TIN NHANH
 

BTC trân trọng mời các em từ 06 đến 19 tuổi tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ V, năm 2011-2012. Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Chuyên mục “Giải thưởng – Hội thi” của website này hoặc liên hệ cơ quan thường trực Cuộc thi: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế – số 06 Phan Bội Châu, Huế – ĐT: 3845091.



Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (Centre for Social Research and Development – CSRD) đang cần tuyển 01 cán bộ quản lý – điều hành (Operational Manager). Người được tuyển dụng phải là thạc sỹ trở lên. Mức lương thỏa thuận, từ 8 triệu đồng trở lên mỗi tháng. Thời hạn nộp hồ sơ: từ ngày 01/11/2011 đến hết ngày 30/11/2011 tại trụ sở của CSRD 02/33 Nguyễn Trường Tộ, TP Huế, ĐT: 0543. 837 714, 0905 775 515 (gặp cô Hoàng), email: hoang.csrd@gmail.com.  



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1456513
Số người đang truy cập:
474


Văn hoá xã hội

Nếu không có những cuộc giao lưu quốc tế thì chúng ta như ‘ếch ngồi đáy giếng’…28/07/2011

 

Triển lãm mỹ thuật đương đại Việt Nam – Thái Lan lần thứ 7 được tổ chức tại Thái Lan vừa qua được đánh giá là có sự tham gia đông đảo nhất và thành công nhất từ trước đến nay với 11 trường đại học mỹ thuật của hai nước tham gia. Tiến sĩ Phan Thanh Bình (ảnh bên), Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế đã có những chia sẻ đầy thú vị về triển lãm ấn tượng này sau chuyến trở về từ Thái Lan. 

*Ấn tượng đầu tiên của ông khi tham dự triển lãm lần này? Và cả những ấn tượng tiếp đó nữa là gì? 

Triển lãm có tổng cộng có gần 300 tác phẩm, với nhiều phong cách, thủ pháp sáng tạo khác nhau, nhưng trên hết là vẫn nhận ra tính cách dân tộc trong các cấu trúc nghệ thuật hiện đại của mỗi bên. Sự có mặt lần đầu của các trường mỹ thuật Songkla, Khonkhaen, Rajamangala, Thammasat đem lại nhiều hứng thú cho công chúng và sự quan tâm của các hoạ sĩ hai bên. Cái mới của triển lãm này là được di chuyển trưng bày ở nhiều thành phố và vùng miền khác nhau, cách xa nhau trên đất Thái chứ không chỉ ở thủ đô và vài thành phố lớn như các triển lãm trước, lần đầu tiên triển lãm được tổ chức tại Đại học Songkla tận miền Nam nước Thái, nơi mà ông hiệu trưởng Pichet Plaklin nói rằng đang từng ngày máu đổ bởi các nhóm cực đoan và triển lãm này là sự xoa dịu tinh thần quý giá đối với người dân nơi đây. Quy mô triển lãm cho thấy phía bạn chuẩn bị rất công phu cho triển lãm này. Việc cựu thủ tướng Thái Lan là ông Chuanlatpai có mặt cắt băng tại triển lãm mở đầu ở Chiang Mai cho thấy họ chuẩn bị tâm lý tốt như thế nào vì 16 năm trước, khi ông ấy đang là thủ tướng cũng đã đến cắt băng Triển lãm mỹ thuật Việt Nam – Thái Lan đầu tiên ở Bangkok. Khâu quảng bá của họ cũng rất tốt và tinh tế. Bất kỳ người dân Thái nào chứ không chỉ là sinh viên mỹ thuật đều có thể có một catalogue của triển lãm khi đến xem. Họ đến với mỹ thuật rất tự tin và thích thú chứ không rụt rè như một số công chúng của ta. Không khí triển lãm đem lại cảm giác trang trọng, cao cấp… 

*Ông vừa nói rằng không khí triển lãm đem lại cảm giác trang trọng, cao cấp. Ở Huế khó mà có thể có được không khí triển lãm đó. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thu hút, hướng sự tham gia của người dân đến với triển lãm mang giá trị văn hóa nghệ thuật cao? 

Ở Huế, may mắn là có công chúng mỹ thuật thực sự, nhưng do không có chỗ trưng bày thường xuyên, triển lãm nào cũng đi mượn không gian, lúc thì ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, lúc thì tại Trung tâm văn hóa Phương Nam, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế, có khi mượn cả sảnh Thư viện tỉnh… Cả thành phố sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương mà không có lấy một nhà trưng bày triển lãm thì thật buồn. Công chúng vì vậy mà đến với triển lãm cũng thất thường, giá mà có một không gian triển lãm thực sự thì chắc chắn tạo ra thói quen tốt cho công chúng và trên hết làm cho bộ mặt và đời sống văn hóa Huế đỡ nghèo nàn đi.  

