Người khởi dựng triều Lý là Lý Công Uẩn, sinh ngày 12-2 năm Giáp Tuất (974), người làng Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh. Mẹ ông họ Phạm và đã chết sau khi sinh ra ông. Năm lên 3 tuổi, ông được thiền sư Lý Khánh Văn đưa về nuôi. Có truyền thuyết cho rằng, ông là con của Lý Vạn Hạnh (anh ruột Lý Khánh Văn). Cũng theo truyền thuyết, ông thân sinh ra Lý Công Uẩn nhà nghèo đi làm ruộng thuê ở chùa Tiên Sơn (Bắc Ninh) phải lòng một thiểu nữ rồi làm nàng có thai. Nhà sư thấy thế đuổi đi. Hai vợ chồng dẫn nhau đến khu rừng Báng, mệt mỏi, dừng chân nghỉ. Chồng khát nước, đến chỗ giếng nước uống, chẳng may sẩy chân, chết đuối. Vợ chờ lâu không thấy, đến xem thì đất đã đùn lấp giếng. Người phụ nữ bất hạnh than khóc một hồi rồi xin vào ngủ nhờ ở chùa Ứng Tâm gần đấy. Sư trụ trì chùa Ứng Tâm đêm trước nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có hoàng đế đến”. Tỉnh dậy, nhà sư sai tiểu quét chùa sạch sẽ, túc trực từ sáng đến chiều chỉ thấy một người đàn bà có thai xin ngủ nhờ. Được vài tháng bổng có chuyện lạ: Một đêm khu tam quan của chùa sáng rực hẳn lên, hương thơm ngào ngạt lan tỏa. Nhà sư cùng bà hộ chùa ra xem thì thấy người đàn bà ấy đã sinh một người con trai. Hai bàn tay có bốn chữ son “sơn hà xã tắc”. Sau đó trời bổng mưa to gió lớn, mẹ chú bé chết ngay sau khi sinh con và chú bé được nhà chùa nuôi nấng. Đó là một đêm của mùa xuân năm Giáp Tuất (974). Lên 9 tuổi, nhà sư cho chú bé theo học sư Vạn Hạnh ở chùa Tiên Sơn. Chú bé đó là Lý Công Uẩn. Công Uẩn lớn lên tỏ rõ chí khí khác thường, lại được sư Vạn Hạnh kèm cặp cả văn cùng võ nên ông không những giỏi võ nghệ mà còn tinh thông kinh sử. Khi vua Lê Đại Hành mất (1005), sư Vạn Hạnh tiến cử ông vào triều đình đời vua Lê Trung Tông làm quan đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Khi vua Thiếu Đế bị giết, ông ôm thây vua khóc, vua Lê Long Đỉnh khen là trung, cử ông làm Tư tướng quân chế chỉ huy sứ, thống lĩnh hết quân túc vệ. Theo truyền thuyết, làng Cổ Pháp hồi ấy có cây gạo cổ thụ bị sét đánh tước lần vỏ ngoài lộ ra mấy câu sấm. Sư Vạn Hạnh xem câu sấm ấy biết điềm nhà Lê sẽ đổ, nhà Lý sẽ lên bèn bảo Công Uẩn rằng: “Mới rồi tôi thấy lời phù sấm kì dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải ông thì còn ai? Năm 1009, vua Lê Long Đỉnh tạ thế, con vua còn nhỏ, chưa thể đảm đương được triều chính, được Lý Vạn Hạnh dọn đường dư luận, các quan muốn đưa Lý Công Uẩn lên làm vua. Quan Chi hậu là Đào Cam Mộc khuyên: “Thân vệ là người công minh, trung hậu, khoan ái, nhân từ, lòng người đều qui phục. Hiện nay trăm họ quẩn bách không chịu nổi mệnh trên, Thân vệ nhân tình thế này lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất đua nhau theo về như nước chảy chỗ trũng, ai có thể ngăn lại được” (Đại Việt sử kí toàn thư). Và rồi, các quan đều đồng thanh nhất trí tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Khi đó ông đã vào tuổi 36. Mới lên ngôi, ông đã cho tha hết những người tù tội từng bị bắt một cách oan uổng, lại còn cấp phát áo quần, thuốc men cho họ, đồng thời hạ lệnh đốt bỏ những dụng cụ tra tấn dã man trước đây. Điều đặc biệt quan trọng là do có tầm nhìn sáng suốt, đúng đắn, thấy không thể định đô của nước Đại Cồ Việt tại Hoa Lư, nên mùa xuân năm Canh Tuất (1010), ông trở về Cổ Pháp và Đại La để khảo sát tìm nơi dựng đô mới. Cũng mùa thu năm Canh Tuất này (tháng 7-1010), ông quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Khi về đến La Thành, lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng bay lên liền đổi tên Đại La thành Thăng Long thành (tức Hà Nội bây giờ). Lý Công Uẩn đã viết Chiếu Dời đô thể hiện quyết tâm đó: “…Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Bắc, Nam, Đông, Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…” (Đại Việt sử kí toàn thư). Kinh đô Thăng Long có từ năm Canh Tuất ấy (đến nay đã gần 1000 năm) thật là một dấu ấn năm Tuất muôn lần tốt đẹp. Người khai sinh ra nó lại chính là người đã sinh vào năm Giáp Tuất (Lý Công Uẩn, 974). Về sau, sử gia Lê Văn Hưu đã đánh giá rằng: “Về mặt ân uy rõ rệt, lòng người vui vẻ suy tôn, làm cho vận nước lâu dài, để phúc lại cho con cháu thì Đại Hành không biết lo xa bằng Lý Thái Tổ” (Đại Việt sử kí toàn thư). Từ năm 1010 cho đến nay, dù trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Thăng Long vẫn là kinh đô và thủ đô của nước ta. Điều đó đã khẳng định tầm nhìn xa rộng, đúng đắn và sáng suốt của ông vua tuổi Tuất này. Lý Công Uẩn thực sự là người con ưu tú của dân tộc. Ông đã cùng triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt dựng nước và giữ nước. Năm Bính Tuất này, xin được nói đôi dòng về những dấu mốc năm Tuất đáng nhớ của một vị vua tài năng, ân nghĩa, có tầm nhìn xa rộng.
Nguyễn Thị Thọ, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế
|