TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121463
Số người đang truy cập:
182


Số 9 – Quý I – 2006

Đất nước, con người

Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách – một nhà khoa học tài năng, một nhà giáo tâm huyết, một thầy thuốc nhân hậu

Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách sinh ngày 25-02-1946 tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức yêu nước, nguyên quán làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông cụ thân sinh ra Anh là một giáo sư Ngoại khoa mà tên tuổi từng nổi tiếng không những ở trong nước mà cả thế giới: Giáo sư Tôn Thất Tùng. Anh đã vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Tôn Thất Bách.
Chẳng bao lâu sau khi ra đời, Anh đã phải theo mẹ Vi Nguyệt Hồ và các bà Vi Kim Phú (vợ Giáo sư Hồ Đắc Di), Vi Kim Ngọc (vợ Giáo sư Nguyễn Văn Huyên) tản cư lên Sơn Tây, ghé vào làng Mông Phụ, quê hương cụ Phan Kế Toại, rồi vượt sông Hồng lên Phú Thọ, đi bộ lên Tuyên Quang, xuống thuyền ngược dòng Lô lên Chiêm Hoá. Lúc bấy giờ, Trường Đại học Y đóng ở làng Ải, giữa rừng xanh Chiêm Hoá. Tại đây, Tôn Thất Bách sống qua thời thơ ấu.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội khoá 1963-1969, Anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy Bộ môn Ngoại. Với năng khiếu bẩm sinh trong lĩnh vực phẫu thuật cùng với sự dìu dắt của người cha và những bậc thầy nổi tiếng ở Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức, Anh đã sớm trở thành một phẫu thuật viên rất có uy tín, nhất là trong phẫu thuật tim mạch, gan mật. Anh vừa giảng dạy ở Trường Đại học Y Hà Nội, vừa là phẫu thuật viên của Bệnh viện Việt Đức.
Bên cạnh nhiệm vụ của người thầy giáo và người thầy thuốc, Anh được giao nhiều trọng trách như: Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trong hai nhiệm kỳ liền (cho tới tháng 6 năm 2003), Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc bệnh viện Việt Đức từ tháng 7-2003 đến khi mất.
Tấm huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng Trường Đại học Y Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập là sự đánh giá xứng đáng công lao và thành tựu của trường, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nhà giáo Nhân dân Tôn Thất Bách.
Phó Giáo sư Tôn Thất Bách còn là Đại biểu Quốc hội các khoá IX, X và XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XI.
Trong một thời gian khá dài, Phó Giáo sư Tôn Thất Bách còn được Trường Đại học Y Hà Nội phân công trực tiếp phụ trách việc đào tạo Bác sĩ Nội trú tại Bệnh viện Việt Đức. Anh tham gia biên soạn nhiều giáo trình, hướng dẫn luận văn cho nhiều loại đối tượng khác nhau: tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú bệnh viện…
Anh đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở, trong đó, có nhiều đề tài đã được đánh giá xuất sắc như: “Môi trường – sức khoẻ và mô hình bệnh tật một số vùng kinh tế trọng điểm – Đề xuất giải pháp”…
Tính đến năm 2003, Anh đã công bố 37 công trình khoa học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín học thuật. Hầu hết các công trình của anh được thực hiện sau khi người thầy, người cha – Giáo sư Tôn Thất Tùng đã qua đời.
Là một nhà khoa học tài năng, Anh đã có nhiều cố gắng đóng góp xứng đáng cho khoa học, đặc biệt đối với sự phát triển của ngành ngoại khoa. Anh là phẫu thuật viên hàng đầu của ngành ngoại khoa Việt Nam. Anh là nhà phẫu thuật gan, mật, thay van tim nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới. Anh luôn nêu cao phong cách người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa. Anh luôn đảm nhiệm những ca mổ khó, những ca mổ mà tiên lượng là nặng, rất nặng. Anh làm hết khả năng của người thầy thuốc để giành lại sự sống cho người bệnh.
Với cương vị là đại biểu Quốc hội ba khoá liền IX, X và XI, Phó Giáo sư Tôn Thất Bách bằng những ý kiến thẳng thắn, đầy trách nhiệm trước cử tri, đã phản ánh và bênh vực những nguyện vọng chính đáng của người dân. Cử tri cả nước đã từng chứng kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng hình ảnh người Đại biểu Quốc hội – Phó Giáo sư Tôn Thất Bách – với những ý kiến đóng góp sắc sảo, thấm đượm lòng yêu nước, thương dân.
Do những cống hiến lớn lao của cho đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Anh nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú (1992); Nhà giáo Nhân dân (2000); Huân chương Lao động hạng ba (2001)…
Với những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, Anh đã được nhiều trường Đại học và cơ sở nghiên cứu khoa học trên thế giới bầu và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Viện sĩ Viện hàn lâm phẫu thuật Paris, Cộng hoà Pháp (1998); Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Niu Oóc, Hoa Kỳ (1999); Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Y khoa Lin, Cộng hoà Pháp (1998); Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Ô-đét-xa, U-crai-na (2001). Anh còn được mời làm hội viên Hội phẫu thuật của Cu-ba, Ô-xtrây-li-a; I-ta-li-a.
Ngày 20-12-2004, tại Hà Nội, đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam trao Huân chương Cành cọ hàn lâm tặng Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước Pháp tặng cho những đóng góp của Anh trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và y tế cũng như sự phát triển của mối quan hệ hợp tác Việt – Pháp. Trong gần 35 năm phục vụ và cống hiến, Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt – Đức với nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó, có hơn 100 trường đại học y của Cộng hoà Pháp. Phó Giáo sư Nguyễn Thị Nga, vợ Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách, thay mặt gia đình nhận phần thưởng này.
Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách từ trần ngày 26-3-2004, trong thời gian đang cùng Đoàn đại biểu Ủy ban Các vấn đề xã hội đi công tác ở tỉnh miền núi Lào Cai.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến viếng và ghi vào sổ tang: “Vô cùng tiếc thương Phó Giáo sư, Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách, đại biểu Quốc hội, người Thầy thuốc Nhân dân, một nhà khoa học tiêu biểu, có uy tín, trọn cuộc đời hoạt động của mình đã có những đóng góp vào hoạt động của Quốc hội, đã dành nhiều công sức, trí tuệ vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đã có những cống hiến xuất sắc trong nền y học nước nhà…”
Thi hài Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách được đưa vào nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Văn Chính

 Các bài viết khác:
 

Hai thầy thuốc được phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân

 

Những năm Tuất đáng nhớ của ông vua tài năng, ân nghĩa, có tầm nhìn xa rộng

Chọn số:

Chọn chuyên mục: