạc và quyền để thực hiện công việc đó. Điều nay là do điều kiện lịch sử đã thay đổi, bản thân phần lớn các khu vườn trên đã bị triệt giải hoặc thay đổi công năng ngay trong thời Nguyễn; mặt khác là do thiếu thốn các tư liệu lịch sử và nhiều nhân tố khác. Phục hồi vườn ngự đòi hỏi rất nhiều thứ: tiềm lực vật chất, tư liệu lịch sử, sự am hiểu và khả năng sáng tạo nghệ thuật (bao gồm cả nghệ thuật tạo kiểng, đắp non bộ, tạo dòng nước và xây dựng các kiến trúc nghệ thuật). Không chỉ chúng ta còn rất khó khăn về tiềm lực vật chất mà các yếu tố sau cũng còn rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân tài hoa- những người sẽ góp phần quyết định làm nên linh hồn của các khu vườn ngự. Bởi vậy, phục hồi vườn ngự phải là một quá trình lâu dài, được đầu tư chuẩn bị công phu về nhiều mặt, trong đó yếu tố quan trọng nhất là con người. Về những khu vườn có khả năng và điều kiện phục hồi, theo tôi, ngoài 4 khu vườn trong hoàng cung (vườn Thiệu Phương, Ngự viên, vườn Cơ Hạ và Hậu Hồ[2]) thì chỉ có Tịnh Tâm hồ và Dữ Dã viên là có khả năng này. Tuy nhiên, để phục hồi được những khu vườn trên đây cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn và có bước đi thích hợp thì mới có thể đạt được thành công. Việc đầu tư có tầm chiến lược để đào tạo con người là hết sức cần thiết. Chúng ta đang có thuận lợi lớn là đã được Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020, đề án xây dựng Thành phố Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, đề án xây dựng Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của cả nước và khu vực…tuy nhiên đó đều là những đề án tổng thể. Chúng ta đang rất thiếu những dự án cụ thể để triển khai các nội dung của các đề án trên một cách hiệu quả. Vì vậy, trước mắt cần đầu tư xây dựng những dự án có tính khả thi cao trong việc đào tạo nhân lực và chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có việc phục hồi hệ thống vườn cung đình. Việc tập hợp và đào tạo nghệ nhân đòi hỏi phải có chính sách đúng và thông thoáng, bởi không thể xem nghệ nhân như các đối tượng lao động nghề nghiệp thông thường. Huế có lợi thế là vẫn còn đội ngũ nghệ nhân làm kiểng giỏi, một số vẫn giữ được bí quyết của nghệ thuật tạo kiểng kiểu cung đình. Tuy nhiên, do thiếu điều kiện để phát huy (nhất là thiếu vốn) nên tại Huế lại ít có điều kiện giữ được những tác phẩm xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Chính vì vậy, không chỉ cần có chính sách đào tạo nghệ nhân mà còn cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện để một đơn vị, cá nhân giữ được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Trung tâm BTDTCĐ Huế phải trở thành một trong những đầu mối quan trọng nhất để thực hiện công việc này. Bên cạnh đó là việc truy tìm, sưu tầm, gìn giữ và phát triển nghệ thuật đắp gỉa sơn (bao gồm cả đắp núi và làm non bộ), nghệ thuật xử lý yếu tố nước trong vườn theo đúng kiểu truyền thống Huế. Những nghệ nhân thực thụ am hiểu và có tay nghề cao trong lĩnh vực này đang trở nên rất hiếm. Bởi vậy, công việc này nếu không nhanh chóng thực hiện thì Huế sẽ rất khó phục hồi được những khu vườn cung đình đúng nghĩa. Huế hiện tại đang mở ra rất nhiều công trường trùng tu di tích, đó là điều kiện hết sức thuận lợi để quy tụ, đào tạo đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề về mộc, nề ngõa và các ngành nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, cơ hội để phục hồi những kiến trúc quy mô nhỏ nhưng tinh túy và mang giá trị nghệ thuật cao như đình, hiên, lang, tạ, kiều, các…, những loại hình