*Trở lại với Triển lãm mỹ thuật đương đại Việt Nam – Thái Lan, ông đánh giá thế nào về chất lượng tác phẩm, sự phong phú về chủ đề, đề tài, chất liệu tác phẩm tại triển lãm lần này?  

Chất liệu và đề tài triển lãm này thật đa dạng, phong phú, có một vài chất liệu đồ họa thử nghiệm của phía bạn làm công chúng tò mò, thích thú và được chính các hoạ sĩ tác giả giải thích cặn kẽ, cho dù ai cũng biết không dễ gì mà tiếp cận được tất cả. Loại tranh digital print chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng lại đem lại sự cảm nhận thú vị cho người xem bởi cách xử lý hình ảnh và bố cục khác lạ của chúng mà dường như không phải ai cũng thấy quen mắt như tác phẩm Nkidot của Saman Suppasri (Burapha), Mes Fleures Magnifiques của Rapee Leelasiri (Thammasat). Chất liệu tổng hợp được các hoạ sĩ Thái dùng khá nhiều, hầu như cả 8 trường Thái đều có, nhưng cũng có chất liệu in đá chỉ hai bức duy nhất cũng đủ làm công chúng thán phục đó là tác phẩm Aimless của Bancha Nangsue và Monk của Panya Vijinthanasarn (Silpakorn). Công chúng Thái và đặc biệt là sinh viên rất quan tâm đến tranh lụa và tranh sơn mài của các trường mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trương Phi Đức, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã dành khá nhiều thời gian chú giải tác phẩm, trả lời các câu hỏi của khách xem tranh tại Chiang Mai. Điều này cho thấy giá trị truyền thống của mỹ thuật Việt Nam là rất bền vững, là những thuộc tính văn hoá cần được quan tâm tăng cường hơn trong giáo dục, đào tạo ở các trường mỹ thuật Việt Nam, có lẽ cần đặt ra vấn đề về sự phát triển mỹ thuật truyền thống dân tộc sao cho thật sự hài hoà bên cạnh phát triển hoà nhập nghệ thuật mới.  

* Từ triển lãm lần này tại Thái Lan, Trường ĐHNT Huế học hỏi được gì trong cách thức đào tạo sinh viên, hoạt động tổ chức triển lãm và thu hút sự tham gia của nghệ sĩ và công chúng đến với triển lãm? 

Nếu không có những cuộc giao lưu quốc tế như thế này thì chúng ta như “ếch ngồi đáy giếng”. Đây thực sự là bài học kinh nghiệm quý giá đối với chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi có dự định sẽ có một số thay đổi trong hoạt động đào tạo, triển lãm tại Trường ĐHNT Huế thời gian tới đây. Thực ra, chính yêu cầu phát triển mỹ thuật và nhu cầu người học, xu thế thời đại làm chúng tôi thấy cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa, kẹt là điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của Trường ĐHNT còn quá nghèo nàn, sự quan tâm của Đại học Huế đối với trường trong những năm qua là không nhiều, Trường sớm về Bộ VH-TT&DL ngày nào thì ngày đó mới hy vọng đổi khác. Chúng ta thấy rõ và đôi khi giật mình về sự cứng nhắc về mặt đề tài trong sáng tạo, trong quy thức đào tạo, cần khẳng định đào tạo phải coi trọng ý tưởng, tư duy nghệ thuật, người thầy gợi mở và định hướng để sinh viên  ra trường không bị kiểu hàng loạt giống nhau và không có cái riêng. 

* Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng hợp tác giữa Trường ĐHNT Huế với các trường đại học mỹ thuật Thái Lan trong thời gian tới và những cơ hội sẽ tiếp tục mở ra từ đó? 