kiến trúc đặc trưng của vườn cảnh cung đình lại chưa nhiều. Đây cũng là điểm cần hết sức chú ý. Sẽ không phục hồi vườn ngự thành công nếu không giải quyết được vấn đề này. 2. Nghệ thuật ẩm thực cung đình rõ ràng là một di sản rất đáng giá của Huế. Dù chế độ quân chủ không còn nhưng khả năng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này vẫn rất khả quan nếu chúng ta có sự nhìn nhận và đầu tư đúng hướng. Thuận lợi lớn cho việc nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế là những tư liệu lịch sử vẫn còn khá phong phú. Sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau giữa ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian cùng những bí quyết, nhân chứng sống..vv… cũng là một thuận lợi lớn cho việc bảo tồn và phục hồi nghệ thuật ẩm thực cung đình. Đương nhiên, phải kể đến một thuận lợi quan trọng khác là thương hiệu của vùng đất Thần kinh cùng việc Huế trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát huy những lợi thế đó đang diễn ra một cách rất tự phát. Mới chỉ có một số cá nhân, tổ chức (chủ yếu là nhà hàng, khách sạn) biết tận dụng thương hiệu của ẩm thực cung đình để kinh doanh, đem lại lợi nhuận, nhưng sự tận dụng này còn nhỏ, lẻ, thiếu tính hệ thống do thiếu sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng một cách bài bản. Tôi cho rằng, Huế cần phải có những dự án chiến lược để đầu tư nghiên cứu và ứng dụng một cách bài bản nhằm bảo tồn và phát huy tối đa lợi thế vốn có này. Công việc này trước hết nhà nước phải làm, sau đó mới chuyển giao và tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng, phát huy. Cũng cần phải hết sức chú ý đến việc đăng ký và bảo vệ thương hiệu. Không thể để tình trạng sử dụng thương hiệu ẩm thực cung đình một cách tự phát, dễ dãi và tràn lan như hiện nay. 3. Khả năng kết hợp để bảo tồn và phát huy vườn cung đình và nghệ thuật ẩm thực cung đình là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Ngày xưa, các vua Nguyễn thường tổ chức yến tiệc tại các vườn ngự nổi tiếng để chiêu đãi khách quý hoặc các tiến sỹ tân khoa. Các khu vườn như Thiệu Phương viên (bên cạnh Duyệt Thị Đường), Cơ Hạ viên (phía bắc phủ Nội Vụ) trong Hoàng cung hay vườn Thư Quang, vườn Thường Mậu (ngoài Hoàng cung)… là những nơi thường tổ chức các sự kiện này. Điều đó đã được ghi lại trong sử sách, trong rất nhiều tác phẩm văn chương, thi phú của vua, quan triều Nguyễn. Ngày nay, chúng ta đã sử dụng không gian nhà hát cổ Duyệt Thị Đường để kết hợp phát huy phần nào di sản ẩm thực và âm nhạc cung đình Huế (kể cả trong Festival Nghề truyền thống lần này). Tuy nhiên, sự phát huy ấy còn khá hạn chế, và cũng chưa gắn kết được với các không gian vườn cảnh cung đình gần đó, như vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ… Như vậy, rất cần có một sự nghiên cứu công phu để thực hiện sự kết hợp bảo tồn và phát huy giá trị của hai di sản trên. 4. Một kế hoạch thiết thực cho sự kết hợp trên: Theo tôi, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp để cùng phát huy giá trị của cả hai di sản trên một cách hợp lý. Trước hết, trong địa bàn khu di sản Huế, sự kết hợp trên có thể tiến hành như sau: – Quy hoạch lại để phát huy tối đa không gian văn hóa cung đình vốn có: Chuyển toàn bộ khu phủ Nội Vụ làm khu vực khai thác các dịch vụ văn hóa cung đình, trong đó có nghệ thuật ẩm thực[3]. Đồng thời xem đây là điểm trung tâm để kết nối với các không gian văn hóa khác, mà chủ yếu là giữa phủ Nội Vụ với Duyệt Thị Đường – vườn Thiệu Phương – Ngự Viên, và trục phủ Nội Vụ – vườn Cơ Hạ – Hậu