Những giải thưởng quốc tế và trong nước như Giải Nhất NOKIA của sinh viên Lê Võ Tuân (2001), Giải Excellent Đồ họa quốc tế của giảng viên Nguyễn Hải Hoà (2009), Giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học Toàn quốc duy nhất của Đại học Huế năm 2009 và Huy chương Bạc Triển lãm mỹ thuật sinh viên toàn quốc của sinh viên Trần Sông Lam và mới đây là giải Grand Prize về thiết kế khăn gói quà Nhật Bản của sinh viên Phan Khánh Trang (2010) là những giải mà các trường đại học mỹ thuật khác ở Việt Nam chưa có. Nghiên cứu sinh Trần Hậu Yên Thế, Trưởng phòng Khoa học Đại học Mỹ thuật Việt Nam khi vào Huế đã phải thốt lến rằng: “Tôi không ngờ trường Huế “thoáng” như thế, sinh viên rất năng động và táo bạo trong sáng tạo. Làm thế nào mà trường có thể đưa các loại hình nghệ thuật mới như Video Art, Sắp đặt, trình diễn vào chương trình “hay như thế”?!”. Ngay cả họa sĩ Thụy Điển là Micain khi đến Trường ĐHNT Huế dạy cũng bất ngờ trước việc nhà trường đã tạo điều kiện cho giảng viên trẻ và sinh viên làm nghệ thuật mới. Chính vì vậy khoá học Video Art của ông đã rất thành công. Đúng vậy, cứ nghĩ 16 năm trước nếu họa sĩ Trương Bé  Hiệu trưởng bấy giờ của Trường ĐHNT Huế không ký kết hợp tác quốc tế với Thái Lan thì liệu ngày nay sinh viên Huế có được tầm nhìn và tư duy đổi mới thế không? Giảng viên có được sự khát khao công hiến và năng lực sáng tạo như thế? Đó chính là hiệu quả rất lớn mà sự hợp tác này đem lại. 

Trong Hội thảo thuộc phạm vi triển lãm với sự có mặt của lãnh đạo 11 trường đại học mỹ thuật hai nước do GS Nonthivathn Chandhanaphalin (Đại học mỹ thuật Mahasarakham) chủ trì, phía bạn đã đánh giá cao tinh thần hợp tác hiệu quả, uy tín chuyên môn cao và sự nhiệt tình trong trao đổi nghệ thuật giữa Việt  Nam và Thái Lan. Đồng thời Hiệu trưởng Đại học Chiang Mai đã cam kết tiếp tục nâng cao một bước hiệu quả hợp tác quốc tế bằng việc sẽ tạo điều kiện cho giảng  viên trẻ Việt Nam học thạc sĩ tại đây và dành cho Việt Nam 2 học bổng thạc sĩ. ĐH Silpakorn – Bangkok mời gọi giảng  viên Việt  Nam đến học sau đại học. Riêng Đại học Khonkaen dành cho Trường ĐHNT Huế 2 học bổng tiến sĩ và cam kết ưu tiên cho Trường ĐHNT Huế trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ… Ngay sau triển lãm này 10 ngày, Trường ĐHNT Huế lại tiếp tục gửi đến Đại học mỹ thuật Mahasarakham 26 học viên để học sau đại học, nâng tổng số học viên Việt Nam học ở đây do Trường ĐHNT Huế phối hợp tuyển sinh là 72 người. Con số này không đáng kể so với các ngành khác, nhưng với ngành mỹ thuật Việt Nam, đây là con số rất đáng nể và minh chứng cho hiệu quả và triển vọng hợp tác rất lớn giữa hai bên… Điều đọng lại sau triển lãm quốc tế giữa các trường mỹ thuật Việt Nam và Thái Lan lần này là hai bên đã gần như quá quen thuộc trong cái nhìn của nhau, chính vì vậy hai bên đều mong muốn có một “cú hích” thật sự để làm mới hơn cho một chương trình trao đổi đã có hơn 15 năm thử thách và có những đóng góp to lớn cho các trường đại học mỹ thuật ở Việt Nam, đặc biệt là Trường ĐHNT Huế. Tất cả những điều như vậy vẫn là điều trong suy nghĩ của chúng ta và hy vọng đến năm 2012 khi tổ chức tại Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực và cần thiết. 

*Xin cảm ơn ông. 

                                                                                    Ngọc Hà (thực hiện) 

 Các tin khác:
 

Lê Qúy Đôn – Nhà bác học lớn của Việt Nam thế kỷ XVIII14/07/2011

 

Xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”04/05/2011

 

Tứ phương vô sự và khát vọng hòa bình21/04/2011

 

Thừa Thiên Huế khai thác tiềm năng du lịch biển15/04/2011

 

Thoi thóp làng gốm cổ Phước Tích15/04/2011

 

Thừa Thiên Huế: Nhìn lại chặng đường hơn 01 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị09/02/2011

 

Hướng đi mới cho một làng nghề22/11/2010

 

Tư thương thao túng ‘Vàng trắng”22/10/2010

 

Một ngày bên phá Tam Giang15/10/2010