Hồ để phát huy thương hiệu vườn cung đình, kết hợp với nghệ thuật ẩm thực và các hình thức diễn xướng cung đình. – Tổ chức triển lãm cây, hoa kiểng tại không gian các khu vườn ngự cũ để phát huy và gây dựng lại thương hiệu vườn cung đình, đồng thời lựa chọn những cây, hoa đẹp, tiêu biểu nhất của nghệ thuật kiểng cả nước, làm cơ sở cho việc phục hồi vườn cung đình. – Xây dựng các dự án bảo tồn, trùng tu phục hồi hệ thống vườn cung đình, trước hết là hệ thống vườn trong Hoàng cung. Đầu tư cho dự án đào tạo nghệ nhân tạo kiểng, nghệ nhân đắp giả sơn, nghệ nhân chuyên xử lý, tạo dòng nước, nghệ nhân mộc, nề, ngõa… và tiến hành thử nghiệm từng bước tại các khu vườn ngự này. – Hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong việc phục hồi vườn cảnh nghệ thuật (nhất là Trung Quốc, Nhật Bản[4]) và tiến hành dự án nghiên cứu phục hồi hệ thống vườn cung đình theo một lộ trình khoa học, phù hợp với điều kiện và khả năng của Huế. – Tuy nhiên, cần chú ý là vườn cung đình Huế vốn là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật vườn cảnh của cả nước (và khu vực) nên trong bối cảnh hiện tại vẫn rất cần một cuộc “tái trưng tập” (cách dùng từ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông) nhân tài, vật lực của cả nước về Huế trong khả năng tối đa có thể. Điều đó càng đòi hỏi Thừa Thiên Huế cần phải có một chiến lược đúng và những chính sách phù hợp.
TS. Phan Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
[1] Vườn cảnh nghệ thuật, theo tiêu chí của các nước phương Đông, thường được phân thành các loại: vườn cảnh dân gian, vườn cảnh tôn giáo (chùa, miếu), vườn cảnh quý tộc và vườn cảnh cung đình. Trong vườn cảnh cung đình (vườn hoàng gia hay vườn ngự) lại chia thành các loại: cung viên, biệt cung, ly cung… Xem thêm bài “Vườn cung đình Huế” của cùng tác giả trên Di sản nhà vườn xứ Huế, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Huế- Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế – Văn phòng Festival Huế phối hợp xuất bản. Huế, 5/2002.
[2] Cung Trường Ninh (Trường Sanh) bản thân cũng là một cung viên, nhưng đã thay đổi chức năng từ thời vua Đồng Khánh. Hiện nay, dự án trùng tu khu vực này đang được thực hiện theo hướng thích nghi, vừa bảo tồn và phục hồi một phần dấu tích của hoa viên xưa (lạch nước, non bộ), vừa phục hồi những công trình kiến trúc dành cho cư trú (sau khi đã thay đổi chức năng từ thời vua Đồng Khánh) [3] Hiện nay, hàng năm có đến hơn một triệu lượt khách đến tham quan khu vực Hoàng cung Huế (Hoàng thành và Tử Cấm thành), tuy nhiên, tại khu vực rộng hơn 36ha vẫn chư có một khu dịch vụ đúng nghĩa và tương xứng với vị thế vốn có. Khu vực phủ Nội Vụ (mới được Trường Đại học Nghệ thuật Huế bàn giao lại cho Trung tâm BTDTCĐ Huế) là nơi thích hợp nhất để làm việc này. Hiện nay, dự án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phủ Nội Vụ đang được giao cho Viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng- Bộ Xây dựng thực hiện. [4] Tại Trung Quốc, phần lớn các khu vườn cảnh nghệ thuật từ vườn tư nhân (tiêu biểu là hệ thống vườn cảnh Tô Châu) đến vườn cung đình (chủ yếu là vườn ở Bắc Kinh, Hà Bắc) đều đã được trùng tu, phục hồi sau năm 1949 nhưng nay đều đã trở thành Di sản văn hóa thế giới. Tại Nhật Bản, người ta đã phục hồi các vườn cảnh cung đình ở Nara, Kyoto rất thành công thông qua một quá trình nghiên cứu rất công phu. Hiện nay, Huế đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu của các nước này. |
Các tin khác: | ||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|